Đuổi con ma nghiện
Việc gì ông Sùng Già Dia (giữa) khởi xướng, đều được bản làng, bà con ủng hộ. Ảnh: L.S
Những người uy tín như ông Dia giúp truyền tải chủ trương của Nhà nước mau chóng đến với người dân, được người dân ủng hộ. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện đã giảm dưới 20%. Đặc biệt, nhờ sản xuất cho hiệu quả cao, đời sống ổn định nên nhiều năm nay xã không còn hiện tượng du canh du cư”.
Ông Sùng A Mang – Phó Chủ tịch UBND xã Phổng Lái
|
Trước khi làm trưởng bản, ông Sùng Già Dia là công an viên của xã. Già Dia kể, xã Phổng Lái năm 1992 trở về trước còn lạc hậu lắm, dân bản đều nghèo, chỉ mong kiếm đủ ăn, không đứt bữa. Nghèo đói là thế nhưng người nghiện thuốc phiện, trộm cắp lại không thiếu. Khi có Chỉ thị 06 của Nhà nước về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý, cán bộ xã - nhất là công an viên như ông Dia phải đi vận động người dân không trồng và dùng thuốc phiện.
“Ngày ấy đi vận động khổ lắm. Bản Mông Cẩu có 12 người nghiện thì chủ yếu là người lớn tuổi, có những cụ nghiện thuốc phiện đã 50 năm. Họ bảo nghiện lâu như thế rồi bỏ làm sao được. Mình giải thích cho họ phải từ bỏ thuốc phiện, không thì sẽ nghèo suốt đời, con cháu cũng bị ảnh hưởng. Một mặt mình động viên, mặt khác thường xuyên tới nhà, tự bỏ tiền ra mua thuốc bổ giúp họ vượt qua cơn nghiện. Ai cai được, mình mua ngay cho một bộ quần áo mới. Họ thích lắm, càng cố gắng cai nghiện” – ông Dia kể.
Nhờ sự vận động tích cực của ông Dia, từng người từ bỏ thuốc phiện và đến nay, trong bản không còn người nghiện. Tệ nạn trộm cắp cũng giảm hẳn, bản làng trở lại bình yên, nhưng ông Dia vẫn chưa hài lòng. “Bản mình tốt rồi đấy, không còn người nghiện nữa nhưng dân vẫn nghèo quá. Phải làm sao cho dân bản không chỉ đủ ăn mà phải vươn lên làm giàu” – ông Dia nghĩ.
Giúp dân xoá đói nghèo
Người dân ở bản Mông Cẩu trước chỉ biết trồng lúa nương, nuôi vài con lợn, con gà để mổ vào dịp lễ tết hay lúc nhà có việc. Một năm thiếu đói 3 - 4 tháng là chuyện bình thường. Cả bản có 100 hộ, thì số hộ nghèo đói luôn trên 50%. Ông Dia cho biết: “Khi cán bộ xã bảo không trồng lúa, ngô nữa mà chuyển sang trồng chè, cà phê, cây dược liệu, nhiều người không đồng ý đâu. Thấy mình ủng hộ chủ trương của xã, bà con kéo đến nhà chất vấn, mình mới bảo họ trồng thử, nếu không hiệu quả mình chịu trách nhiệm. Mình cũng làm gương trước và chuyển sang trồng chè, sơn tra”.
Dân bản Mông Cẩu mọi khi chỉ làm 1 vụ lúa và 1 vụ ngô, gieo cấy xong ai nấy về nhà chơi dài. Nay vừa trồng lúa, trồng ngô, vừa chăm bón cây dài ngày, cực khổ hơn nhiều nhưng nghe ông Dia nói thế, phải cố mà làm. Vất vả mãi rồi cũng đến ngày hái quả ngọt. Như anh Sùng Vả Dềnh trồng 6.000m2 chè, sau khi trừ chi phí, thu lãi 40 – 50 triệu đồng/năm. Dần dần các hộ khác ở Mông Cẩu đều có thu nhập khá từ cây lâu năm. Đến nay bản chỉ còn 15/100 hộ nghèo theo chuẩn mới. Nhà nào cũng xe máy, ti vi, con cái được học hành tử tế.
Anh Lầu A Thào - người theo học ông Dia hãnh diện cho biết: “Bố Dia nói được, làm được nên việc gì bố Dia phát động, dân bản đều tham gia nhiệt tình. Lúc trước người Mông mình ở bản nào chỉ sinh hoạt trong bản đấy, nhưng bố Dia bảo phải đoàn kết với các dân tộc khác nữa. Trong bản có việc to, nhỏ gì đều mời các anh em ở bản khác, vui lắm”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.