Chuyện ít biết về đơn vị nữ chiến đấu chống Trung Quốc ở Cao Bằng

Gia Tưởng Thứ bảy, ngày 16/02/2019 12:00 PM (GMT+7)
Ngày 17.2.1979, một đơn vị của quân xâm lược bành trướng Trung Quốc thọc sâu vào biên giới Việt Nam tại khu vực huyện Hòa An (Cao Bằng). Nhưng bất ngờ chúng đụng phải một đơn vị nữ có nhiệm vụ canh giữ kho quân khí và vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ đến từ những người phụ nữ Việt Nam bất khuất, anh hùng.
Bình luận 0

Thu vũ khí của giặc để đánh giặc

Trung tá Nguyễn Thị Tuyết (SN 1960) nay đã nghỉ hưu tại quê nhà (xã Hòa Long, TP.Bắc Ninh) nhớ lại: "Lúc đó đơn vị tôi C3 – 103 Cục Hậu cần quân khu I, có 93 chị em nữ toàn đồng hương Hà Bắc (nay tách ra thành hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang) với bộ khung chỉ huy là 14 đồng chí nam. Cả đơn vị lúc đó có không quá 10 khẩu súng. 

img

Hình ảnh những người nữ chiến sỹ đơn vị C3, những người đã thu vũ khí của quân Trung Quốc để đánh địch.

Sau 3 tháng huấn luyện, chúng tôi từ Thái Nguyên được đưa lên thôn Hào Lịch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng để xây dựng kho quân khí vì chúng ta đã tiên lượng trước sớm muộn gì Trung Quốc sẽ tấn công".

Kể đến đây, bà Tuyết ngưng lại một chút như để ký ức ngày lịch sử đó hiện về đầy đủ trong tâm trí, rồi bà kể tiếp: "Sáng 17.2.1979, khi nghe tiếng đạn pháo dồn dập khắp nơi vọng về, bộ đội ở tuyến trên đi qua chỗ tôi đóng quân nói: “Trung Quốc xâm lược rồi!”. 

Khi đó, chúng tôi mới đang là những cô gái trẻ (bà Tuyết lúc đó mới 19 tuổi), dù đã ít nhiều được dự báo trước điều này, nhưng cũng có chút lo lắng trong lòng. Tuy nhiên, đồng chí chỉ huy đơn vị động viên: “Phải còn rất lâu nữa quân Trung Quốc mới xuống đến đây nên các đồng chí cứ bình tĩnh mà chuẩn bị ứng phó!”.

Ngay lập tức, đơn vị chúng tôi đã tăng cường cảnh giới, chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu, số lượng vũ khí ít ỏi có được lập tức được gom về và giao cho các đồng chí nam. Ngoài ra trong tay chúng tôi không có thêm bất cứ vũ khí gì".

Nhưng trái với dự đoán của chỉ huy đơn vị, quân xâm lược Trung Quốc với sự áp đảo về lực lượng đã thọc xuống khá sâu vào biên giới nước ta đoạn giáp với Cao Bằng. Chỉ khoảng hơn 16h chiều 17.2, khi đang ca gác bà Tuyết phát hiện một toán địch khá đông đang tràn vào khu vực đơn vị của bà đóng quân. 

“Tuy địch rất đông nhưng may mắn là chúng không phát hiện ra đơn vị chúng tôi. Lúc đó ở núi rừng trời đã bắt đầu tối. Lợi dụng sự bất ngờ, chỉ huy yêu cầu tất cả các đồng chí nam giữ chắc đội hình và chờ khi địch vào thật gần, những khẩu súng hiếm hoi của đơn vị C3 đồng loạt nhả đạn vào giữa đội hình.

Bị đánh đòn phủ đầ bất ngờ, nhóm quân Trung Quốc tuy đông nhưng ngay lập tức hỗn loạn rối tung. Chúng tôi nghe rõ tiếng chúng la hét chửi bới nhau. Chúng lập tức co cụm lại và lùi về phía sau để tổ chức lại quân vì chưa biết đang đối đầu với lực lượng như thế nào trước mặt", bà Tuyết nhớ lại.

Lợi dụng địa hình hiểm trở cũng như trời tối, đơn vị của bà Tuyết cứ thế bắn cầm chân địch. Sau gần 2 tiếng đấu súng, quân Trung Quốc rút lui. Sau lần chạm địch đầu tiên, khi kiểm quân, C3 mất 1 người, là đồng chí Nguyễn Văn Bình (Phú Thọ) đã hy sinh.

Trời sáng đơn vị bà Tuyết mới có dịp nhìn kiểm đếm lại trận địa hôm qua. Hàng chục xác lính Trung Quốc đã ngã gục cùng với nhiều súng tiểu liên và cả đại liên bị quân địch vứt lại trên đường rút lui. Đơn vị bà Tuyết lập tức thu luôn số vũ khí này để tái trang bị cho đơn vị. Lúc này toàn bộ số chiến sỹ nữ trong đơn vị cũng được trang bị vũ khí để đánh giặc.

Cũng sáng hôm đó, quân Trung Quốc liên tục cho pháo kích sang tọa độ mà đơn vị bà Tuyết đóng quân. Cả C3 được lệnh rút toàn bộ lên núi tìm hang đá để ở, cứ 1 tổ 3 người chia nhau cảnh giới. 

Bị vấp phải kháng cự bất ngờ trong lần giáp mặt đầu, quân Trung Quốc quyết tâm phải đánh chiếm bằng được căn cứ của đơn vị C3. Rút kinh nghiệm, lần này chúng tiến hành đột kích đơn vị C3 vào ban đêm. Chúng chia thành nhiều nhóm khác nhau, và tấn công xâm nhập từ nhiều hướng, sau đó cùng tập hợp ở khu vực đồi chè thôn Hoàng Lịch. 

Nhưng chúng ta cũng đã dự đoán trước được điểm tập hợp quân của địch nên tổ chức phục kích. Một lần nữa quân Trung Quốc rơi vào tầm đạn của đơn vị C3, lần này với số lượng vũ khí mà đơn vị đã thu được từ lần chạm trán đầu tiên, hỏa lực của ta mạnh hơn. Quân Trung Quốc tuy đông nhưng rất loạn vì trong đó có cả dân binh nên mới chỉ vài loạt đạn đầu đã nháo nhác tìm đường bỏ chạy.

Thậm chí, quân Trung Quốc loạn đến mức không còn phân biệt được bắn cả vào nhau. Tuy vậy phía C3 cũng có tổn thất khá nặng nề, đó là đồng chí chỉ huy đơn vị Nguyễn Văn Thức (quê Hải Dương) hy sinh. Một vài nữ quân nhân bị thương nhẹ. 

Bà Tuyết ngậm ngùi khi nhớ về những đồng đội đã ngã xuống: "Lúc gặp địch, chúng tôi không sợ nhưng khi thu dọn chiến trường thì thật sự sợ hãi. Mỗi người chúng tôi, là nam hay nữ, bình quân phải chôn 4 xác địch.

Vừa thu dọn chiến trường, chúng tôi vừa bảo nhau, giá như chúng không xâm lược nước mình thì đã không phải phí mạng để rồi chúng tôi phải tốn công sức đi chôn nhiều như thế này. Người chết, dù ở phía nào đi chăng nữa, thì cuối cùng vẫn là những con người. Bù lại, chúng tôi lại thu thêm được rất nhiều chiến lợi phẩm, ngoài súng đạn còn có bông băng rất tốt của quân Trung Quốc”.

Sau đó, quân địch còn tổ chức thêm 1 đợt tấn công nữa nhưng cũng bất thành vì chúng ta có lợi thế về địa hình núi non hiểm trở, lại có thêm khá nhiều khí tài hỏa lực mạnh từ địch…

img

Bà Nguyễn Thị Tuyết, một người lính của C3, hiện đang nghỉ hưu tại quê nhà Bắc Ninh. Ảnh: Gia Tưởng

17 ngày dầm mình trong làn đạn pháo

Sau 3 lần tấn công vào đơn vị C3 bằng bộ binh thất bại nặng, phía Trung Quốc đã không dám liều bằng mọi giá tấn công ở khu vực núi thuộc thôn Hoàng Lịch nữa. Chúng chuyển sang dùng pháo nã xuống dồn dập nơi đơn vị đóng quân và tổ chức vây ráp ở vòng ngoài. 

Có nhiều đạn, chúng bắn không kể ngày đêm làm nhà cửa của bà con trong thôn bị tàn phá rất nhiều, trâu bò cũng chết gần hết. Trong suốt 17 ngày (từ 17.2 – 5.3.1979), đơn vị của bà Tuyết hoàn toàn bị cắt đứt liên lạc với cấp trên. Sống trên hang đá lưng chừng núi, thiếu thốn đủ bề, có khi nấu được nồi cơm mà địch bắn pháo tới cũng không ăn được, bát đũa không có, phải lấy lá rừng làm bát, bẻ cây rừng làm đũa ăn. Căng thẳng nhất là lúc nào cũng phải canh phòng quân Trung Quốc tấn công.

Điều kiện chiến đấu gian khổ ác liệt, thiếu thốn đủ đường là vậy, ngoài những lúc phải làm nhiệm vụ gác cảnh giới, các anh chị vẫn rất vui vẻ, lạc quan. Đơn vị vẫn tổ chức văn nghệ, cùng nhau hát hò để động viên tinh thần của nhau, quên đi cái đói, cái rét và cả quân thù trước mặt. 

img

Bà Vũ Thị Kim Liên (SN 1960), nguyên B trưởng của C3.

“Sau khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi đã quay trở lại nơi mình từng sống và chiến đấu. Người dân ở đây vẫn nhận ra chúng tôi và đón chúng tôi bằng cả tấm lòng. Khi ấy, chúng tôi rất xúc động và biết rằng cống hiến của những năm tháng tuổi trẻ của mình để bảo vệ biên giới thật ý nghĩa. Nhưng những người lính trên mặt trận Cao Bằng đến nay vẫn đau đáu một chuyện là vẫn chưa có một đài tưởng niệm dành cho những người lính đã ngã xuống để bảo vệ biên giới Cao Bằng, một trong những trọng điểm khốc liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc 1979”, bà Vũ Thị Kim Liên, nguyên B trưởng C3 tâm sự.

Bà Vũ Thị Kim Liên (SN 1960), nguyên B trưởng của C3, hiện đang sống tại thành phố Cao Bằng chia sẻ thêm: “Chúng tôi nhớ như in 17 ngày bị vây hãm đó, các đồng chí nam không biết sao nhưng chị em chúng tôi thiếu thốn đủ bề, lại bị mất liên lạc với cấp trên. Nhưng thú thật chúng tôi không lúc nào thấy sợ. Mọi người đã xác định chiến tranh có thể kéo dài như cuộc chiến tranh chống Mỹ. Khi đó coi cái chết nhẹ nhõm lắm, vì biết mình ngã xuống vì Tổ quốc thì không ai trong số chúng tôi cảm thấy luyến tiếc".

Đến ngày thứ 17, may mắn khi dân quân du kích của Huyện đội Hòa An đã tìm được đơn vị C3. Đơn vị lập tức nhận được lệnh hành quân đi tắt đường rừng. 

“Lúc đó chúng tôi không biết đường, chỉ cứ thế đi theo đội du kích, nhưng xác định một là sống hai là chết vì không biết đụng phải địch lúc nào. Sau gần 3 ngày đêm đi bộ luồn rừng, có lúc phải buộc dây rừng làm thang để trèo qua những vách đá, chúng tôi cũng đi qua những khu vực mà quân Trung Quốc vừa càn qua, nhiều nhà dân bị pháo kích tan nát, cháy rụi. Xác đồng bào mình nhiều nơi vẫn còn la liệt vì chưa kịp chôn cất hết. Nhìn cảnh đó mà lòng nghẹn lại, nước mắt mình không tuôn ra nổi nữa”, bà Tuyết lặng đi. 

Ngày 5.3.1979, đơn vị C3 đại đội 103 Cục Hậu cần quân khu I được đưa về đến khu vực Nà Pặc (huộc huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn ngày nay). Ngay lập tức, đơn vị lại bắt tay vào nhiệm vụ tải đạn phục vụ cho chiến trường Cao Bằng. Đây cũng là ngày quân xâm lược Trung Quốc tuyên bố rút lui khỏi Việt Nam sau khi “đã dạy cho Việt Nam một bài học”.

img

Cuộc hội ngộ đầu xuân của các nữ chiến sĩ đơn vị C3.

Chiến tranh tạm kết thúc, cả đơn vị C3 ra quân. Chỉ còn mình bà Tuyết được đi học văn thư bảo mật và phục vụ trong quân đội. Về hưu, thỉnh thoảng bà Tuyết vẫn vào bảo tàng Quân khu I thăm lại và luôn tự hào khi số vũ khí đơn vị C3 thu được dùng để đánh lại chính quân Trung Quốc xâm lược đang được trưng bày tại bảo tàng

“Nó minh chứng một điều, khi đất nước có chiến tranh, khi có quân xâm lược thì tất cả người dân Việt Nam, dù là già trẻ hay gái trai, vẫn luôn biết tìm mọi cách để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, bà Tuyến chốt lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem