Cục Viễn thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có báo cáo số liệu mới nhất liên quan tới dịch vụ chuyển mạng giữ số (MNP). Theo đó, sau 4 tháng triển khai dịch vụ này, cả nước đã có 194.181 thuê bao đăng ký chuyển mạng giữ số, trong đó có 131.291 thuê bao chuyển mạng giữ số thành công và 50.679 thuê bao bị từ chối cung cấp dịch vụ (vì không thỏa các điều kiện chuyển mạng giữ số theo quy định).
Tình hình chuyển mạng giữ số tính từ ngày 16/11/2018 đến ngày 16/3/2019.
Qua kết quả sơ bộ sau 4 tháng, có thể thấy VinaPhone là nhà mạng duy nhất có hiệu số dương giữa lượng thuê bao chuyển đến thành công trừ lượng thuê bao chuyển đi thành công (hiện đang là 23.081 thuê bao), còn lại cả ba nhà mạng Viettel (-17.967 thuê bao), MobiFone (-415 thuê bao) và Vietnamobile (-4.699 thuê bao) đều đang có hiệu số âm.
Biểu đồ thể hiện rõ nhà mạng VinaPhone đang tăng thuê bao không ngừng, trong khi Viettel, MobiFone và Vietnamobile đều đang ngày càng mất đi nhiều thuê bao, xét về lượng thuê bao chuyển đến thành công trừ lượng thuê bao chuyển đi thành công tính tới ngày 16/3/2019.
Trao đổi với PV về những con số nói trên, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: Dịch vụ chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số được cung cấp tại Việt Nam từ ngày 16/11/2018. Đây là một dịch vụ mới được các doanh nghiệp di động phối hợp với nhau cung cấp, nhằm mục tiêu bảo vệ quyền lợi người sử dụng khi muốn giữ nguyên số thuê bao của mình và chuyển sang một mạng di động khác (khi nhà mạng chuyển đi không đáp ứng nhu cầu của mình). Ngoài ra, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số là một yếu tố thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nhà mạng trong việc tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, không ngừng đa dạng dịch vụ và cải thiện công tác chăm sóc khách hàng.
Theo ông Nhã, dịch vụ mới được cung cấp trong một thời gian ngắn (4 tháng) với tổng số thuê bao đăng ký chuyển mạng là 194.181 chiếm khoảng 0,16% tổng số thuê bao trên toàn quốc thì các số liệu thống kê ban đầu chưa thực sự có nhiều ý nghĩa và phản ánh chính xác xu hướng tăng giảm thuê bao của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, những số liệu trên là một trong những thông tin tham khảo cho các nhà mạng tự đánh giá lại dịch vụ của mình cũng như cải thiện dịch vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
"Việc tăng giảm thuê bao là một tín hiệu để các doanh nghiệp nhìn nhận lại các hoạt động kinh doanh, chất lượng dịch vụ, chất lượng vùng phủ sóng cũng như hoạt động chăm sóc khách hàng của mình để tự điều chỉnh, hoàn thiện mình nâng cao năng lực cạnh tranh và đưa ra các dịch vụ mới thu hút các thuê bao chuyển về mạng của mình", ông Nhã nói.
Dịch vụ chuyển mạng giữ số đã được các nhà mạng triển khai được 4 tháng.
Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết thêm, để triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, minh bạch, trong thời gian qua, Cục Viễn thông đã thực hiện vai trò làm trung gian điều phối các hoạt động của dịch vụ chuyển mạng thông qua Trung tâm Hỗ trợ mạng và dịch vụ (thuộc Cục Viễn thông) và vai trò quản lý nhà nước về viễn thông.
Cụ thể, để minh bạch, công bằng giữa các doanh nghiệp, các quy trình chuyển mạng đã được các doanh nghiệp cùng nhau thống nhất và Cục Viễn thông ban hành, đến nay quy trình liên tục được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế triển khai trên nguyên tắc tạo điều kiện tối đa cho người dùng.
Ngoài những lợi ích thúc đẩy sự phát triển, tự hoàn thiện mình của doanh nghiệp viễn thông thì lợi ích của thuê bao di động là mục tiêu chính mà dịch vụ này mang lại. Người sử dụng dịch vụ di động sẽ được hưởng lợi thông qua việc các doanh nghiệp phải tự nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng vùng phủ, giám giá thành, đa dạng hóa các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động để thu hút thuê bao. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc chuyển mạng, Cục Viễn thông đã và đang triển khai các nội dung sau:
1. Yêu cầu các doanh nghiệp di động đưa tất cả các thông tin về dịch vụ chuyển mạng lên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp để thuê bao có cơ sở dữ liệu tra cứu. Các thuê bao có thể nhắn tin miễn phí tới đầu số 1441 để biết về thông tin thuê bao của mình đã chính xác chưa trước khi đăng ký dịch vụ, thuê bao có thể gọi điện đến tổng đài hỗ trợ dịch vụ của nhà mạng để biết thuê bao của mình có đủ điều kiện chuyển mạng không trước khi đăng ký dịch vụ.
2. Yêu cầu doanh nghiệp quán triệt tới nhân viên tại các điểm đăng ký dịch vụ chuyển mạng về việc tư vấn cho khách hàng đầy đủ về dịch vụ, tạo điều kiện cho khách hàng hoàn tất các thủ tục để chuyển mạng, tạo hình ảnh kinh doanh văn minh cho doanh nghiệp mình và có hình thức xử lý nghiêm đối với nhân viên, điểm giao dịch gây khó dễ cho thuê bao chuyển đi.
3. Tổ chức họp giao ban MNP hàng tuần với tất cả các doanh nghiệp di động, tất cả các lỗi hệ thống dẫn đến chuyển mạng không thành công hay các trường hợp thuê bao được xác định bị mạng chuyển đi gây khó khăn không cho chuyển mạng đều được xử lý ngay tại buổi họp.
4. Liên tục phối hợp với các doanh nghiệp hoàn thiện quy trình nghiệp vụ chuyển mạng để phù hợp với thực tế triển khai dịch vụ trên nguyên tắc vì quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.
5. Tổ chức đối soát hàng tuần tại các doanh nghiệp di động để kiểm tra cơ sở dữ liệu các thuê bao về điều kiện chuyển mạng của các thuê bao chưa chuyển mạng thành công, xử lý ngay các vấn đề phát sinh.
6. Thông tin thống kê số lượng thuê bao chuyển mạng được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Cục Viễn thông. Người dân cũng có thể tra cứu số thuê bao đã chuyển mạng trên trang thông tin của Cục, đồng thời nếu có khiếu nại có thể gửi đến Cục qua website hoặc email hoặc đường dây tiếp nhận khiếu nại về các vấn đề liên quan đến dịch vụ chuyển mạng giữ số qua đầu số 18006099, để phản ánh về những hành vi ngăn cản thực hiện dịch vụ chuyển mạng của nhân viên, điểm giao dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo các nhà mạng cần ngay lập tức dỡ bỏ các rào cản về chuyển mạng giữ số để...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.