Chuyện nối nghiệp ca trù ở Ngãi Cầu

Chủ nhật, ngày 16/05/2021 13:43 PM (GMT+7)
Ngãi Cầu, ngôi làng cổ thuộc xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) là một trong những làng ca trù nổi tiếng đất Bắc. Nơi đây có nhiều thế hệ đã cùng nhau gìn giữ và phát triển ca trù mà người được biết đến nhiều hơn cả là cố Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc.
Bình luận 0

Ngoài việc truyền dạy cho những ai có lòng yêu ca trù, bà còn chú tâm bồi dưỡng, động viên, khuyến khích con cháu trong nhà nối nghiệp. Công sức và tâm huyết ấy đã được đền đáp xứng đáng khi hiện nay người cháu nội của bà - ca nương Đặng Thị Hường, được biết đến như “ngôi sao sáng” của ca trù.

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc sinh năm 1930 trong một gia đình có truyền thống ca trù ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) và bắt đầu hát ca trù từ năm 12 tuổi tại quán ca trù của gia đình. Nhập cuộc khá nhanh, bà sớm trở thành một danh ca nức tiếng Hà Thành với giọng ngâm trong trẻo và kỹ thuật ém hơi, đổ hột điêu luyện mà tài tình.

Thế nhưng, những ngày tháng ngày êm đềm chẳng được bao lâu thì biến cố thời cuộc đã khiến ca trù chìm vào quên lãng. Năm 1945, cao trào Cách mạng Tháng Tám hừng hực, ca nương trẻ tạm quên nhịp trống tiếng phách để tham gia đội văn công tuyên truyền. Đến năm 20 tuổi, gia đình bà chuyển hẳn về Ngãi Cầu sinh sống. Cuộc sống bộn bề lo toan bà vẫn không quên tiếng hát gia truyền.

Bẵng đi đến năm 1995 Nhà nước chủ trương phục hồi ca trù là thời điểm hạnh phúc nhất đối với bà bởi từ đó bà được thoải mái hát ca, truyền dạy cho lớp sau.

Chuyện nối nghiệp ca trù ở Ngãi Cầu - Ảnh 1.

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc truyền dạy cho các học trò (ca nương Đặng Thị Hường ngồi ngoài cùng bên phải).

Sinh thời, bà là người luôn nặng lòng với việc truyền dạy ca trù. Bà đã cùng với nghệ nhân Chu Trí Cang thành lập Câu lạc bộ (CLB) ca trù Ngãi Cầu và CLB ca trù Hoài Đức với gần 40 thành viên gồm các ca nương và kép đàn nhằm giữ lại nét truyền thống cho chính mảnh đất quê hương.

Rồi bà đã cùng đệ tử chân truyền của mình là Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Huệ thành lập CLB ca trù Thăng Long (nay là Giáo phường ca trù Thăng Long) để tạo không gian cũng như môi trường truyền dạy ca trù cho lớp thế hệ kế cận. Đánh giá về cống hiến của bà, nhiều chuyên gia cho rằng bà là một trong trong số các “cây đại thụ” của nền ca trù đất Bắc, cùng với các tên tuổi Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ, Nghệ sĩ Nhân dân Phó Thị Kim Đức, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Đẹ.

Năm 2014, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc qua đời thì cũng là lúc người cháu nội - ca nương Đặng Thị Hường bước vào tuổi 20 đầy khát khao, nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng, tình yêu ca trù. Tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng Hường đã có đến 20 năm gắn bó với ca trù.

Sinh ra và lớn lên trong lời ru, tiếng hát của bà nội nên Hường sớm “ngấm” và gắn bó với nghệ thuật ca trù như một sứ mệnh. Nghe bà hát rồi xem bà dạy các cô, các chị và được đi nghe những đêm hát ca trù trong thôn, cô gái trẻ chăm chỉ rèn luyện, hằng ngày ghi chép lại từng câu hát, rồi học thuộc lòng, sau đó ghép tiếng hát với tiếng phách, đàn, trống.

Ở ca nương Đặng Thị Hường người ta thấy có đủ hai yếu tố cơ bản để học ca trù, đó là năng khiếu hát và khả năng thẩm âm tốt, hơn nữa lại chăm chỉ, được kèm cặp thường xuyên nên cũng giống như bà năm 12 tuổi Hường đã đứng trên sâu khấu. Thế nhưng vì ca trù không đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học nên khi tốt nghiệp phổ thông Hường đã theo học sư phạm âm nhạc ở Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Ra trường trở thành cô giáo dạy âm nhạc tại Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức), Hường luôn tâm niệm, phải làm sao khơi dậy được trong các em học sinh tình yêu với âm nhạc nói chung, âm nhạc truyền thống nói riêng và đặc biệt là ca trù. Bởi thế đan xen trong các tiết học, cô giáo Hường đã thường xuyên giới thiệu đến học trò cái hay, cái đẹp trong ca trù cũng như văn hóa sâu xa trong lời ca, nhịp phách. Phương pháp dạy ấy đã được nhà trường đánh giá cao.

Hiện nay, ca nương Đặng Thị Hường đang sinh hoạt tại Giáo phường ca trù Thăng Long với nhiều hoạt động biểu diễn tại khu vực phố cổ Hà Nội. Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Giáo phường cho biết, chị là học trò của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc nên đã không còn lạ lẫm với ca nương Đặng Thị Hường.

“Từ khi về học cụ Chúc, tôi đã biết đến em Hường. Khi ấy em còn nhỏ, rất nhút nhát, hát nhỏ, cụ phải động viên nhiều. Cụ Chúc đã mở lớp dạy Hường và một số bạn trẻ khác với kỳ vọng lớn lao vào tương lai của ca trù Ngãi Cầu. Hường là ca nương có tố chất, say nghề, nếu bạn ấy chăm chỉ rèn luyện cả về tâm, về nghề thì sẽ còn tiến xa”, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Huệ khẳng định.

Chuyện nối nghiệp ca trù ở Ngãi Cầu - Ảnh 2.

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc (giữa), Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Đẹ (trái) trong một lần hát ca trù.

Là người theo sát từng bước đi của ca nương Đặng Thị Hường, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long – thành viên nhóm “Xẩm Hà thành” cho biết: “Ca nương Đặng Thị Hường may mắn được sinh ra tại một làng quê nổi tiếng với truyền thống ca trù ở ngoại thành Hà Nội, lại trong chính gia đình có truyền thống nhiều đời hát ca trù, cả lối hát cửa đình cũng như ca quán. Được tiếp xúc từ bé, sống trong “cái nôi” ca trù nên Hường sớm bén duyên và học ca trù.

Tôi có theo dõi hành trình của Hường từ khi còn ở quê Ngãi Cầu, cho đến lúc tham gia trình diễn ở Giáo phường ca trù Thăng Long và đến cuộc thi “Ngôi sao dân ca” dành cho học sinh, sinh viên các trường chuyên và không chuyên ở Hà Nội và các tỉnh lân cận do tôi làm giám khảo, tôi thấy Hường vững vàng và chững chạc hơn theo từng ngày. Giọng hát của Hường thiên về nội tâm, qua đó dễ truyền tải tình cảm của mình gửi gắm trong câu hát đến với người nghe”.

Trong thời đại hiện nay khi mà nhiều dòng nhạc mới, dòng nhạc nước ngoài đã và đang du nhập mạnh mẽ vào nước ta thì đâu đó vẫn có những người trẻ yêu và thực sự say mê với ca trù như Đặng Thị Hường. Hường từng khẳng định, bây giờ khi bên ngoài tràn ngập pop, rock, Kpop thì với mình ca trù vẫn là thứ âm nhạc không thể nào thay thế. Và với Hường việc học ca trù như một cách thể hiện tình yêu, trách nhiệm với bà, với quê hương Ngãi Cầu và với dân tộc.

Bởi thế trong suốt gần 20 năm qua chưa ngày nào Hường thôi cố gắng khẳng định mình trong các cuộc thi. Bằng chứng là Hường đã được nhận nhiều Bằng khen của Viện Âm nhạc Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cũng như nhiều giải cao trong các cuộc thi như: giải B Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội năm 2016, giải Nhất cuộc thi Ngôi sao dân ca năm 2017, Giải A Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội năm 2019…

Là người trẻ nhiều khát vọng, hoài bão, ca nương Đặng Thị Hường mong muốn quảng bá rộng rãi ca trù hơn nữa thông qua nhiều hoạt động xã hội cũng như mạng xã hội. Hường luôn tin rằng âm nhạc truyền thống vẫn có người yêu mến, vẫn có khán giả riêng, bởi thế vào những buổi cuối tuần rảnh rỗi Hường lại truyền dạy ca trù miễn phí cho các em nhỏ trong gia đình và tại địa phương.

Có thể nói, việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển ca trù nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung là một bài toán không dễ có lời giải, rất cần sự chung tay của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và nhân dân nhưng trước hết phải từ chính cái tâm của người nghệ nhân.

Và với nỗ lực không ngừng nghỉ của nữ ca nương trẻ Đặng Thị Hường đã như chiếc “cầu nối” truyền tải cái hay, cái độc đáo của loại hình nghệ thuật mang đầy tính bác học này đến với khán giả. Chuyện nối nghiệp ấy càng khiến chúng ta tin rằng, rồi đây ca trù sẽ thực sự hưng thịnh, sẽ “vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.


Ngô Khiêm (vnca.cand.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem