Chuyên gia về Ukraine Phan Anh Dũng: Lệnh trừng phạt của Mỹ là con dao hai lưỡi

Thứ hai, ngày 24/03/2014 06:56 AM (GMT+7)
Lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga đang tạo ra những luồng nhận định khác nhau. Bản thân Tổng thống Nga Putin nói: “Thiệt hại sẽ chia đều cho cả hai bên”.
Bình luận 0
Thạc sĩ Phan Anh Dũng - chuyên gia về Ukraine đã bình luận về vấn đề này trong cuộc trả lời phỏng vấn của Nông Thôn Ngày Nay - Dân Việt.

Thạc sĩ Phan Anh Dũng - chuyên gia về Ukraine
Thạc sĩ Phan Anh Dũng - chuyên gia về Ukraine

Việc Mỹ và phương Tây thực hiện lệnh cấm vận được cho là không ảnh hưởng nhiều lên Nga, ông nghĩ sao về điều đó?

- Mỹ và phương Tây thực hiện lệnh cấm vận bằng các động thái như cô lập Nga trên trường quốc tế, đóng băng tài khoản và hạn chế quan chức Nga vào khu vực phương Tây, trục xuất khỏi G8, ngừng ngoại giao, đình chỉ hợp tác an ninh quốc phòng, ngừng bán vũ khí.… Đổi lại Nga cũng bắt đầu đưa ra các lệnh trừng phạt đối với Mỹ, hôm thứ năm (20.3), Bộ Ngoại giao Nga đã ban hành lệnh trừng phạt 9 quan chức cấp cao của Mỹ để trả đũa lệnh cấm cấp thị thực và đóng băng tài sản với các quan chức nước này. Có thể thấy, sự trừng phạt của Mỹ là con dao hai lưỡi, có thể phản ứng ngược, và vẫn chưa làm Nga lo lắng nhiều, thậm chí một số quan chức Nga còn chế diễu các lệnh cấm vận đó.

Các tay súng nghi là của Nga đã giành quyền kiểm soát một cơ sở nơi có chiến hạm Slavutich.
Các tay súng nghi là của Nga đã giành quyền kiểm soát một cơ sở nơi có chiến hạm Slavutich.

Tuy nhiên thực ra sự cấm vận lẫn nhau nếu chuyển sang vấn đề kinh tế có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả hai bên: Về phía Nga, ảnh hưởng mạnh nhất là lên chiến lược ngoại giao. Trong trường hợp bị cấm vận, toàn bộ các mối quan hệ mà Nga đang cố công xây đắp có thể bị tan vỡ. Các cấu trúc liên kết nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực mà Nga và các nước cũng như các tổ chức khu vực đã ký kết đổ vỡ, Liên minh châu Âu và khối NATO sẽ là những nước đầu tiên tẩy chay Nga. Ngay các nước khu vực SNG, những quốc gia nằm trong khu vực mà Nga coi là lợi ích sống còn của mình cũng sẽ lo ngại, vì trong số hơn 25 triệu kiều dân Nga, nơi tập trung đông nhất là khu vực hậu Xô viết. Xu hướng bài Nga sẽ tăng và có thể làm tan rã SNG, Nga sẽ bị cô lập trên trường quốc tế.

Ảnh hưởng thứ hai là kinh tế: Nền kinh tế Nga hoàn toàn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu-khí và EU là khách hàng chính chiếm khoảng 80% giá trị xuất khẩu khí đốt của Nga. Hiện nay Nga đang rất cần các nhà đầu tư phương Tây đầu tư công nghệ vào Nga, nhiều nguồn vốn của phương Tây đang đầu tư hiệu quả tại Nga, giúp nền kinh tế Nga tăng trưởng.

Theo tôi, nếu Mỹ và các nước phương Tây trừng phạt bằng kinh tế, nền kinh tế Nga sẽ khủng hoảng nặng, tăng trưởng trở về âm. Các nhà đầu tư và các khách hàng sẽ rời bỏ thị trường Nga, đồng rúp mất giá, thị trường chứng khoán sụp đổ.

Còn Mỹ và phương Tây, tác dụng ngược từ những đòn trừng phạt sẽ ra sao, thưa ông?

Một nhóm các tay súng ngày 22.3 đã giành quyền kiểm soát chiến hạm Slavutich, một trong những tàu hải quân cuối cùng ở Crimea vẫn treo cờ Ukraine. Một phát ngôn viên Chính phủ Ukraine cho biết, tàu Slavutich bị Hải quân Nga phong tỏa ở cảng Sevastopol của Crimea và đã rời xa bến neo đậu để tránh bị tấn công. Tuy nhiên, con tàu ngày càng bị cô lập trong một khu vực phản đối mạnh mẽ chính phủ mới thân phương Tây ở Kiev. Nga chưa đưa ra bình luận về thông tin nói trên.
Quang Minh

- Hiện nay, các khoản nợ của các công ty và ngân hàng Nga, kể cả của một số tập đoàn nhà nước nợ tín dụng nước ngoài trên 650 tỷ USD. Vì vậy các ngân hàng châu Âu và Mỹ thiệt hại nặng khi đóng băng các giao dịch này. Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn cho châu Âu vì vậy việc cấm vận sẽ làm châu Âu thiếu hụt năng lượng. Nga cũng là thị trường lớn tiêu thụ các sản phẩm của châu Âu, cấm vận sẽ làm các công ty lớn của Mỹ cũng như châu Âu thiệt hại nặng. Nga nắm một số lượng lớn tài sản trên sàn chứng khoán Mỹ, châu Âu nếu áp dụng cấm vận, số tài sản này sẽ phát sinh vấn đề. Ngoài ra, việc cắt đứt quan hệ với Nga có thể dẫn đến chạy đua vũ trang tại châu Âu, làm tổn hao sức mạnh của NATO. Ảnh hưởng lên chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Khả năng tiếp theo như thế nào, thưa ông?


- Cả hai bên sẽ tiếp tục hay giảm căng thẳng phụ thuộc vào việc sau khi Ukraine bầu cử và thành lập chính phủ mới vào 25.5. Nếu chính phủ mới nghiêng hẳn về phương Tây, căng thẳng sẽ dâng cao hơn mức hiện nay, hai bên sẽ thực hiện cấm vận trả đũa nhau, Ukraine có thể tiếp tục thành bãi chiến trường cho hai bên tranh giành ảnh hưởng. Tuy nhiên khả năng chiến tranh khó có thể xảy ra…

Xin cảm ơn ông!
Thiên Việt (thực hiện) (Thiên Việt (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem