Cái tên Tuyên Quang xuất hiện từ khi nào trong hệ thống hành chính nhà nước phong kiến Việt Nam?
Cái tên Tuyên Quang xuất hiện từ khi nào trong hệ thống hành chính nhà nước phong kiến Việt Nam?
Thứ năm, ngày 25/05/2023 12:50 PM (GMT+7)
Với sự kiện tháng mười âm lịch năm Tân Mão, tức tháng 11 năm 1831, vua Minh Mệnh chia định địa hạt từ Quảng Trị trở ra phía Bắc thành 18 tỉnh, trong đó có tỉnh Tuyên Quang, đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện tên gọi “tỉnh Tuyên Quang” trong hệ thống hành chính của nhà nước phong kiến Việt Nam.
Sự kiện vua Minh Mệnh chia định địa hạt từ Quảng Trị trở ra phía Bắc thành 18 tỉnh, trong đó có tỉnh Tuyên Quang ngày 4/11/1831 đã được Tuyên Quang lựa chọn làm ngày thành lập tỉnh.
Diện mạo thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang hôm nay. Nguồn ảnh: baotuyenquang.com.vn.
Sách An Nam chí lược của Lê Tắc soạn trong khoảng thời gian từ sau năm 1285, hoàn thành năm 1399, ở Quyển I phần Quận ấp, mục Núi sông đã chép: “Quy Hóa giang thủy tự Vân Nam; Tuyên Quang giang thủy tự Đặc Ma đạo; Đà Giang thủy tự Chàng Long, nhân danh yên”[1] (nghĩa là: nước sông Quy Hóa tự Vân Nam chảy về, nước sông Tuyên Quang tự đạo Đặc Ma chảy về, nước sông Đà từ nguồn Chàng Long chảy về, nhân đó mà gọi tên như vậy).
Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, sông Lô ngày nay còn có tên là Thanh Giang, phát nguyên từ Vân Nam chảy qua các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc rồi đổ vào sông Hồng. Khi qua các địa phận kể trên, nó mang nhiều tên gọi khác nhau: khúc sông Lô chảy qua Hà Giang có tên Bình Nguyên; khúc sông Lô chảy qua Tuyên Quang có tên là sông Tuyên Quang; khúc sông Lô chảy qua Vĩnh Phúc có tên là sông Tuyên Hóa.
Địa danh Tuyên Quang thời Trần còn gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai của quân dân Đại Việt và được phản ánh qua nội dung bài ký trên quả chuông Thông Thánh quán ở Bạch Hạc (Bạch Hạc thông thánh quán chung ký).
Bài Minh do Hứa Tông Đạo - môn khách của Trần Nhật Duật soạn vào năm Đại Khánh thứ 8 triều Trần Minh Tông (1321). Nội dung bài minh đặc biệt có ý nghĩa đối với giới nghiên cứu khi tìm hiểu về nước ta thời Trần trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,…trong bài minh có nhắc đến địa danh Tuyên Quang: “Giáp thân đông quý, Bắc khấu lai xâm, thời Khai quốc vương trấn thủ Tuyên Quang chư lộ…Ư Ất Dậu thượng nguyên tại Bạch Hạc giang tiên phát lập thị dữ thần (…) minh, tận di tâm trung kỳ báo quân thượng…”[2] (Nghĩa là: Cuối đông năm Giáp Thân (1285), giặc Bắc đến xâm lược. Bấy giờ Khai quốc Vương (tức Trần Nhật Duật) trấn thủ các lộ Tuyên Quang ở sông Bạch Hạc cắt tóc thề nguyện với thần linh đem hết tấm lòng trung để báo ơn vua…). Đoạn văn trên cho biết thêm về địa danh Tuyên Quang, về lộ Tuyên Quang.
Từ nội dung khảo cứu trên có thể khẳng định tên gọi Tuyên Quang xuất hiện lần đầu vào thời Trần và được bắt nguồn từ tên một dòng sông chảy qua Tuyên Quang.
Trải qua các giai đoạn lịch sử và triều đại phong kiến Việt Nam, Tuyên Quang có tên gọi khác nhau như: từ thời Trần trở về trước Tuyên Quang là vùng đất của các tù trưởng các dân tộc thiểu số có tên gọi là "Châu", “Lộ”; Năm Quang Thái thứ 10 (1397), sau cải cách hành chính của Hồ Quý Ly, Tuyên Quang được đổi từ lộ thành “Trấn”; Khi giặc Minh đô hộ nước ta đã đặt nền hành chính Tuyên Quang vào "Phủ"; Thời Lê, Tuyên Quang trở thành một đạo thừa tuyên; khi Gia Quốc Công Vũ Văn Mật có công phò nhà Lê đánh Mạc được cai quản một vùng đất rộng lớn gồm xứ Tuyên Quang và phủ Hưng Hóa (Phú Thọ và Vĩnh Phúc) lấy tên là dinh An Tây. Tuy nhiên, trước năm 1831 Tuyên Quang chưa được gọi là tỉnh mà gọi là châu, trấn, thừa tuyên, xứ…
Đến thế kỷ XIX, khi vua Minh Mệnh lên ngôi vào năm 1820, bước đầu đã có những cải cách hành chính ở cấp trung ương như: thành lập Cơ mật viện, Đô sát viện, Tôn nhân phủ, chỉnh đốn lục Bộ, định lại hệ thống quan chế, cơ cấu lại tổ chức các cơ quan, khôi phục khoa thi và từng bước thực hiện cải cách hành chính.
Điểm nhấn trong cải cách hành chính của vua Minh Mệnh là năm 1831 thực hiện cuộc cải cách hành chính ở Bắc Hà thành lập 18 tỉnh và năm 1832 tiếp tục tiến hành cải cách ở Nam Hà thành lập 12 tỉnh (không kể phủ Thừa Thiên)[3].
Như vậy, đến thời vua Minh Mệnh thì bỏ các dinh, trấn mà thành lập các tỉnh, đặt các quan Tổng đốc, Tuần phủ, Bố Chính sứ, Án sát và Lãnh binh để trông coi. Tỉnh Tuyên Quang được hình thành trong cuộc cải cách này với hệ thống quản lý mới và trở thành một tỉnh gồm có 1 phủ là Yên Bình, 1 huyện là Hàm Yên, 5 châu là: Vị Xuyên, Thu Châu, Đại Man, Lục Yên, Bảo Lạc[4] dưới quyền kiểm soát của Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên. Kể từ đây Tuyên Quang trở thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh như hiện nay.
[1] Lê Tắc, An Nam chí lược, Viện Đại học Huế, 1960, tr.38
[2] Dẫn theo Hà Văn Tấn ,Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông – Nguyên thế kỷ XIII, nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1972, tr.205
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, trang 402
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại nam thực lục, tr.229-230-231
Vui lòng nhập nội dung bình luận.