Chuyện tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam và ga Hàng Cỏ

Nguyễn Văn Ất Thứ năm, ngày 09/03/2023 06:42 AM (GMT+7)
Đối với các tuyến đường sắt ở Việt Nam thì ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay) đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ga Hàng Cỏ thực chất là nút trung tâm của toàn bộ hệ thống đường sắt Việt Nam từ xưa cho đến hiện nay.
Bình luận 0

Trước khi người Pháp sang xâm chiếm Việt Nam để làm thuộc địa, giao thông đường dài ở xứ ta chỉ có đường bộ, đường thủy. Để khai thác thuộc địa, người Pháp thấy cần phải xây dựng đường sắt. Đường sắt đầu tiên ở Việt Nam do người Pháp xây dựng là tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho.

Đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho không chỉ là tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam mà còn là tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương, được khởi công xây dựng vào năm 1881.

Ngày 20/7/1885, đánh dấu sự ra đời của ngành Đường sắt Việt Nam khi chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Đông đến ga cuối cùng tại tỉnh lỵ Mỹ Tho.

Chuyện tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam và ga Hàng Cỏ - Ảnh 1.

Ga Hà Nội đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu.

Do đặc điểm của Nam Kỳ lục tỉnh là vùng sông nước, nên phần lớn con đường mà tuyến đường sắt đi xuyên qua là đất thấp và bùn lầy. Việc phải gia cố nền đường đã làm mất rất nhiều thời gian. Tuyến đường cũng đi qua những cánh đồng lớn hoặc một số khu dân cư. Một vấn đề nan giải mà tuyến đường sẳt gặp phải khi ấy là có hai con sông ngăn cách. 

Do vậy, vừa thi công công trình, nhà thầu Pháp vừa đặt hãng Eiffel khi đó chế tạo 2 cây cầu gồm cầu sắt Bến Lức (bắc qua sông Vàm Cỏ Đông) và cầu Tân An (bắc qua sông Vàm Cỏ Tây) cho xe lửa qua sông.

Thế nhưng mấy năm sau, khi đã đưa tuyến đường sắt vào hoạt động các cây cầu vẫn chưa hoàn thành. Do đó để đưa tàu hoả vượt qua sông lớn thì trong các năm đầu mới khai thác, các toa tàu đã được tạm tách rời để đưa lên phà qua sông, sau đó lại được nối rồi cho chạy tiếp. Loại phà được dùng chạy bằng động cơ hơi nước, chở hơn 10 toa xe. Trên phà có lắp đường ray và các thiết bị để nối đường ray trên mặt đất với ray của phà.

Hình ảnh đoàn xe lửa dài chạy xì khói kêu ầm ầm trên 2 thanh sắt và hình ảnh chiếc phà đưa xe lửa qua sông đã khiến người dân Việt thời đó rất ngạc nhiên, tò mò thích thú và ngưỡng mộ.

Sau khi đưa vào vận hành tuyến đường sắt Sài Gòn- Mỹ Tho ở Nam Kỳ thì người Pháp quay sang làm các tuyến đường sắt ở khu vực Bắc Kỳ là chính.

Đối với các tuyến đường sắt ở Việt Nam thì ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay) đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ga Hàng Cỏ thực chất là nút trung tâm của toàn bộ hệ thống đường sắt Việt Nam từ xưa cho đến hiện nay.

Năm 1902, ga Hàng Cỏ được khánh thành và đưa vào khai thác cùng với cầu Long Biên. Đợt đầu xây tòa nhà chính của nhà ga, gồm 3 tầng, nhìn thẳng ra con đường Gambetta, (tức phố Trần Hưng Đạo ngày nay) với tầng dưới là đại sảnh, dành cho việc bán vé, đón khách ra vào, đi thông vào sân ga phía trong, tầng hai là nơi làm việc của các nhân viên và bộ phận kỹ thuật, nghiệp vụ và tầng ba là bộ phận hành chính.

Thuở ban đầu, ga Hàng Cỏ là nhà ga xuất phát của con đường sắt Hà Nội đi lạng Sơn. Rồi nó trở thành điểm xuất phát của các đoàn tầu từ Hà Nội đi Hải Phòng (năm 1903), tuyến Hà Nội đi Lào Cai (năm 1905) và đến năm 1936 là tuyến đường sắt xuyên Việt.

Chuyện tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam và ga Hàng Cỏ - Ảnh 2.

Ga Hà Nội bị bom ném năm 1972. Ảnh tư liệu.

Sau khi Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, quân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ thì tại ga Hàng Cỏ này chứng kiến cảnh ngày đêm các đoàn tàu đưa các đoàn quân Nam tiến từ các địa phương vào Nam chống quân Pháp.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ tại Hà Nội ngày 19/12/1946, thì tại ga Hàng Cỏ vào ngày 20/12/1946 đã xẩy ra cuộc chiến đấu ác liệt của các tự vệ đường sắt Hà Nội chống quân Pháp từ Cửa Nam đánh nống ra. Các chiến sỹ tự vệ đã tiêu diệt 15 tên địch, phá hủy 1 xe tăng và 2 xe tải quân sự…

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, công nhân nhà ga đã có các hoạt động nhằm làm chậm trễ việc Pháp vận chuyển vũ khí, đạn dược, quân lính đi đàn áp các nơi. Còn trong những ngày chờ cách mạng vào tiếp quản Thủ đô, công nhân nhà ga đã đấu tranh với giới chủ Pháp nhằm bảo vệ đầu máy, toa xe để bàn giao cho chính quyền cách mạng…

Những ngày đầu tháng 10/1954, ga Hàng Cỏ đã chứng kiến các đoàn tầu đưa những vũ khí và binh lính cuối cùng của nước Pháp thua trận rời khỏi Thủ đô.

Tháng 10 năm 1954, lực lượng Việt Minh tiếp quản nhà ga. Nhưng chỉ chưa đầy 10 năm hòa bình, đến năm 1964 khi miền Bắc bị không quân Hoa Kỳ ném bom đánh phá thì ga Hà Nội cũng chuyển sang hoạt động thời chiến. Ở đây đã chứng kiến các đoàn tầu hỏa chật ních đưa dân Hà Nội đi sơ tán và các đoàn tầu chở bộ đội đi vào chiến trường…

Tháng 12 năm 1972, trong cuộc chiến vô cùng ác liệt 12 ngày đêm chống trả các cuộc oanh tạc bằng máy bay B-52 của không lực Hoa Kỳ, ga Hàng Cỏ đã bị một quả bom lớn của Hoa Kỳ ném trúng. Ngôi nhà đại sảnh, nơi treo chiếc đồng hồ lớn của nhà ga bị đánh sập hoàn toàn và từ đây, tàu hỏa và các xe tải đều phải chạy vào ban đêm.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, ga Hàng Cỏ được đổi tên thành ga Hà Nội. Tại đây ngày 31/12/1976, sau mấy chục năm gián đoạn, hai đoàn tầu Thống Nhất cùng xuất phát từ ga Hà Nội và ga Sài Gòn đã khai thông tuyến đường sắt Bắc- Nam trong niềm vui vô bờ bến của hàng triệu người dân cả nước.

Ga Hà Nội nay nằm trên địa phận quận Đống Đa, Hà Nội. Phía đường Lê Duẩn là khu A, chuyên phục vụ các chuyến tàu Thống Nhất. Phía sau khu A là khu B nằm trên phố Trần Quý Cáp (đoạn gần ngã ba Nguyễn Khuyến – Trần Quý Cáp). Ga Hà Nội tọa lạc tại số 120 đường Lê Duẩn, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem