“Chuyện nghề của Thủy” - một hành trình tử tế

Thứ tư, ngày 19/06/2013 10:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 474 trang sách mang đến cho người đọc những thông tin nhiều hơn cuốn hồi ký của một nhà làm phim tài liệu chính luận hàng đầu Việt Nam, người đã làm cho phim tài liệu Việt Nam được vinh danh quốc tế.
Bình luận 0

Trước khi có mặt tại Hà Nội để giao lưu và ra mắt cuốn sách “Chuyện nghề của Thủy” vào chiều 18.6, đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy đã có một hành trình xuyên Việt từ Nam ra Bắc để gặp gỡ độc giả. Cũng như phim ông, cuốn sách của ông khiến người đọc phải day dứt trở trăn với những điều tử tế và thân phận con người.

Đi từ nỗi đau con người

474 trang sách “Chuyện nghề của Thủy” mang đến cho người đọc những thông tin nhiều hơn cuốn hồi ký của một nhà làm phim tài liệu chính luận hàng đầu Việt Nam, người đã làm cho phim tài liệu Việt Nam được vinh danh ở các liên hoan phim quốc tế trải suốt 3 thập kỷ 70, 80 và 90 của thế kỷ trước. Đó là một cuốn sách khiến trái tim độc giả có thể hòa nhịp đập cùng trái tim của người nghệ sĩ vĩ đại này, để cùng ông chiêm nghiệm, day dứt về hai chữ “con người”.

img
NSND Trần Văn Thủy và cuốn sách “Chuyện nghề của Thủy”.

Giống như một đoạn lời bình trong cuốn phim nổi tiếng “Chuyện tử tế” của NSND Trần Văn Thủy, cuốn sách của ông cũng khiến người đọc phải thừa nhận một điều: “Ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì và cũng không có một con người nào trở nên tử tế - nếu không bắt đầu từ tình yêu thương con người, sự trân trọng con người và đi từ nỗi đau của con người”.

Dọc theo những trang sách của Trần Văn Thủy, một mảng lịch sử đất nước hiện lên, sống động và chân thực như những hình ảnh được chắt chiu trong khuôn hình các bộ phim tài liệu của ông. Đó là chiến tranh, là mất mát, hy sinh, ly tán và những vấn đề hậu chiến, là cách mà người Việt Nam cư xử với nhau trên nhiều bình diện gia đình, xã hội, cộng đồng. Đúng như nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét, Trần Văn Thủy luôn có cái nhìn trực diện với những vấn đề nóng hổi của nhân sinh. Tất cả những câu chuyện, nhân vật xuất hiện trong “Chuyện nghề của Thủy” đều đem đến cho người đọc một lượng thông tin vô cùng giá trị. Để từ đó, chúng ta học được những bài học về sự yêu thương, cởi bỏ oán thù, thứ tha và trở về bản ngã “tính bản thiện” của con người. Thay vì đọc những cuốn sách dạy làm người, có lẽ chỉ cần đọc “Chuyện nghề của Thủy”, người đọc sẽ cảm nhận được cái sâu xa nhất trong mục đích của đời sống này, đó là con người phải luôn hướng thượng và sống vì những điều tử tế, tốt đẹp.

Những bộ phim ông làm ra như “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế” đều có một số phận với đủ nỗi đoạn trường, bị “đánh” đến bầm giập, tơi tả và nhiều năm trời, Trần Văn Thủy phải mang danh là một “tên phản bội” có những “thế lực thù địch” đứng sau. Người nghệ sĩ tài danh đã phải trốn chui, trốn nhủi như một kẻ trộm cắp mới có thể mang được bộ phim của mình ra với liên hoan phim thế giới. Đã từng bị quy kết, chụp cho đủ thứ tội trạng khiến ông sống dở chết dở, nhưng Trần Văn Thủy không một lời oán hận số phận mà chỉ luôn nói đến tình yêu: “Tôi yêu đất nước này và tôi muốn đất nước này trở nên tốt đẹp hơn. Tôi khát khao làm sao để cuộc sống của con người phải xứng đáng với sự hysinh...”. Đọc hết cuốn sách của ông, mới hiểu những lời nói đó không sáo rỗng, không hô hào mà từng câu, từng chữ đều là những giọt máu ấm nóng từ trái tim ông.

Chuyện cổ tích đời nay

Có người hỏi Trần Văn Thủy, tại sao suốt 73 năm tuổi đời, ông luôn trăn trở về tình người và những giá trị đạo đức tốt đẹp đang bị hủy hoại không thương tiếc trong xã hội kim tiền ngày nay, đạo diễn đã lấy một ví dụ rất cụ thể để lý giải. Ông kể: “Năm 1992, Đài Truyền hình NHK (Nhật Bản) mời tôi hợp tác làm phim “Có một làng quê” về làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh). Đó là một ngôi làng nhỏ, nghèo, sống bằng nghề gốm nhưng hàng xóm, láng giềng yêu thương nhau hết mực, không hề có sự tranh giành, đôi co, cãi cọ. Khi phim hoàn thành, những người Nhật Bản đã nói rằng: “Đây là chuyện cổ tích đời nay” và lúc đó tôi mới hiểu, người Nhật muốn con cháu họ học được từ ngôi làng nhỏ Việt Nam những giá trị cao đẹp của tình người. Nhưng tiếc thay, người Việt Nam mình hình như lại chưa giác ngộ được điều đó. Chúng ta mải chạy theo sự tăng trưởng kinh tế mà xao nhãng quan tâm đến tình người, đến đạo đức, đến sự tử tế. Suy cho cùng thì vấn đề của xã hội Việt Nam bây giờ chính là vấn đề nhân cách. Từ tham nhũng, mua quan chạy chức, băng đảng... đến chuyện nói một đằng, nghĩ một nẻo, chưa bao giờ nói dối trở thành bình thường như bây giờ. Chống sự suy thoái của đời sống chính là chống sự xói mòn của nhân tính”.

Trần Văn Thủy đã có hàng chục bộ phim tài liệu được giải cao trong các liên hoan phim trong nước và quốc tế như: “Những người dân quê tôi” (Giải Bồ câu Bạc, Liên hoan Phim quốc tế Leipzig năm 1970); “Phản bội” (Giải Vàng Liên hoan Phim Việt Nam 1980); “Hà Nội trong mắt ai” (Giải Vàng Liên hoan Phim Việt Nam 1988); “Chuyện tử tế “(1985 - Giải Bồ câu Bạc Liên hoan Phim quốc tế Leipzig); “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” (1999, Giải Phim ngắn hay nhất, Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43)…

Trong buổi giao lưu với độc giả, bộ phim tài liệu nổi tiếng “Chuyện tử tế” của NSND Trần Văn Thủy cũng đã được chiếu lại. Có lẽ, nhiều người cũng như tôi, cảm thấy bị ám ảnh bởi một trích đoạn lời bình trong phim từ cuốn tiểu thuyết Nga “Quy luật của muôn đời” của nhà văn Nodar Dumbatze: “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế người đời chúng ta, chừng nào còn sống, hãy gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử. Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp cho người khác, người ấy lại giúp cho người khác nữa và cứ như thế cho đến vô cùng. Sao cho cái chết của từng con người không đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống”.

Trần Văn Thủy, bằng cuộc đời ông, bằng những bộ phim và cuốn sách của ông, đã là một sự cổ vũ mạnh mẽ và nhiệt thành nhất để con người trên khắp thế gian cùng giúp nhau “mang vác linh hồn” và khiến nó trở nên bất tử. 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem