Ở Bắc Ninh, bọn quan họ nam kết bạn với bọn quan họ nữ như thế nào, phải qua thủ tục gì?

Thứ năm, ngày 25/05/2023 05:02 AM (GMT+7)
Đối với quan họ ở Bắc Ninh, các thủ tục kết bạn thường diễn ra như sau: Một bọn Quan họ nam làng này mới thành lập, sắm cơi trầu đi dự hội xuân tại một làng nào đó, tới hội gặp một bọn quan họ nữ, đoán là chưa có bạn kết, đem trầu ra mời, rồi ca hát đối đáp với nhau...
Bình luận 0

Trong khi hai bên hát thấy hợp nhau thì ngỏ lời xin được kết bạn, khi đã được sự chấp thuận của cha mẹ, hoặc chồng vợ đôi bên cũng như  hai giới các cụ phụ lão của cả hai làng bên nam và bên nữ. 

Sau đó hẹn ngày lành tháng tốt đến đình làng bên nữ làm lễ xin phép Thành hoàng làng cho phép đôi bên được kết bạn với nhau. 

Lễ vật đơn giản chỉ là cơi trầu, chai rượu, bánh pháo, thẻ hương... chứ không cần mâm cao cỗ đầy. Thực hành nghi lễ xong, anh Hai có thể tặng chị Hai cái nón, cái thắt lưng hoặc có thể là chiếc nhẫn...

Chị Hai tặng lại anh hai cái khăn tay hay cái khăn xếp... Sau buổi ấy thể nào cũng rủ nhau về nhà chứa Quan họ tổ chức ca đối đáp một canh. Kết thúc canh hát đôi bên lại hẹn nhau một ngày đẹp trời khác, đến làng bên nam xin cụ thủ nhang vào đình làm lễ, từ đó đôi bên mới chính thức trở thành bạn chơi Quan họ của nhau.

Trong bọn kết bạn lại phải lựa chọn ra từng cặp hai nam (anh Hai, anh Ba) kết với hai nữ (chị Hai, chị Ba). Trong cặp ấy thường thì anh Hai kết với chị Hai, anh Ba kết với chị Ba. 

Nhưng cũng có trường hợp anh Hai lại thích được kết với chị Ba hoặc chị Tư hơn... Chị Tư lại thích kết với anh Ba hơn... 

Vì việc kết nghĩa còn theo nguyên lý “tương hằng” tức là người hát hay cũng thích tìm người hát hay để kết nghĩa. 

Ở Bắc Ninh, bọn quan họ nam kết bạn với bọn quan họ nữ như thế nào, phải qua thủ tục gì? - Ảnh 1.

Ở Bắc Ninh, tục kết bạn của người Quan họ bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng xã, có nguồn gốc lâu đời. Một bọn Quan họ nam làng này mới thành lập, sắm cơi trầu đi dự hội xuân tại một làng nào đó, tới hội gặp một bọn quan họ nữ...

Tục kết bạn của người Quan họ bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng xã, có nguồn gốc lâu đời. Những cặp bạn Quan họ kết nghĩa xuất phát từ tục kết chạ giữa hai làng là những cặp kết bạn mang tính bền vững, truyền đời, trai gái hai làng không được lấy nhau. 

Nếu kết bạn nhưng không xuất phát từ nguồn gốc kết chạ giữa hai làng là loại kết bạn không truyền đời, kết bạn vài năm rồi có thể thay đổi bạn.

Nếu các loại hình dân ca khác người ta gặp nhau chỉ có mục đích duy nhất là để hát, không cần quen biết nhau thì người chơi Quan họ nếu đã kết bạn với nhau không những họ hát thường xuyên với nhau mà người ta còn coi nhau như anh em ruột thịt, chăm lo cho nhau trong cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi đã chọn được bạn kết nghĩa thì gắn bó suốt đời.

...Đã kết thì kết cho đến tận già

Kết dăm ba tháng em thời cho qua…

Vì thế khi nói tới Quan họ người ta thường dùng chữ “chơi Quan họ” chứ không nói là “hát Quan họ”, chơi ở đây nghĩa là không chỉ có hát với nhau mà là sự kết bạn gắn bó bền vững đi lại gắn bó suốt đời. Muốn hoà nhập vào cuộc chơi phải có nghề “Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường” .

Dân ca Quan họ là một loại dân ca mang tính chất trữ tình đậm đà, tiếng hát Quan họ chủ yếu là tình yêu giữa con người với con người (nam và nữ) và con người với thiên nhiên (trăng, sao, tre, trúc, cốm, hồng, bờ ao, giếng nước, ruộng vườn). 

Nội dung của các bài hát xoay quanh vấn đề yêu đương, mong nhớ, hy vọng, có cả thất vọng vì “yêu nhau chẳng lấy được nhau”… Tuy da diết buồn thương man mác hay thiết tha mặn nồng, nhưng  luôn được thể hiện bằng tình cảm tràn trề sức sống, giai điệu bài hát vẫn trong sáng, lành mạnh, tất cả được thể hiện bằng những lời thơ mộc mạc, giản dị nhưng rất sâu sắc, có cả lối nói ngoa dụ thật tinh tế … cả về ý thơ và giai điệu âm nhạc.

Có bốn hình thức ca hát Quan họ phổ biến đó là: Hát chúc mừng; Hát thờ; Hát hội; Hát canh. Hát chúc, hát mừng là hát vào những khi dân làng mở hội, hoặc sang nhà nhau chúc tết,… 

Quan họ bạn sang chơi lúc gặp nhau hát những câu chúc sức khoẻ, mừng năm mới, mừng đám cưới, ăn khao, hoặc hát mừng nhà mới, khánh thành đình làng, sinh con trai…Hát thờ là hình thức Quan họ đôi bên hát thờ thần, mục đích là hát cho Thành hoàng làng nghe, nội dung các lời hát nhằm ca ngợi công đức các vị thần đã phù hộ cho dân làng làm ăn được no ấm, hạnh phúc, cầu cho năm mới tiếp tục được thần phù hộ. 

Ở nhiều làng xã xưa, khi hát thờ, các liền anh, liền chị không được ngồi ở trong đình, chỉ được hát ở một trong hai dãy nhà dải vũ (tả vu, hữu vu), vì đình làng ngày xưa cấm phụ nữ vào làm lễ. Nếu Quan họ muốn vào đình làm lễ, chỉ Quan họ liền anh được vào. 

Quan họ liền chị đứng ngoài chờ Quan họ liền anh lễ xong rồi hát với nhau ở nhà tả vu hoặc hữu vu, trong khi đó phường Tuồng lại được phép diễn ở ngay gian giữa đình làng sau mỗi lần tế lễ.

Hát hội là hình thức hát giao duyên, Quan họ nam nữ bày tỏ tình cảm, cầu vui và cầu may… trong ngày hội. Hát canh thường được tổ chức vào ban đêm, (đêm năm canh, ngày sáu khắc), nhưng hát đối đáp qua đêm có thể vắt sang ngày. 

Ngày xưa có những canh hát kéo dài mấy đêm, mấy ngày, vì bên này hát “vế ra”, bên kia “đối lại” rất chậm rãi, hát cho đến khi một bên nào đó không đối lại được (xin chịu) mới thôi, cứ như thế đến bữa lại dọn cỗ ra mời nhau ăn, uống.  Ăn, uống xong lại hát tiếp… 

Một canh hát bắt buộc phải trải qua ba chặng, mở đầu bao giờ cũng hát giọng lề lối (tức là các giọng hát bắt buộc rất khó hát, khó thuộc, về âm nhạc hơi đơn điệu, rời rạc gần giống người ta tụng kinh ở chùa). 

Sau đó đến giọng vặt, là những bài hát giao duyên tình cảm nam nữ, nhưng trước khi chuyển sang giọng vặt bao giờ cũng phải hát đôi ba bài (câu) giọng sổng (có nơi gọi là giọng thổng), giọng sổng là những làn điệu như để khai thông cho giọng bắt buộc khó hát. 

Hết giọng vặt đến giọng giã bạn, là những câu hát chia tay, rồi vừa chia tay vừa hát trong sự tiếc nuối ngậm ngùi, không muốn về nhưng vẫn phải về và hẹn đến năm sau “đến hẹn lại lên”.

Hát chúc mừng và hát thờ là cả bọn nam hát đối đáp với cả bọn nữ, mà không hát riêng từng đôi một. Hát hội và hát canh theo nguyên tắc từng đôi một ca đối đáp, nữ bao giờ cũng quyền được ca trước, nam đối lại sau. Sau khi đối lại đến lượt bên nam ra câu, sau đó nữ đối lại, cứ như vậy cho đến tàn canh.

Đỗ Hữu Bảng (Báo Bắc Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem