Phát triển ngô gắn với chuyển đổi cây trồng ở phía Bắc: Yếu nhất là khâu canh tác

Ngọc Lê Thứ năm, ngày 26/06/2014 13:58 PM (GMT+7)
“Phát triển cây ngô ở các tỉnh miền Bắc là để chúng ta khai thác cơ hội về thị trường, sản xuất ngô phải có hiệu quả cao để người dân nhìn vào đó mà tự nguyện chuyển đổi, chứ không ép dân trồng ngô bằng mọi giá” - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nói tại Hội nghị “Phát triển sản xuất ngô gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các tỉnh phía Bắc” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Bình luận 0

Nhiều khó khăn phát triển cây ngô

So với các khu vực khác, cây ngô trồng tại các tỉnh miền Bắc hiện đang chiếm diện tích lớn nhất với gần 588.000ha (xấp xỉ 50% diện tích ngô cả nước), trong đó các tỉnh miền núi trồng tới gần 495.000ha.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), diện tích ngô ở miền Bắc trong 5 năm trở lại đây đang có xu hướng giảm, nhất là trong vụ đông. Tính từ vụ đông 2009, khu vực đồng bằng sông Hồng đã giảm trên 10.000ha, chủ yếu do hiệu quả sản xuất ở vụ đông không cao, năng suất trung bình chỉ đạt 4,4-4,6 tấn/ha.

Ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc cho rằng, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới diện tích ngô ở Vĩnh Phúc và miền Bắc giảm là thời tiết, sâu bệnh và chi phí đầu tư cao. Do đó, để sản xuất ngô hiệu quả, cần cơ cấu lại mùa vụ, đồng thời có những bộ giống tốt, nhất là các giống ngô biến đổi gene để kháng lại sâu bệnh, giảm công làm cỏ.

Trong khi đó, ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội nhấn mạnh: “Phải sản xuất như thế nào để có giống ngô đạt năng suất ít nhất từ 6 tấn/ha trở lên thì mới đảm bảo giá thành, chứ năng suất chưa được 5 tấn như hiện nay thì không đảm bảo có lãi”.

Trước những lo ngại về khâu giống, bà Lê Thị Khánh Hòa - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Syngenta Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp sản xuất giống đã có những bộ giống cho tiềm năng năng suất cao, trong đó bộ giống NK của Syngenta khá đa dạng, tiềm năng năng suất tới 10-12 tấn/ha. Tuy nhiên, để đạt được năng suất trên, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như trồng ngô không làm đất, phòng trừ cỏ dại, tập huấn khuyến nông…

Cung cấp giải pháp kỹ thuật cho nông dân

So với lúa gạo, việc tiêu thụ ngô ở nước ta hiện nay rất dễ dàng do nguồn cung trong nước chưa đủ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi với nhu cầu ngày càng tăng. Chỉ trong 5 tháng đầu năm, nước ta đã phải nhập tới hơn 2 triệu tấn ngô, trị giá trên 500 triệu USD để phục vụ cho nhu cầu này. Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Việc phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu ngô dẫn tới chúng ta phải phụ thuộc vào giá thế giới, dẫn tới giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng lên”.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước nêu ý kiến, họ rất muốn mua ngô ngay tại thị trường trong nước, nhưng nhiều khi không có để mua, nhất là từ tháng 4 đến tháng 7, nên phải nhập khẩu để có đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Trọng Linh - trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P cho biết: “Giá chào bán ngô nhập khẩu là 5.800 - 5.900 đồng/kg, song chúng tôi luôn cam kết mua trong nước với giá cao hơn là 6.250 đồng/kg. Tuy nhiên, chất lượng ngô trong nước hiện chủ yếu là loại 3, 4, 5, 6, loại 1 và 2 gần như không có. Do vậy chúng ta cần cải thiện khâu thu hoạch, sấy và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng ngô”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các viện, cơ quan của Bộ trong 2-3 tuần nữa phải họp và cung cấp được một gói kỹ thuật canh tác ngô với 5 điều mới cho nông dân. “Giải pháp đó phải ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu để cung cấp cho nông dân, chứ không phải nói như sách giáo khoa” - ông Phát nêu rõ.

Để phát triển được cây ngô ở miền Bắc, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, chúng ta cần đáp ứng được 2 con số là 5 và 6, tức giá phải đảm bảo trên 5.000 đồng/kg và năng suất từ 6 tấn/ha trở lên.

“Thực tế, chúng ta có nhiều bộ giống của Viện Ngô cùng các công ty như Syngenta, Dekalb... cho tiềm năng năng suất 9 - 12 tấn/ha. Vậy tại sao trên thực địa, năng suất ngô chỉ đạt 4 tấn/ha. Rõ ràng chúng ta còn yếu khâu canh tác” – Bộ trưởng Phát nói.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem