Chuyển học phí sang giá: Cách gì để không nhầm như "thu giá BOT"?

Lương Kết Thứ tư, ngày 30/05/2018 17:14 PM (GMT+7)
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), để tránh tình trạng nhầm lẫn như các trạm thu giá BOT, cần giữ nguyên tên gọi là học phí, tuy nhiên việc thu này cần trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo chứ không phải dựa trên Luật phí và lệ phí.
Bình luận 0

img

Đại biểu Hoàng Văn Cường (ảnh VPQH).

Chiều nay (30.5), Quốc hội thảo luận ở tổ cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Phát biểu góp ý tại tổ Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: Dự thảo Luật  có sự thay đổi lớn về cơ chế tài chính trong giáo dục theo hướng đầu tư đi kèm theo chất lượng sao cho hiệu quả. Trước đây, trường chưa tự chủ được đầu tư theo biên chế, quy mô sinh viên... nhưng dự thảo luật đã đổi mới theo hướng "đặt hàng" kèm chất lượng, dịch vụ. Điều này đã giúp "triệt tiêu" tư tưởng nhà nước chỉ đầu tư cho công lập mà không vào trường dân lập, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình trường.

"Một điểm mới cần trao đổi kỹ là quy định về giá dịch vụ đào tạo. Việc phải quy định giá trong dự thảo luật là đúng vì hiện nay các trường đang thu học phí theo Luật Phí và học phí. Phí đó do Nhà nước ấn định”, đại biểu Cường nói.

Đại biểu Cường nói thêm, theo tinh thần của dự thảo Luật, đã tính đúng tính đủ chi phí hợp lý, bảo đảm chi phí tương xứng với chương trình đạo tạo chất lượng cao. Nếu cứ thu theo khung phí và lệ phí sẽ gây khó khăn cho các trường khi đưa ra sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao. Người học có mong muốn học các ngành chất lượng cao và sẵn sàng bỏ chi phí để có điều kiện học tập tốt nhất. Tính đúng, tính đủ chi phí là điều hết sức hợp lý, góp phần tạo sự bứt phá, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Vẫn theo đại biểu Cường, dự thảo Luật cần quy định để các cơ sở giáo dục không thể tính giá bao nhiêu cũng được mà phải quy định những gì được tính giá, những gì không. Toàn bộ những khoản thu vào và chi ra phải công khai để bản thân người học cảm thấy số tiền đã đóng là xứng đáng. "Để tránh tình trạng nhầm lẫn như các trạm thu giá BOT, tên gọi vẫn giữ nguyên là học phí nhưng việc thu học phí phải dựa trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo”, vị Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân đề xuất.

Trao đổi thêm với PV Dân Việt bên hàng lang, đại biểu Cường nói: Giữ tên gọi học phí là đúng, còn gọi là thu giá là sai. “Ví dụ giá đào tạo 1.000 đồng/tín chỉ, sinh viên học 10 tín chỉ, tôi thu học phí là 10 nghìn đồng, 10 nghìn đồng này dựa trên giá mỗi tín chỉ 1.000 đồng”, đại biểu Cường giải thích và cho rằng với đề xuất trên sẽ không dẫn tới tình trạng hiểu nhầm kiểu “học giá”.

img

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (ảnh VPQH).

Cũng đề cập tới vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết vẫn chưa có sự thống nhất giữa ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra. “Vẫn gọi tên là học phí nhưng bản chất là giá, vì phải tính toán đầy đủ các chi phí đào tạo.  Vấn đề quan trọng là làm sao giá dịch vụ đào tạo phải bảo đảm cho các trường hoạt động, ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo cũng như sinh viên khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ”, đại biểu Huỳnh Thành Đạt nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng đề xuất nên gọi là học phí, không nên đổi là giá dịch vụ đào tạo.

Là người công tác trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho biết, trong quá trình trường nơi bà công tác xây dựng tự chủ có đề giá dịch vụ là theo nghị định “Chúng  tôi vẫn đóng mở ngoặc là học phí để phụ huynh dễ hiểu. Phụ huynh đến nộp học mà nói giá dịch vụ nó không phù hợp môi trường sư phạm”, đại biểu Dung nói và đề nghị nên giữ từ “học phí” nhưng quy định cụ thể là bao gồm những khoản gì.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem