Chuyên gia nam học lý giải 8 thắc mắc về bao quy đầu

Thứ năm, ngày 20/07/2017 12:01 PM (GMT+7)
Chỉ có chưa tới 1% nam giới trên 16 tuổi thật sự bị hẹp bao quy đầu. Thế nhưng ngày nào cũng có người đến gặp bác sĩ để xin… cắt phần da này đi, đa số là vì ngộ nhận về da quy đầu.
Bình luận 0

ThS BS Nguyễn Hồ Vĩnh Phước - Khoa Nam học Bệnh viện Bình dân TP.HCM đã có những giải đáp có liên quan tới chỉ định cũng như cách chăm sóc sau cắt bao quy đầu.

1. Khi nào cần cắt bao quy đầu?

Dương vật có phần đầu gọi là quy đầu, phần da che chở cho phần quy đầu gọi là da quy đầu.

Nam giới khi sinh ra cũng có da quy đầu. Bác sĩ cho chỉ định cắt bao quy đầu trong trường hợp bao quy đầu bị chít hẹp, là tình trạng nam giới không thể tuột bao quy đầu ra hoặc bị thắt nghẽn bao quy đầu, viêm nhiễm tái phát nhiều lần.

img

BS Bệnh viện Bình Dân cắt bao quy đầu.

2. Ở trẻ sơ sinh, bao quy đầu che hoàn toàn quy đầu, không tuột lên được thì có hẹp bao quy đầu?

Đa phần trẻ sơ sinh có tình trạng dính da quy đầu sinh lý, do đó lúc này chưa thể tuột được bao quy đầu cho trẻ. Sau 3 - 4 năm hoặc trong thời gian đến tuổi trưởng thành, phần da quy đầu này sẽ tự nhiên tách khỏi quy đầu.

Một thống kê cho thấy có 90% trẻ nam tuột được da quy đầu lúc 3 tuổi, có đến 99% nam giới trên 16 tuổi không hẹp bao quy đầu.

3. Cắt da bao quy đầu có thể có những nguy cơ lây nhiễm bệnh?

Cắt da quy đầu là một thủ thuật, cần đảm bảo các điều kiện như phòng mổ sạch sẽ, vô trùng, phẫu thuật viên cần được đào tạo, đối với trẻ nhỏ (dưới 12 tuổi) cần phải được gây mê khi thực hiện thủ thuật nên cần thực hiện trong khu phẫu thuật.

Do trong thực hiện cắt da quy đầu và hậu phẫu, vết thương là một cửa ngõ để các tác nhân gây bệnh (như vi khuẩn, siêu vi) xâm nhập, nên các lây nhiễm có thể xảy ra trong thời gian này.

4. Chăm sóc sau cắt da bao quy đầu như thế nào?

Sau phẫu thuật, người bệnh cần dùng thuốc giảm đau, sát trùng tại chỗ. Bên cạnh đó, người được cắt da quy đầu cần chăm sóc tốt phần vết thương như thay băng, giữ khô vết thương, nếu băng bị dính nước tiểu hoặc dịch tiết cần được thay lại.

Ngoài ra, cần băng cố định dương vật lên bụng để tránh nguy cơ phù nề. Khi vết thương liền, có thể tắm rửa, tiếp xúc với nước.

Thông thường, nếu bác sĩ sử dụng chỉ tan như chromic, chỉ sẽ tự tan trong khoảng 1 tuần.

5. Những sai lầm phổ biến nhất khiến một người nghĩ rằng họ cần cắt bao quy đầu?

Đó là những suy nghĩ như: cắt da quy đầu có thể trị xuất tinh sớm hoặc kéo dài thời gian quan hệ tình dục, không cắt da quy đầu sẽ “nhốt” dương vật không lớn lên được, không cắt da quy đầu sẽ bị vô sinh sau này, không cắt da quy đầu sẽ gây vướng víu trong quan hệ vợ chồng…

img

Nhiều người hiểu sai về việc cắt bao quy đầu

Nếu bao quy đầu không hẹp thì việc cắt hay không cần phải thực sự cân nhắc. Một số ý kiến cho rằng cắt da quy đầu làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng niệu hoặc giảm tỷ lệ ung thư dương vật.

Thật ra, khi nam giới kéo được da quy đầu để vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày thì không nhất thiết phải cắt da quy đầu.

Ngoài ra, khi quyết định cắt da quy đầu, người bệnh cần phải được tham vấn rất kỹ để chuẩn bị tâm lý (như đau, các biến chứng có thể gặp phải, cảm giác khó chịu vùng quy đầu trong giai đoạn đầu sau cắt, hoặc dương vật nhìn thấy “lạ” so với lúc trước cắt).

6. Sau cắt da quy đầu bao lâu thì nam giới có thể sinh hoạt hoặc gần gũi vợ chồng?

Thông thường, sau cắt da quy đầu từ 2-3 tuần thì mọi sinh hoạt có thể trở về bình thường.

Tuy nhiên, đây là vùng kín, nhạy cảm, các tổ chức dưới da lỏng lẻo nên nếu chăm sóc không tốt dễ gây viêm nhiễm, phù nề, vết thương chậm lành.

Do đó, người cắt da quy đầu nên tái khám theo lịch hẹn và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trước khi có những quyết định.

7. Công dụng của da quy đầu là gì?

Thật ra, da quy đầu không “thừa”. Da quy đầu có một số chức năng quan trọng như: da quy đầu giúp che chở, bảo vệ cho quy đầu quy đầu vốn là phần khá nhạy cảm khỏi những “va chạm” trong lúc sinh hoạt thường ngày, tránh cho nam giới có cảm giác khó chịu.

Bao quy đầu còn là vật liệu tự thân rất quý trong trường hợp nam giới cần ghép da, hoặc tạo hình niệu đạo…

8. Cần giữ vệ sinh cho trẻ như thế nào nếu không cắt da quy đầu?

Khi trẻ còn nhỏ, phụ huynh có thể giúp trẻ vệ sinh vùng quy đầu, khi tắm cần kéo và rửa nhẹ nhàng vùng da nhạy cảm này.

Khi trẻ có thể tự chăm sóc, người lớn cần hướng dẫn cho trẻ rửa bằng nước sạch sau khi đi tiểu, khi tắm cần kéo da quy đầu để rửa với xà bông, rửa lại bằng nước sạch và lau khô, sau đó nhẹ nhàng kéo da quy đầu trở lại che chở cho quy đầu.

Đến khi trẻ dậy thì, có hoạt động sinh dục thì các tuyến mồ hôi, tuyến bã sẽ tăng tiết nên cần rửa thường xuyên hơn để tránh ứ đọng nước tiểu và các chất tiết.

Như vậy, rất hiếm trẻ nhỏ cần cắt da quy đầu do hẹp da quy đầu. Phụ huynh cần kiên nhẫn chăm sóc cho trẻ và hướng dẫn cho trẻ tự chăm sóc về sau thay vì cố gắng tuột da quy đầu của trẻ nhỏ một cách thô bạo.

Khi da quy đầu hẹp rõ hoặc viêm nhiễm tái phát nhiều lần, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có uy tín để được tư vấn và thực hiện thủ thuật nếu cần thiết.

Vệ sinh thường xuyên vùng da quy đầu là việc cần thực hiện để tránh viêm nhiễm, nhất là khi trẻ bước vào lứa tuổi có các hoạt động sinh dục.

Văn Đức (VNN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem