Việc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Bưu điện TP. Hà Nội (cũ) đổi tên Bưu điện Hà Nội được gắn trước toà nhà bưu điện tại phố Đinh Tiên Hoàng thành VNPT Hà Nội đã gây nên nhiều thất vọng cho người dân. Mới đây, UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản số 5543/UBND-KGVX do Chủ tịch Nguyễn Đức Chung ký, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị giữ tên Bưu điện Hà Nội.
Chia sẻ về việc đổi tên Bưu điện Hà Nội, nhà “Hà Nội học” Nguyễn Ngọc Tiến cho biết: “Điều đầu tiên tôi muốn nói tên Bưu điện Hà Nội đã có giá trị nhất định, thứ nhất là về văn hoá, thứ hai là về giá trị lịch sử. Theo tôi nên trả lại tên Bưu điện Hà Nội thay vì để tên mới như bây giờ. Bởi giống như tên Điện Biên Phủ, cái tên đã gắn liền với văn hoá, lịch sử.
Tên Bưu điện Hà Nội đã quá quen thuộc với người dân qua nhiều thế hệ, gắn đến đời sống một thời kỳ của người dân Hà Nội. Tôi còn nhớ thập kỷ 1970 hay lùi hơn nữa, Bưu điện Hà Nội gắn chiếc đồng hồ và nó đã trở thành điểm xem giờ của rất nhiều gia đình ngày đó. Bởi ngày đó đâu có nhiều đồ điện tử, đồng hồ để xem giờ như bây giờ. Nhiều gia đình đã ở rất xa đã phải chạy lên bờ hồ để xem giờ.
Bưu điện Hà Nội trước kia là một ngôi chùa rất lớn, nhưng khi người Pháp sang đã phá chùa và xây lên đó cột mốc số 0 để đánh dấu km đi các tỉnh thành. Năm 1970, ngôi nhà mặt tiền Bưu điện Hà Nội thời Pháp đã bị phá đi và xây mới toà nhà như hiện nay, đó đã là một điều đáng tiếc. Bởi ngôi nhà Pháp xây có giá trị về kiến trúc, nhẹ nhàng, nằm cạnh hồ Gươm rất đẹp. Thế nhưng ngôi nhà đã bị phá bỏ không thương tiếc. Và bây giờ cái tên Bưu điện Hà Nội tiếp tục bị bỏ để thay tên mới, như vậy có phải hai lần đau?".
Nhà "Hà Nội học" Nguyễn Ngọc Tiến
Theo nhà “Hà Nội học” Nguyễn Ngọc Tiến, anh nhắc tới hai lần đau, bởi "tên Bưu điện Hà Nội là ký ức một thời của rất nhiều thế hệ, của nhiều gia đình. Có những gia đình ở Hà Nội khi nhắc tới Bưu điện Hà Nội cảm thấy thân quen, nhớ về một thời của mình. Với những người đi xa, đặc biệt đi nước ngoài, thì nghĩ về Hà Nội chắc chắn sẽ nghĩ và nhớ về Bưu điện Hà Nội. Nếu giờ bỏ tên Bưu điện Hà Nội, chẳng khác nào xoá ký ức một thời của Hà Nội".
Nhà văn Nguyễn Hiếu
Còn nhà văn Nguyễn Hiếu thì chia sẻ: “Tôi là người Hà Nội gốc, ở phố Duy Tân, từ những năm 1953-1954 tôi đã có nhiều kỷ niệm ở bờ hồ cũng như Bưu điện Hà Nội.
Bưu điện Hà Nội là gốc tích, tiêu biểu của Hà Nội. Bưu điện Hà Nội còn là biểu tượng trong một giai đoạn của Hà Nội. Theo tôi không nên đổi tên Bưu điện Hà Nội, bởi sẽ mất đi tên của Hà Nội, mất đi dáng vẻ thơ ấu một thời của nhiều thế hệ đã gắn bó với Hà Nội.
Tôi còn nhớ ngày trước, chiếc đồng hồ còn có chuông, mỗi khi chuông vang lên người dân có thể biết được là mấy giờ. Và tiếng chuông đó gắn trong ký ức, tiềm thức mỗi khi tôi đi xa Hà Nội. Tôi rất nhớ tiếng chuông đó, trong tác phẩm của mình phảng phất là Bưu điện bờ hồ cũng như tiếng chuông đồng hồ”.
Trước đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã đổi tên Bưu điện Hà Nội được gắn tại toà nhà Bưu điện nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng thành VNPT Hà Nội.
Chia sẻ về lý do đổi tên, phía VNPT Hà Nội cho hay, tháng 12.2007, thực hiện quyết định của Thủ tướng và chỉ đạo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Bưu điện TP. Hà Nội (cũ) thực hiện tái cơ cấu tổ chức sản xuất, tiến hành giải thể và chia tách bưu chính và viễn thông để thành lập mới hai đơn vị là Bưu điện TP. Hà Nội (mới) và Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội). Toàn bộ tòa nhà B phía 75 Đinh Tiên Hoàng được giao cho VNPT Hà Nội quản lý, tòa nhà A giáp phố Lê Thạch giao cho Bưu điện TP. Hà Nội (mới) quản lý.
VNPT Hà Nội tiếp nhận quản lý, vận hành khai thác tòa nhà B cùng các công trình phụ trợ. Tuy nhiên, biển chữ “Bưu điện Hà Nội” trên nóc tòa nhà do sử dụng gần 20 năm đã bị hỏng và có nguy cơ mất an toàn không thể sửa chữa được nữa, thời điểm này VNPT Hà Nội quyết định gắn chữ mới VNPT Hà Nội, đúng tên của đơn vị.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.