Ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), ai cũng biết đến một sơn nữ mắc căn bệnh kỳ lạ, ấy là, cứ đêm thì đi lại, sinh hoạt như người bình thường, nhưng khi mặt trời nhô lên khỏi đỉnh núi, thì sơn nữ lại trở thành người bại liệt, không thể tự sinh hoạt cá nhân được.
Bao năm nay, cơ thể sơn nữ này cứ hoạt động theo đúng lịch sinh học mà bộ não sắp sẵn. Mặc dù nhiều người biết đến câu chuyện của sơn nữ này, nhưng không phải ai cũng dám diện kiến, bởi họ tin rằng, sơn nữ này là một… con ma.
Cháu bé bất hạnh
Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) – là một địa danh quyến rũ của mảnh đất phía tây Hà Giang. Nơi đây, con suối rất đẹp uốn quanh những đồi thông vi vu trong gió. Mạch nước nóng trong lòng đất thu hút du khách đổ về ngâm mình sau hành trình vất vả thưởng thức vẻ đẹp của ruộng bậc thang.
Trung tâm xã Thông Nguyên sầm uất hơn những xã khác. Ngay giữa trung tâm xã, đầu cây cầu bắc qua suối, là ngôi nhà hai tầng, kinh doanh cơm phở bình dân. Phía trước ngôi nhà, dưới lòng đường có chiếc bàn lớn bán thịt lợn đen quanh năm suốt tháng.
|
Cô gái kỳ lạ cùng bố, mẹ |
Căn nhà rộng rãi, cửa mở tứ bề, nhưng gọi mãi chẳng thấy ai thưa. Lát sau, một cô gái mặc bộ quần áo hồng đẩy cửa phòng ngủ, rồi lổm ngổm bò ra bằng hai đầu gối một cách khó nhọc. Vừa bò, cô gái vừa nhăn mặt ra vẻ đau đớn lắm. Cô gái bấm điện thoại, cố rướn họng nói giọng méo mó, một lát sau, người đàn ông trung tuổi về tiếp khách.
Ông là Phùng Văn Đượng, chủ nhà, cũng là cha đẻ của cô gái mắc căn bệnh kỳ lạ. Biết tôi nhà nhà báo, dẫn theo một bác sĩ đông y, khuôn mặt ông Đường từ tò mò chuyển sang niềm nở. Giọng ông thổn thức, đôi khi nước mắt cứ chực tràn ra, khi kể về người con gái đã có số phận đau khổ, lại phải chịu bao điều tiếng oan nghiệt.
Ông Đượng bảo: “Ngày xưa, dân trong vùng cũng thương xót, chia sẻ với hoàn cảnh của cháu lắm. Cháu nó đâu đến nỗi, mà mắc bệnh lạ thế này, ai chẳng thương cơ chứ. Thế nhưng, từ hồi tôi mời thầy cúng về, thầy nào cũng phán bị ma nhập, ma ám, là con ma... thành thử nhiều người không dám đến gần, rồi xa lánh nhà tôi. Bạn bè nó nghe đồn cũng sợ hãi, không dám qua lại nữa, thành thử cháu nó cứ lủi thủi trong nhà, chẳng dám đi ra ngoài nữa”.
|
Ông Phùng Văn Đượng rất rầu lòng vì người con gái |
Ông Phùng Văn Đượng sinh năm 1962, là người Tày, quê ở xã Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì). Vợ là bà Hoàng Thị Tiêm, cũng là người Tày, cùng xã Ngàm Đăng Vài.
Năm 1986, gia đình ông chuyển ra huyện Bắc Quang sinh sống. Đến năm 1991, cuộc sống khó khăn, ông dắt díu vợ con về xã Thông Nguyên, mua mảnh đất, xây nhà, rồi sống đến bây giờ. Vợ chồng ông có 4 người con, hai trai, hai gái.
Cô con gái út tên Phùng Như Tiến, sinh năm 1991, sinh ra tại xã Thông Nguyên, là cô gái mắc căn bệnh lạ lùng.
Theo lời ông Đượng, hồi sống ở Bắc Quang, ông hành nghề đồ tể mướn. Ai thuê giết mổ con gì, ông làm tuốt, từ mổ trâu, mổ bò, dê, lợn, đến mổ gà, vịt cho các đám hiếu, hỉ, ông đều làm. Hiện giờ, mỗi ngày ông vẫn thịt một con lợn, để vợ bán. Trâu, bò, dê trong vùng, ai thuê, ông vẫn làm để kiếm thêm thu nhập. Công việc mang tính sát sinh của ông, đã gây ra lời đồn ác ý, đổ lên đầu con gái ông.
Cô gái Phùng Như Tiến lúc sinh ra hoàn toàn bình thường, đủ tháng, nặng 3,2kg. Tiến lớn nhanh, trắng trẻo, khá thông minh, hoạt bát.
|
Cô gái Phùng Như Tiến cố gắng quỳ gối bò ra tiếp khách |
Hồi 6 tuổi, cuối năm học lớp 1, lúc 11 giờ trưa, bé Tiến từ trong trường đi ra, cứ vừa đi vừa khóc. Gặp bố đón ở cổng trường, Tiến mếu máo bảo: “Bố ơi, con mỏi chân không đi được bố ạ. Tay con cũng mỏi lắm, không xách nổi cặp nữa”.
Nghĩ con bị ốm, ông Đượng dỗ dành, bế con về nhà. Ngay đêm ấy, bé Tiến sốt cao, co giật, cứ kêu đau toàn thân. Sáng hôm sau, bé Tiến nằm liệt, một nửa người không cử động được.
Ngày đó, đường sá còn khó khăn, vùng đất Hoàng Su Phì rừng rú hoang rậm, trình độ bác sĩ còn hạn chế, nhưng ông Đượng vẫn tìm mọi cách để chữa bệnh cho con.
Ông đưa con đi bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, rồi xuống cả Hà Nội, nhưng vẫn không ăn thua gì. Ở đâu có bác sĩ đông y, thầy lang, ông đều đến bốc thuốc, mời thầy đến khám, hoặc cõng con đến.
Đến giờ, ông Đượng cũng không nhớ nổi đã cho con uống bao nhiêu thuốc, của bao nhiêu ‘thần y’. Các phương pháp điều trị đông, tây y, kết hợp cúng bái, ông đã làm đầy đủ, nhưng tình trạng con gái vẫn không cải thiện gì.
|
Phải khó khăn lắm Tiến mới lết đi được bằng đầu gối |
Đột nhiên đi lại
Điều lạ lùng, không biết đáng mừng hay đáng lo, đó là, vào năm 2006, khi cô con gái của ông, lúc tròn 15 tuổi, bỗng dưng đứng dậy mở cửa, đi vào nhà vệ sinh. Vệ sinh cá nhân xong, thì cô lại đi vào giường ngủ, như không hề có chuyện gì xảy ra.
Mấy đêm liền, cô con gái của ông đều có hành động như vậy, đều đặn mỗi tối 1-2 lần, vào lúc nửa đêm về sáng.
Vợ chồng ông Đượng thường ngủ từ sớm, đặt đồng hồ báo thức, để thay nhau quan sát con. Hễ thấy con tự động bật dậy, đi ra nhà vệ sinh, là ông bà đánh thức nhau dậy, đi theo quan sát con, xem sự tình thế nào.
Lúc đầu, bà Hoàng Thị Tiêm, vợ ông, còn run bần bật, không hiểu là con mình, hay là ma quỷ nhập vào, mà nằm liệt gần 10 năm, bỗng dưng bật dậy đi lại như bình thường. Tuy nhiên, riết rồi thành quen, bà không sợ nữa.
|
PV động viên kiểu gì, cô gái này cũng không thể đứng ra khỏi chiếc xe lăn |
Điều kỳ quặc nữa, đó là khi con gái ông bà đột nhiên đứng dậy đi lại ban đêm, thì đôi mắt nhắm nghiền. Mặc dù nhắm mắt, nhưng Tiến vẫn đi đúng đường, không va chạm vào đâu và mọi hành động đều diễn ra chính xác. Sau tìm hiểu, ông Đượng mới biết đó là hội chứng của người mộng du.
Lúc ấy, ông Đượng cũng mới nhận ra một điều lạ lùng nữa ở con gái mình, ấy là cô bé nằm liệt tới 9 năm tròn, mọi sinh hoạt, từ ăn, uống, vệ sinh, đều do bố mẹ làm giúp, song tay chân cô con gái không hề teo tóp, vẫn phát triển bình thường, mông, ngực cũng nở nang như các thiếu nữ khác.
Và điều lạ lùng hơn nữa, là chỉ lúc nửa đêm về sáng, khi buồn đi vệ sinh cá nhân, Tiến mới trở dậy đi được. Còn lúc tỉnh táo, mở mắt, nói chuyện với mọi người, Tiến lại trở về trạng thái bại liệt.
Mang theo hy vọng cứu con, vợ chồng ông Đượng lại tiếp tục hàng loạt hành trình đưa con đi khám, chữa, nhưng vẫn vô phương. Các bác sĩ vẫn không thể tìm ra được bệnh gì trong cơ thể thiếu nữ Phùng Thị Tiến.
(Theo VTC)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.