Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng: "Huỳnh Bửu Sơn – một trí thức lớn cống hiến hết mình cho đất nước"

Minh Thi Thứ bảy, ngày 04/06/2022 09:03 AM (GMT+7)
Sự ra đi đột ngột của chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn làm nhiều người bàng hoàng, nhất là nhóm trí thức nhân sĩ chuyên cố vấn về kinh tế cho Thành ủy TP.HCM và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hay còn gọi là nhóm Thứ Sáu.
Bình luận 0

Một thành viên của nhóm – ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế, giảng viên chương trình Fulbright, Giám đốc Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận, đã chia sẻ với Dân Việt về nỗi mất mát to lớn này.

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng: "Huỳnh Bửu Sơn – một trí thức lớn cống hiến hết sức mình cho đất nước" - Ảnh 1.

Một chuyến khảo sát của nhóm Thứ Sáu với Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh tư liệu

"Huỳnh Bửu Sơn – một trí thức lớn, một nhân cách lớn"

Ông Phan Chánh Dưỡng cho biết, Huỳnh Bửu Sơn là người trí thức đã sống qua hai chế độ. Đã là người trí thức, anh Sơn độc lập với tất cả ảnh hưởng xung quanh và luôn luôn yêu mến quê hương, không bị hạn chế bởi ý thức hệ. Đó là cái lớn nhất!

Nếu một người bình thường khi thay đổi chế độ, thay đổi ý thức hệ thì người ta sẽ bỏ đi. Nhưng anh Sơn thì không. Ngay cả chuyện anh ở lại giữ 16 tấn vàng để bàn giao cho chính quyền mới cũng đã cho thấy,  chỉ cần một điều đó thôi người ta đã đủ đánh giá nhân cách con người của anh thế nào. Cần nhìn nhận khách quan chúng ta mới có thể thấy hết ý nghĩa của việc làm này. Và trong suốt thời gian hòa bình lập lại, anh Sơn chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ đất nước hay không yêu đất nước. Trên một điều kiện vô cùng khắc nghiệt nhưng anh vẫn có một tâm nguyện "phải làm gì cho đất nước này tốt hơn".

Giống như một người khiêng một vật nặng, phải có đôi chân vững chãi thì mới có thể làm được. Những người như anh Huỳnh Bửu Sơn đã làm được và làm hết sức mình để trụ lại, để cùng những người khác đưa đất nước đi tới những ngày tốt đẹp hơn. Điều này khiến tôi vô cùng kính phục anh Sơn.

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng: "Huỳnh Bửu Sơn – một trí thức lớn cống hiến hết sức mình cho đất nước" - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn có nhiều đóng góp trong cải cách ngành ngân hàng, tài chính.

Tôi chỉ là một người rất bình thường, tôi không có gánh nặng giống anh Sơn. Sau giải phóng, tôi sống như bao người bình thường khác. Nhưng anh Sơn thì khác, luôn đau đáu, để hiểu rằng tại sao anh Sơn và nhiều người lại quây quần bên nhóm Thứ Sáu (lúc đó tôi là người phụ trách công ty Cholimex). Nơi đó chúng tôi không phân biệt, cởi mở cùng nhau, không than thở. Anh em nhóm Thứ Sáu chúng tôi vô cùng cảm ơn một nhóm lãnh đạo của thành phố Hồ Chí Minh, cảm ơn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó đã biết tới nhóm, tin tưởng nhóm.

Một trí tuệ lớn

Dần dần, chúng tôi cũng làm được một số việc ngay cả trong thời kỳ giá lương tiền đất nước vô cùng nguy nan. Trung ương đề nghị TP làm đủ mọi cách để kéo giá xuống. TP đề nghị chúng tôi nghiên cứu đề án này.

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng: "Huỳnh Bửu Sơn – một trí thức lớn cống hiến hết sức mình cho đất nước" - Ảnh 3.

Ông Huỳnh Bửu Sơn (bìa trái) trong một chuyến công tác. Ảnh tư liệu

Khi nghiên cứu đề án, chúng tôi nhìn một cách tổng thể nền kinh tế chứ không phải nhìn giá cả đang lên hàng ngày. Nhìn nhận và đánh giá một nền kinh tế không dễ. Và chúng tôi thấy rằng toàn bộ nền kinh tế đã sụp xuống mà những người ăn lương lại là người đau khổ nhất. Nỗi đau khổ đó chỉ thể hiện ở mảng giá cả lên giá so với đồng tiền của người ăn lương, còn với người hiểu biết kinh tế và nhìn ở tầm vĩ mô thì không nhìn như vậy.

Người ta nhìn từ chuyện người sản xuất bỏ ra 1 lượng vàng tham gia sản xuất, tạo ra sản phẩm bán theo giá thị trường chứ không phải là giá thời bao cấp. Nhưng khi bán xong lấy đâu ra tiền mua lại nguyên liệu, một lượng vàng còn lại có 8 chỉ. Quay vòng thứ hai còn lại 6 chỉ. Như vậy, nhìn là giá lên nhưng nền kinh tế đang đi xuống. Nhắc lại để thấy những anh em nhóm Thứ Sáu có một tầm nhìn khác hơn cái nhìn đương thời của xã hội, tôi không dám nói đến tầm lãnh đạo cao.

Thế nên thì khi chúng tôi ngồi nghiên cứu mới phát hiện ra, "trời ơi, không phải giá đang lên mà giá đang rớt xuống!". Tất cả đều rớt hết nhưng tiền lương lại rớt nhanh nhất so với giá. Mà như thế khoảng cách giữa giá và lương càng lúc càng rộng ra. Cho nên chúng tôi kêu lên rằng, giá đã lên tới phi mã, còn xét tới người sản xuất, vừa bán mặt hàng đó ra, mua lại nguyên liệu thì nó cân một phần vốn, mà quay ra hai ba vòng thì vốn hết. Vì vậy người ta ngưng sản xuất, không dám làm gì nữa.

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng: "Huỳnh Bửu Sơn – một trí thức lớn cống hiến hết sức mình cho đất nước" - Ảnh 4.

Ông Huỳnh Bửu Sơn (đứng ở bìa trái), ông Phan Chánh Dưỡng (đứng bìa phải) trong buổi họp mặt mừng Nhóm Thứ Sáu 15 tuổi cùng với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh tư liệu

Điểm này lúc đó không ai nhìn được. Tôi rất phục anh Sơn vào thời điểm đó được anh em đề nghị là nhóm trưởng cho đề án trên và bài toán đã giải quyết được. Từ đó mới đưa đến chuyện hãy để cho hàng hóa lưu thông thông suốt từ Bắc đến Nam, để những mặt hàng mà người ta tuồn trữ bởi tâm lý dù không ăn, sẽ không còn sợ nữa và sẽ được bỏ ra thị trường, cho nên giá bắt đầu xuống lại.

Và ý nghĩa lớn lao khi đó là tư duy "trả lại cho người dân quyền sản xuất". Tức là chúng ta không còn phải chỉ anh này phải nuôi cá, nuôi cua, anh kia phải trồng lúa… Người dân được quyền trồng cái gì do họ quyết định, và bán ra cái gì cũng do họ quyết định vì không thể bán giá thấp hơn giá mà họ đã dày công để tạo ra sản phẩm.

Như vậy, cuối cùng nền tảng sản xuất của đất nước mình chựng lại được và từng bước, từng bước chúng ta đi vào bình thường hóa nền kinh tế. Khi bỏ "ngăn sông cấm chợ" thì gạo khi đó không còn thiếu ăn. Và năm sau, gạo dư ra 1,8 triệu tấn. "Mình tự bóp cổ mình nghẹt thở, chỉ cần buông bàn tay bóp cổ mình ra thì thở được. Trong điều kiện khó khăn khắc nghiệt như thế, anh Sơn và các anh em chúng tôi đã trụ lại trên đất nước này như thế!", ông Phan Chánh Dưỡng nghẹn ngào nhớ lại.

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng: "Huỳnh Bửu Sơn – một trí thức lớn cống hiến hết sức mình cho đất nước" - Ảnh 5.

Đưa tiễn chuyên gia kinh tế Trần Bá Tước ngày 27/6/2013 (hàng trước, từ trái qua: Ông Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, Lâm Võ Hoàng).

Tôi rất đau trước sự ra đi của anh Huỳnh Bửu Sơn. Chúng tôi vẫn luôn nghĩ và nói với nhau rằng, anh Sơn như "những tia nắng tà dương". Cho nên phải làm sao để có những tia nắng khác tiếp nối những tia nắng của anh, những suy nghĩ của anh, để chúng không thể tắt...

Bởi vì những tia nắng này có đẹp đến mấy rồi cũng đi vào chiều tà, phải làm sao có những người kế thừa. Muốn như thế, chúng ta phải có những người trẻ dám dấn thân lúc khó khăn của đất nước...

Dù thành lập lúc sơ khai 5 không (không tên, không cơ quan chủ quản, không trụ sở, không điều lệ, không chức vụ, không kinh phí, không lương), nhóm Thứ Sáu đã tụ hợp những người trí thức tài giỏi đưa ra những cách tư duy mới với thời cuộc. Nhóm gồm các ông: Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Phan Thành Chánh, Mai Kim Đỉnh, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Phan Tường Vân, Nguyễn Ngọc Bích, Hồ Xích Tú, Trần Trọng Thức, Hoàng Thoại Châu... Họ đóng góp bằng các bài báo bình luận, đánh giá tình hình kinh tế, phân tích, phản biện chính sách. Tháng 10/1986, những người trí thức qua hai chế độ có tên là "Nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế của Thành ủy" do ông Võ Trần Chí, Bí thư Thành ủy thời bấy giờ cấp. Xuất hiện trong các cuộc họp nhóm có các vị lãnh đạo: Ông Võ Trần Chí, Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Võ Văn Kiệt, Phạm Chánh Trực…

Họ đóng góp nhiều đề án cải cách, góp phần hình thành nên chính sách của nhà nước, vào từng bước phát triển của TP.HCM: ý kiến đột phá về giá - lương - tiền dẫn đến kết quả tình trạng cấm chợ ngăn sông, cản trở lưu thông hàng hóa đã được bãi bỏ trên toàn quốc; những chính sách hỗ trợ sản xuất, đề xuất cải cách hệ thống ngân hàng sau đó đã được ban hành dưới hình thức các pháp lệnh ngân hàng; các nghiên cứu phát triển ngoại thương, các đề tài kinh tế vàng góp mặt vào các chính sách; đề án thành lập Khu chế xuất Tân Thuận, hàng loạt dự án đầu tư: Đại lộ Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh (nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh), khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu công nghiệp Hiệp Phước... Một số thành viên của nhóm như Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó mời vào Ban nghiên cứu của Thủ tướng, đưa ra những chính sách phát triển kinh tế quan trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem