Bà mẹ cho rằng bực tức vì không lấy được khối tài sản là căn nhà mặt tiền to lớn, nhiều lần, vợ chồng con út lấy dao kề cổ bà đòi sát hại.
Liên tục trong 5 năm liền, bà Ngô Thị Tú Mỹ (sinh năm 1941, trú đường Phan Chu Trinh, phường Nam Dương, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng Đà Nẵng để tố cáo việc bị vợ chồng con trai (sinh năm 1977) ở cùng nhà quậy phá, chửi đánh, thậm chí thuê giang hồ uy hiếp. Không trưng ra được bằng chứng, bà viết đơn từ con, đòi trục xuất con ra khỏi nhà.
Bà Mỹ sinh ra trong gia đình khá giả. Tuy nhiên, vì chiến tranh loạn lạc, bà sớm phải gánh vác kinh tế gia đình, nuôi cha mẹ. 20 tuổi, bà quen và lấy chồng sinh năm 1938, tiếp tục nai lưng, mưu sinh đủ nghề để nuôi thêm cha mẹ, các em chồng cùng 4 người con trai.
Người chồng lặn lội đi làm thuê cho một ông chủ người Đài Loan (tạm trú tại Đà Nẵng), về sau được người chủ bảo lãnh, ông mang luôn quốc tịch Đài Loan. Thời gian trôi qua, ba mẹ bà Mỹ thấy con gái có hiếu nhưng đến lúc lấy chồng cũng cơ cực trăm bề, nên quyết định cho riêng bà ngôi nhà tổ tiên tại đường Phan Chu Trinh. Ngôi nhà này cũng được chồng bà Mỹ xác nhận là tài sản riêng của vợ.
Đến năm 1980, ba con trai đầu của bà Mỹ sang Mỹ cư trú. Bản thân bà Mỹ cũng có người thân quen ở đó, nên nhờ giúp đỡ cho các con. Dù ở xứ người xa lạ, nhưng 3 người con trai vẫn nhanh chóng tự lập vừa làm vừa học, đến nay đều đã thành đạt, có gia đình.
Ở Việt Nam, vợ chồng bà Mỹ tiếp tục làm việc nuôi người con còn lại ăn học tới đại học, sau đó cũng chính bà đích thân xin việc cho con trai. Trong khoảng thời gian này, vợ chồng bà được các con trai lớn bảo lãnh sang Mỹ sinh sống.
Riêng người con trai út vì đã trên 20 tuổi, chờ bảo lãnh đi sau, theo diện anh em. Qua Mỹ, dù các con không muốn, nhưng vợ chồng bà vẫn quyết định đi phụ bán nhà hàng, làm thêm nhiều nghề để tích cóp tiền dưỡng già, đồng thời hàng tháng còn gửi tiền về Việt Nam chu cấp cho con út.
Bà Mỹ cho rằng ngược lại với các anh, đứa con út ở Việt Nam có tiền dễ dàng nên không biết quý trọng, chỉ lo lao vào ăn chơi. Bà Mỹ vì thương con nên nhiều lần khóc lóc, khuyên nhủ con lo chí thú làm ăn, đừng vướng vào tệ nạn. Nhưng không nghe lời mẹ, vì ham chơi mà người này bị công ty cho nghỉ việc.
Nghe tin, bà Mỹ lập tức về nước, đi cầu cạnh nhờ người thân quen các nơi giúp đỡ, đưa con vào làm trong một công ty tại TP HCM. Tại đây, người này đã cấu kết bên ngoài làm mất tài sản của công ty nên một lần nữa bị đuổi việc, sống dựa hoàn toàn vào tiền chu cấp của cha, mẹ.
Khoảng thời gian trên, anh này tình cờ gặp và cưới một cô gái sinh năm 1983 người gốc Huế. Hai vợ chồng sinh sống trong ngôi nhà trên đường Phan Chu Trinh mà bà Mỹ được cha mẹ cho riêng. Hàng tháng bà vẫn phải gửi tiền chi tiêu về cho con trai và con dâu.
Đến năm 2008, người con có giấy gọi phỏng vấn sang Mỹ, nhưng một lần nữa không thành công vì cần bổ sung hôn thú do đã lấy vợ. Hai năm sau, vợ chồng sinh con, nên tiếp tục vướng các thủ tục xét bảo lãnh.
Trước những phức tạp trong giấy tờ, người này cũng thôi ý định sang Mỹ, quyết định ở lại quê nhà làm ăn sinh sống. Trong khi đó, sau mấy năm ở xứ người, bà Mỹ cũng xin hồi hương về Việt Nam ở cùng vợ chồng con trai út.
Mâu thuẫn cũng bắt đầu xảy ra. Theo bà Mỹ, ngày nào trong căn nhà của mình cũng bị vợ chồng con chửi bới, đòi giết vì muốn "moi" tiền mẹ mà không được. Và cho đến nay đã 5 năm liền, bà Mỹ hết nước mắt vì phải cứ vác đơn đi kêu cứu, tố cáo khắp nơi. Trong đơn tố cáo, bà Mỹ cho biết, sau khi cưới vợ được một tuần, vợ chồng con út bắt đầu tìm cách gây sự, mong đuổi bà ra khỏi nhà để độc chiếm căn nhà. Thời điểm hiện tại, căn nhà 3 tầng của bà Mỹ có giá hơn 10 tỷ đồng.
Bà cho biết: “Nếu vợ chồng con út ăn ở phải đạo, phụng dưỡng mẹ già thì gia sản trên chắc chắn thuộc về chúng, tôi cũng chẳng giữ để làm gì cả. Nhưng vì cả 2 vợ chồng nó suốt ngày chửi bới, xỉa xói mẹ thậm tệ. Hơn nữa, thời gian về ở với con trai, tôi hết lần này đến lần khác bị chủ nợ của con tìm đến đòi, nên phải thay con trả hơn một tỷ đồng”.
Lo sợ con có thể bán ngôi nhà tổ tiên đi nên bà nhất quyết không sang tên mặc dù bà vẫn để cho con cái ở. Phía dưới tầng trệt, bà cho người khác thuê kinh doanh và dùng số tiền đó cho các cháu ăn học. Ngoài ra, bà mua riêng cho vợ chồng con út một mảnh đất khác có giá hơn một tỷ đồng, cũng ở trung tâm thành phố, nhưng cả 2 chê nhỏ, không chịu nhận.
Bà mẹ cho rằng bực tức vì không lấy được khối tài sản là căn nhà mặt tiền to lớn, nhiều lần, vợ chồng con út lấy dao kề cổ bà đòi sát hại. Quá khiếp sợ, bà im lặng nín nhịn tìm cách trốn ra ngoài. Người con đập phá hết cửa kính, vật dụng trong nhà.
Đến mức này, bà Mỹ phải gọi công an phường đến giải quyết, nhưng rồi mọi việc vẫn lặp lại như cũ. Để có cơ sở cho công an làm việc, sau mỗi lần bị hành hung, bà đều âm thầm gói gém những con dao mang đi trình báo. Tuy nhiên, theo bà Mỹ, phía công an cho rằng chưa có bằng chứng, nên không thể xử lý.
Trong khi đó, vợ chồng người con gây áp lực bằng mọi hình thức vẫn không được sang nhà, nên một mặt thuê cả xã hội đen uy hiếp mẹ, một mặt gây chuyện với người thuê mặt bằng để họ “bỏ của chạy lấy người”. Biết không thể lay chuyển được con, bà Mỹ quyết định gửi đơn từ con.
Năm 2012, Tòa án nhân quận Hải Châu tiếp nhận đơn và thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, luật không có quy định về vấn đề này, đơn bị trả lại. Bà tiếp tục gửi đơn lên công an thành phố, Viện kiểm sát nhân dân thành phố… tố giác việc bà thường xuyên bị vợ chồng con trai bất hiếu, hành hung. Vụ việc chưa được giải quyết. Đến khoảng tháng 10, bà Mỹ gửi đơn lên tư pháp phường Nam Dương với yêu cầu đòi trục xuất con ra khỏi nhà.
Ông Nguyễn Văn Lành, Trưởng Ban Tư pháp phường Nam Dương cho hay, do phường không có chức năng làm việc này nên chỉ có thể giải quyết theo hướng mời vợ chồng người con và bà Mỹ ra để hòa giải, phân tích thiệt hơn. Tuy nhiên, các bên đến nay vẫn chưa hợp tác. Theo một cán bộ phường, sở dĩ chính quyền các cấp chưa thể vào cuộc vì vụ việc chưa để lại hậu quả, người con chưa gây thương tích cho người mẹ.
Trước hướng giải quyết như vậy, bà Mỹ chỉ biết thốt lên: “Chẳng lẽ mọi người đợi đến khi tôi chết sao, thế thì chẳng khác gì mất bò mới lo làm chuồng. Nếu những lần trước, tôi may mắn còn sức có thể chạy trốn, còn lỡ khi bị con đòi giết, đòi đánh lúc nửa đêm, không có người, thì tôi biết kêu ai. Tôi giờ già cả, thân cô thể cố, chỉ cần một cái đẩy nhẹ của vợ chồng con trai cũng đủ thiệt mạng rồi…”.
Pháp Luật Việt Nam (Theo Pháp Luật Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.