Chuyển lúa sang bắp là hợp thời

Khoa Minh (Thế giới Tiếp thị) Thứ tư, ngày 16/07/2014 14:26 PM (GMT+7)
Trung bình mỗi năm Việt Nam chi ra gần 1 tỉ USD nhập khẩu 2,5 – 3 triệu tấn bắp phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi. Đất đai, điều kiện khí hậu ở Việt Nam phù hợp với cây bắp, nhưng rất tiếc thói quen trồng lúa đã ăn sâu tâm trí nhà nông nên lúa gạo đang dư thừa, phụ thuộc hơn 60% vào thị trường Trung Quốc. Đã có nhiều nông dân và người kinh doanh muốn chuyển từ lúa trồng bắp…
Bình luận 0

Bà Trần Thanh Nga, giám đốc công ty Thành Tín (Sóc Trăng), một trong số ít đại gia sở hữu hệ thống chế biến gạo liên hoàn quy mô và hiện đại bậc nhất vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thành Tín có tháp sấy 500 tấn lúa/giờ.

Có nhà máy chế biến gạo công suất hơn chục ngàn tấn cộng với hệ thống kho chứa 50.000m2. Có đội ngũ bạn hàng xáo, ghe chở lúa hùng hậu. Là đầu mối cung cấp gạo nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng chục năm nay, nhưng bà Nga nhận ra rằng nghề này đang chịu rủi ro ghê gớm do… bấp bênh đầu ra. Đến nỗi bà Nga nói, tôi muốn chuyển nghề…

img
Sản xuất bắp hiện vẫn phân tán, chưa hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Ảnh: Cẩm Tú

Làm kinh doanh gạo nguyên liệu – khâu được coi ít có rủi ro nhất mà bà Nga còn than “chán” nghề, huống chi nông dân còn nản tới đâu! Hồi lâu bà Nga cho biết, muốn chuyển bớt hai tháp sấy lúa sang sấy bắp.

Theo bà Nga, bắp đang được nông trồng rải rác khắp các tỉnh ĐBSCL, chưa có ai thu mua tập trung, sấy và chế biến một cách bài bản nên chất lượng, giá cả rất thấp. “Nông dân Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng trồng khoảng 100ha bắp, hai tháng rưỡi nữa là thu hoạch. Thành Tín dự định thu mua hết số bắp này về sấy để bán cho doanh nghiệp thức ăn gia súc”, bà Nga nêu kế hoạch.

Việt Nam đang chi gần cả tỉ USD nhập khẩu 2,5 – 3 triệu tấn bắp mỗi năm. Lúa gạo dư thừa, nguy cơ lệ thuộc Trung Quốc ngày càng lớn nên việc chuyển đổi đất trồng lúa sang bắp là cần thiết. Thực tế là hạ tầng đầu tư cho cây lúa và chế biến gạo đã có gần 40 năm nay, giờ phải tính cho cây bắp: quy trình sản xuất, hệ thống thuỷ lợi cho cây trồng cạn…

Ông Chamnan, phó tổng giám đốc công ty chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết mỗi năm công ty có nhu cầu hàng trăm ngàn tấn bắp. Trong nước chỉ có thể đáp ứng một phần, còn lại phải nhập khẩu từ Brazil, Ấn Độ, Mỹ. Vùng nguyên liệu bắp tập trung duy nhất của C.P hiện nay mới có ở tỉnh Dăk Lăk. C.P đang bắt đầu triển khai liên kết với nông dân các tỉnh ĐBSCL.

“Chúng tôi có ý tưởng cung cấp miễn phí giống bắp cho một số đối tượng nông dân làm thử, sau đó liên kết với các thương nhân chế biến gạo như bà Nga để họ thu mua, sấy và cung cấp lại cho chúng tôi”, ông nói. Như vậy, mô hình này sẽ giải quyết đầu ra tốt, giúp chuyển đổi một số vùng trồng lúa sang bắp nhanh hơn.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn dự định trong vài năm tới sẽ chuyển khoảng 100.000 – 150.000ha lúa ở ĐBSCL sang trồng bắp. Kế hoạch này đang được triển khai rầm rộ. Về đầu ra, Việt Nam chỉ mới sản xuất được 5,2 triệu tấn bắp/năm, trong khi riêng năm 2013 đã phải nhập khẩu 2,3 triệu tấn và năm nay dự kiến 3 triệu.

Bài toán nghe có vẻ “êm” nhưng vấn đề kết nối trên chuỗi giá trị luôn là khâu khó. Nếu không có sự ra tay của các doanh nghiệp chế biến thức ăn như C.P thu mua bắp, nông dân sẽ không tránh khỏi rơi vào bế tắc như cây lúa hiện nay.

Theo ông Chamnan, trồng được bắp là một chuyện, nhưng cách thu hoạch, bảo quản, chế biến cho đạt tiêu chuẩn sử dụng vào thức ăn chăn nuôi lại là chuyện khác.

“Khí hậu mưa ẩm ở Việt Nam rất dễ khiến hạt bắp bị nấm mốc, hư hỏng nên khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch phải đạt chuẩn tối ưu. Nông dân, các đại lý thu mua bắp, các nhà chế biến cũng cần hợp tác tốt với nhau và chúng tôi cũng sẽ tham gia vào chuỗi giá trị này”, ông nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem