Nhiều nguồn hỗ trợ
Trung tâm Giáo dục và Nâng cao Deula (thành phố Hanover), tiểu bang Hiedesheim được thành lập năm 1926, đến năm 1992 được quốc hữu hóa vận hành dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn Deula Hiedesheim.
Chị Wiebke Deehen là một chuyên gia về tài chính nhưng lại làm việc ở trang trại Hof Apteltraum- ngoại ô Berlin để nuôi ong và hỗ trợ du lịch trang trại. Ảnh: Lê Huyền
Trung tâm là một tổ chức xã hội về giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, kỹ thuật, môi trường, nghiên cứu, đào tạo thợ thủ công và kỹ thuật truyền thông. Trung tâm có hệ thống dạy nghề song hành, 2/3 thời gian học tại các trang trại có tiêu chuẩn được chứng nhận, 1/3 thời gian học ở trường nghề. Trung tâm dạy các nghề thuộc chuyên ngành nông nghiệp: Chăn nuôi, trồng trọt và một số chuyên ngành khác.
Tại trung tâm, học sinh có thể được học nâng cao. Riêng chuyên ngành nông nghiệp, trung tâm được chính quyền tiểu bang Hiedesheim hỗ trợ tài chính, thực chất đó là nguồn đóng góp của ngành công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp để hỗ trợ cho trung tâm thông qua chính quyền tiểu bang Hiedesheim. Trung tâm đào tạo nghề Echem thuộc tiểu bang Niedersachsen là nơi dạy từ cơ bản tới nâng cao. Hàng năm, các trang trại gửi học viên học và đóng học phí cho trung tâm. Trung tâm thực hiện đào tạo mới cho học viên và đào tạo nâng cao cho các chủ trang trại. Mỗi năm trung tâm đào tạo từ 1.700 – 1.800 học viên. Trung tâm là một bộ phận của Phòng Nông nghiệp tiểu bang nên nội dung chương trình và giáo trình do Nhà nước quy định.
Trường Michelsen là một trường phổ thông công lập do Nhà nước (cấp huyện) thành lập và quản lý thì có cách làm “toàn cầu” hơn. Việc đào tạo thực hành trong nhà trường được thực hiện bằng các buổi đi ngoại khóa và đi thực tập tại nước ngoài. Hiện tại trường có khoảng 25% học sinh theo học ngành nông nghiệp. Thời gian học là 3 năm. Hình thức đào tạo gồm hệ phổ thông bình thường và hệ đào tạo phổ thông kết hợp với giáo dục nghề nghiệp (nghề nông nghiệp). Sau khi tốt nghiệp, học sinh được công nhận là một nông dân (ND) bậc 4.
ND tự tin nhờ giỏi nghề
Có tới đây mới thấy các trang trại được hỗ trợ đào tạo tốt tới mức nào. Hầu hết ND thành thạo nhiều kỹ năng vận hành các loại máy móc nông nghiệp như máy cắt, máy xới- đánh luống, máy tưới, máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm… nên năng suất làm việc rất cao. Bên cạnh đó, do được đào tạo bài bản nên ND cũng am hiểu và tuân thủ các quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và sử dụng các loại côn trùng thiên địch của sâu bọ để bảo vệ mùa màng. Nhiều trang trại thu hút cả các chuyên gia nông nghiệp hợp tác, tới làm việc trực tiếp trong trang trại. Các chuyên gia đều cho rằng, chính việc học nghề tốt đã giúp ND Đức tự tin trong sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, hiện nay, nông nghiệp và ND Đức cũng gặp một số khó khăn và thách thức, đó là: Đất nông nghiệp đang bị thu hẹp, giá thuê đất cao lên; cơ cấu thu nhập của người ND chỉ vào khoảng 22% giá trị sản phẩm khi bán đến tay người tiêu dùng; vốn đầu tư để có một chỗ làm trong lĩnh vực nông nghiệp Đức rất cao, khoảng 450.000 euro; người tiêu dùng Đức cũng muốn có sản phẩm an toàn như sản phẩm hữu cơ nhưng chưa sẵn sàng trả giá cao hơn so với sản phẩm thông thường; tỷ lệ tiêu dùng cá nhân cho thực phẩm và đồ ăn uống ở Đức thấp...
Vì thế, Chính phủ Đức cũng áp dụng chính sách trợ giá cho nông nghiệp và hỗ trợ vốn khi lao động khởi sự làm trang trại. Đó là những chính sách liên hoàn nâng đỡ ND trong “sân chơi” lớn của EU và thế giới.
Diện tích đất nông nghiệp toàn Liên bang Đức là 18,6 triệu ha, diện tích đất rừng là 10,8 triệu ha. Năm 2014, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt 54,5 tỷ euro. Một số sản phẩm nông nghiệp Đức được sản xuất đứng nhất, nhì khối EU như: Sữa, thịt lợn, khoai tây, đường (đứng thứ nhất); ngũ cốc, cải dầu, thịt bò, gia cầm (đứng thứ hai).
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.