Chuyện ở buôn làng có trung bình 8 con/nhà

Thứ năm, ngày 10/03/2011 18:34 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Buôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đăk Lăk, bao năm nay vẫn nghèo đói. Đẻ nhiều, đẻ dày chính là rào cản sự phát triển của Ea Uôl. Ea Uôl có 263 hộ nhưng có đến 2.805 khẩu. Tính ra, trung bình mỗi hộ có hơn 10,6 người, cũng có nghĩa là mỗi gia đình có... 8 con.
Bình luận 0

Đã quá 12 giờ trưa nhưng 4 chị em Hoàng Thị Pành vẫn chưa có hạt cơm nào trong bụng. Chúng vẫn hì hục cạo vỏ mì (sắn) thuê.

Làm thuê từ thuở còn thơ

12 tuổi, nhỏ thó như cọng đót trên đồi nhưng Pành đã biết kiếm tiền từ nhiều năm trước. Nhà Pành có tất thảy 13 người. Cuộc sống khó khăn nên bố mẹ Pành không cho ai đi học cả. Ngoài những ngày lên rẫy, chị em Pành làm tất cả những gì người ta thuê. Pành không biết tính toán nên người ta trả bao nhiêu cầm bấy nhiêu.

Pành nói: “Nó bảo cạo hết một bao mì (chừng 50kg- PV) thì trả cho 3.000 đồng. Làm đến chiều nó trả bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu chứ không biết bao nhiêu là đủ”. Hai đứa em của Pành là Hoàng Văng Bình (11 tuổi) và Hoàng Thị Si (7 tuổi) cũng tham gia bóc vỏ mì như chị...

Tại buôn Ea Uôl hiện tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%. Trong 263 ngôi nhà ở Ea Uôl chỉ có khoảng 10 cái là nhà xây, 2 cái được lợp ngói, còn lại đa phần là nhà tranh vách nứa, ván.

Không riêng chị em Pành mà hàng chục đứa trẻ ở Ea Uôl đang phải làm việc cật lực để lấy tiền. Anh Hoàng Văn Má, một người nạo mì thuê cùng chỗ Pành, cho biết: “Người lớn mỗi ngày nạo được 7 bao. Cả nhà tôi (2 người lớn và 3 đứa trẻ- PV) mỗi ngày kiếm được khoảng 50.000 đồng. Còn mấy đứa đó không biết được bao nhiêu”.

Khác với chị em Pành, Mua Mí Chơ (8 tuổi) và Già Mí Dình (10 tuổi) chọn cách kiếm tiền bằng việc mót mì. Một cuốc, một bị, hai đứa dắt nhau hết rẫy này đến rẫy nọ.

Dưới cái nắng chói chang của mùa khô Tây Nguyên, chúng vẫn đầu trần, chân đất, thay phiên nhau đào bất cứ chỗ nào để kiếm những vụn mì sót lại. Cuối ngày, chúng mang “chiến lợi phẩm” về chia nhau. Dình khoe: “Có ngày em kiếm được hơn 10.000 đồng cơ đấy”. 10.000 đồng bằng một lần đánh giày ở phố, nhưng đối với Dình nó lớn vô cùng.

Mỗi gia đình... 8 con

Ea Uôl có 263 hộ nhưng có đến 2.805 khẩu. Tính ra, trung bình mỗi hộ có hơn 10,6 người, cũng có nghĩa là mỗi gia đình có... 8 con. Trưởng thôn này, ông Sính Chứ Chơ, tâm sự rằng: “Dân mình đẻ nhiều quá mà khổ!”.

Ông bảo, họ cứ lệ cũ mà làm, con gái 14-15 tuổi phải lấy chồng, con trai 15-16 tuổi phải lấy vợ. Vì vậy mà rất nhiều người làm ông ngoại, ông nội ở tuổi 30. Như thằng Lý Phóng, Hoàng Văn Má… chưa đến 40 mà đã “con đàn cháu đống”; con Sếnh Thị Mỹ mới ngoài 20 đã 4 đứa con...

Theo hướng dẫn của ông Chơ, tôi tìm đến nhà Mỹ, một phụ nữ chừng 40, mặt mũi đen sạm ra đón khách. Trò chuyện, tôi mới biết chồng Mỹ là cán bộ y tế thôn, cũng là người được giao nhiệm vụ tuyên truyền về dân số kế hoạch hoá gia đình. Thế nhưng khi được hỏi sao sinh nhiều thế, Mỹ bẽn lẽn: “Em có biết đâu…”.

Ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Cư Pui, phân trần: “Sinh nhiều, sinh dày chính là nguyên nhân của đói nghèo, thất học”. Cũng theo ông Tâm, ở đây tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%. Trong 263 ngôi nhà ở Ea Uôl chỉ có khoảng 10 cái là nhà xây, 2 cái được lợp ngói, còn lại đa phần là nhà tranh vách nứa, ván. Và cho dù là nhà xây hay nhà tranh bên trong đều trống rỗng. Nhà nào “giàu” lắm cũng chỉ được cái tivi cũ kỹ. Tôi hỏi ngẫu nhiên 10 đứa trẻ thì đến 8 đứa trả lời là không đi học hoặc đã bỏ học từ lớp 1, lớp 2.

Cách trung tâm huyện chừng 20km nhưng Ea Uôl “xộc xệch” vô cùng. Điều đau lòng là tất cả những thứ ấy đã đè nặng lên vai những đứa trẻ, những mầm non tương lai. Để rồi chúng lại tiếp tục cái vòng luẩn quẩn mà bố mẹ chúng đã vướng phải…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem