Chuyện tình “chú - cháu” ở tuổi xế chiều
Trong đám tang của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, người ta thấy bà Thu Giang, vợ của danh họa mặc một bộ áo dài màu đen. Dáng người bà nhỏ nhắn, nước da trắng hồng và đôi mắt khá u buồn. Lúc người ta gọi tên bà vào viếng ông, gương mặt bà buồn đến sâu thẳm. Khi đi vòng quanh linh cữu của ông, nước mắt bà giàn giụa, bà nấc lên từng tiếng nghẹn ngào…
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm và bà Thu Giang lúc sinh thời. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Đám tang hôm đó, cũng có một người phụ nữ đã luống tuổi, cứ quanh quẩn bên bà Thu Giang. Thỉnh thoảng người phụ nữ này lại lấy cho bà chai nước lọc, miếng khăn ướt hoặc hỏi han rất thân tình. Người đó chính là họa sĩ Trần Thị Bích Trâm (62 tuổi) vừa mới ở TP. Hồ Chí Minh bay ra. Bà Thu Giang hơn bà Trâm mấy tuổi nhưng họ là bạn của nhau từ thuở thiếu thời. Cả hai từng học chung một trường phổ thông và bà Giang là mẹ đỡ đầu của con gái bà Trâm. Trong cuộc sống, cả hai thân nhau như chị em một nhà, có chuyện gì bà Thu Giang với bà Trâm cũng tâm sự với nhau hết nhẽ.
Trước ngày danh họa Nguyễn Tư Nghiêm qua đời, bà Trâm nhận được điện thoại của “bà chị ngoài Hà Nội” (tức bà Thu Giang) lập tức bay ra Hà Nội ngay. Bà Trâm đã thay bà Thu Giang túc trực và chăm sóc danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được 3 ngày thì ông trút hơi thở cuối cùng. Chính tay bà Trâm là người đã lau người, thay quần áo… và làm các thủ tục cần thiết cho danh họa Nguyễn Tư Nghiêm trước khi ông được chuyển xuống nhà lạnh.
Bà Trâm kể, sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân là người quảng giao nên có rất nhiều bạn bè là văn nghệ sĩ. Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm thời đó cũng là một người bạn mà nhà văn Nguyễn Tuân rất quý. Cứ mỗi lần có sự kiện gì trọng đại trong gia đình, nhà văn Nguyễn Tuân đều mời danh họa họ Nguyễn đến vui cùng.
Thời đó, vì bà Thu Giang còn nhỏ nên gọi danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là “chú”, xưng “cháu”. Bà Thu Giang là con út trong gia đình (nhà văn Nguyễn Tuân có 7 người con, 3 trai, 4 gái) nhưng lại rất được vợ chồng nhà văn Nguyễn Tuân yêu quý. Những năm tháng bao cấp, thương “chú Nghiêm” không vợ con, ở một mình… nên thỉnh thoảng vợ chồng nhà văn Nguyễn Tuân lại bảo con gái qua giúp chú dọn dẹp nhà cửa, chợ búa, nấu ăn, giặt giũ…
Bẵng đi một thời gian, bà Thu Giang lấy chồng. Cuộc hôn nhân đó đã không trọn vẹn. Duyên số đã “tác thành” cho bà Thu Giang gặp lại ông chú năm xưa sau một lần đến nhờ chú vẽ chân dung. Và tình cảm của họ cứ dần nảy nở.
Năm 1990, họ đã quyết định đến với nhau khi ông đã 78 tuổi còn bà cũng đã ngoại lục tuần. Khi quyết định gắn kết cuộc đời với nhau mà không tổ chức đám cưới, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm nói với bà Thu Giang: “Sinh lực tôi đã cạn kiệt, chỉ có tình cảm dành cho em".
Theo bà Trâm, sinh thời danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là người rất tài năng, nho nhã, nghiêm cẩn, kỹ tính và bản lĩnh. Ông rất yêu nghệ thuật nhưng không phải ai ông cũng giao du. Mối quan tâm lớn nhất của ông hàng ngày chẳng có gì khác ngoài sáng tạo nghệ thuật. Bà Giang đến với ông ngoài sự yêu thương, trân trọng, cảm mến… còn là một sự thương cảm. Vì lẽ đó, bà chăm sóc ông rất tận tình và chiều ông từng chút một. Ấy thế nhưng khi hai người đến với nhau cũng không tránh được khỏi những lời gièm pha ác ý.
Đến chết vẫn nghĩ tới vợ hiền
Trước khi trở thành người đàn ông có vợ, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã có hơn nửa thế kỷ sống độc thân thân tại gác 3 khu nhà nghệ thuật 65 Nguyễn Thái Học (Hà Nội).
Bà Thi Giang trong đám tang danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: Hữu Nghị.
Cuối 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cấp thêm cho vợ chồng danh họa nửa căn hộ tầng trệt nhà A1 khu tập thể Trung Tự (vốn là căn hộ của nhạc sĩ Trần Hoàn từng ở) để danh họa có không gian vẽ. Năm 2003, vợ chồng danh họa quyết định bán hai căn nhà nhỏ ở Nguyễn Thái Học và Trung Tự để mua một ngôi nhà nhỏ ngõ phố Phan Bội Châu.
“Chị Giang là con gái út của cụ Nguyễn Tuân, trên chị Giang còn mấy người anh – người chị nhưng lúc sinh thời cụ Tuân lại thương yêu cô út nhất trong đám con cái. Tôi cứ đùa là con gái rượu. Khi cụ Tuân qua đời, bao nhiêu bút tích, di cảo, bản thảo… đều giao hết cho chị Giang quản lí. Cho đến khi về sống với cụ Nghiêm, chị Giang cũng rất được cụ tin tưởng.
Bình sinh, cụ Nghiêm không thích giao du với ai cả, chỉ thích đắm mình trong nghệ thuật thôi. Tất cả mọi việc hay dở, cao thấp, đối nội đối ngoại… cụ đều giao hết cho chị Giang. Nhiều khi thiên hạ không biết lại vu tiếng ác cho chị Giang, bảo chị ấy khó tính nọ kia nhưng nếu không có chị Giang chắc chắn không có một bảo tàng đẹp và quý như bảo tàng Nguyễn Tuân – Nguyễn Tư Nghiêm ở 90 B2 Trần Hưng Đạo như bây giờ.
Chị Giang trông liễu yếu đào tơ, tưởng nấu nồi cơm không nổi nhưng lại chăm sóc cụ Tuân rồi cụ Nghiêm rất vừa lòng. Cụ Tuân là người rất sành ăn còn cụ Nghiêm lại rất kỹ tính. Những ngày ốm, cứ hễ mở mắt ra là cụ Nghiêm lại gọi tên chị Giang. Chị Giang mà nấu ăn thì món nào cụ cũng ăn rất ngon miệng.
Tình cảm của chị Giang dành cho cụ Nghiêm là vừa yêu, vừa kính trọng, vừa thương cảm.. nhiều thứ cộng vào. Tôi hay đùa với chị, cách chị chăm cụ Nghiêm như là vừa chăm chồng, vừa chăm bố, vừa chăm con”, bà Trâm nói.
Trong quãng thời gian sống chung với nhau, bà Thu Giang là cảm hứng cho danh họa Nguyễn Tư Nghiêm trong rất nhiều bức tranh. Ông vẽ nhiều chân dung về bà, kể cả tranh nude. Những bức tranh này đến nay bà Thu Giang vẫn còn giữ rất kỹ.
20 ngày trước khi danh họa Nguyễn Tư Nghiêm trút hơi thở cuối cùng, ông có biểu hiện đau đầu. Khi đưa ông vào bệnh viện, các bác sỹ kết luận ông có một khối u nhỏ chèn vào não. Các bác sỹ khuyên nên phẫu thuật để giải quyết khối u nhưng vì thấy ông đã quá yếu nên bà Thu Giang không đồng ý. Bệnh viện buộc lòng phải giúp ông duy trì sự sống bằng bình ôxy và ống xông. Trước đó, khi tiên lượng sức khỏe của mình đang yếu dần, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm cũng đã viết di chúc nhờ Hội Mỹ thuật Việt Nam làm chứng là giao mọi việc tang lễ khi ông nằm xuống cho bà Thu Giang quyết định. Kể cả việc thờ cũng sau này và quản lý những bức tranh của ông.
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm sinh ngày 20/10/1922 trong một gia đình có truyền thống Nho học của huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Thân sinh của danh họa là cụ Phó bảng Nguyễn Tư Tái, làm quan rồi từ nhiệm về quê khai hoang, lập nên ấp Lạc Lâm và được dân làng tôn làm thành hoàng. Mẹ Trần thị Luật, là người chữ nghĩa, đã khuyến khích con trai nặn tượng đất thó, từ tấm bé, khởi điểm cho con đường nghệ thuật của danh họa về sau. Gia đình của danh họa có tất cả 7 anh chị em, đều thành đạt.
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được xem là “cây đại thụ” cuối cùng của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, người cuối cùng trong bộ tứ "Phái- Sáng- Liên- Nghiêm" đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 10h27 phút, ngày 15/6 tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi.
Phần mộ của ông được an táng tại Nghĩa trang Văn Điển, cạnh phần mộ của cố nhà văn Nguyễn Tuân.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.