Chuyện về ngôi đền trăm tuổi nằm trong ngách nhỏ trên phố cổ Hà Nội

Kim Thư Thứ sáu, ngày 28/07/2023 09:56 AM (GMT+7)
Đền Nguyên Khiết Linh Từ nằm trong ngõ 102 phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đây là ngôi đền có tiếng thờ Thánh mẫu Bạch Hoa công chúa.
Bình luận 0

Ngôi đền nằm trong con ngõ nhỏ trên phố cổ Hà Nội. Thực hiện: Kim Thư.

Dọc con phố Hàng Bạc sầm uất, điều duy nhất để nhận diện địa chỉ của ngôi đền cổ chính  là lá cờ ngũ sắc treo kiên cố trên một thân cây lớn. Không cổng, ngôi đền nằm nhỏ thu mình trong con ngõ nhỏ chỉ vừa 1 người qua tại địa chỉ 102 phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với bức hoành phi "Nguyên Khiết Linh Từ - Đền Hàng Bạc".

Chuyện về ngôi đền trăm tuổi nằm trong ngách nhỏ trên phố cổ Hà Nội - Ảnh 2.

Đền Hàng Bạc xưa thuộc thôn Nguyên Khiết, tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Hiện đền nằm trong con ngõ ở 102 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Kim Thư.

Ông Hoàng Khánh An, người dân sinh sống ở phố Hàng Bạc cho hay, ngôi đền tuy nhỏ nhưng tiếng tăm của đền Hàng Bạc đã lưu truyền khắp xa gần khắp trong nam ngoài bắc.

Lịch sử đền Hàng Bạc

Theo sử sách ghi lại, tương truyền, xưa có hai công chúa là Ngọc Lân công chúa (tức Mai Hoa công chúa) và Phương Dung công chúa (tức Quỳnh Hoa công chúa) theo xe giá đi xem xét địa phương đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm, trời bỗng nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ.

Nhưng theo thần tích được sao chép của vị Tiên chỉ Nguyễn Đình Tuyển thôn Nguyên Khiết Hạ (phố Nguyễn Siêu ngày nay) và được lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội thì Thần Thành Hoàng Bạch Hoa Công Chúa, Ngài là nhân Thần, Miếu Ngài trước ở của khe núi tỉnh Hưng Hóa (bao gồm rất nhiều châu, trong đó có châu Tuyên Quang).

Chuyện về ngôi đền trăm tuổi nằm trong ngách nhỏ trên phố cổ Hà Nội - Ảnh 3.

Lối nhỏ vào đền Hàng Bạc. Ảnh: Kim Thư.

Vào đời nhà Lê, hiệu Cảnh Hưng, tỉnh Hưng Hóa bị giặc cướp bóc, quân lính bị hãm hại nhiều lần. Quân đội nhà Lê phụng mệnh đem quân đi đánh giặc. Trước khi lên đường đã vào yết cáo Ngài nên đã dẹp giặc thành công mà không ai phải bị đổ máu. 

Khi về tâu Vua, Vua Lê Cảnh Hưng đã ban sắc cho Ngài là: Nhu Gia – Trinh Thuận – Thuần Nhất Đại Vương và lập đền thờ bên sông Nhị Hà. Tức là làm Thành Hoàng làng Nguyên Khiết.

Hiện nay, trong đền hiện còn lưu giữ được 8 tấm bia cổ, 1 tấm văn khắc trên gỗ gắn trên đỉnh cao nhất của ngôi đền từ thời Thành Thái (1889) nói về việc trùng tu ngôi đền năm Bính Thân (1896), 5 tấm hoành phi cổ, 1 quả chuông đồng nặng 50kg...

Trong đền có 37 pho tượng Tiên Thành Tứ Phủ lớn nhỏ khác nhau và nhiều cổ vật quý, linh thiêng mang tính nghệ thuật độc đáo vẫn còn được lưu giữ.

Nơi lưu giữ, bảo tồn di sản linh thiêng

Hiện nay, ông Nguyễn Tất Kim Hùng đồng đền Hàng Bạc cùng với thủ nhang đền là Lê Bá Linh thực hành thờ, lễ theo đúng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt.

Chuyện về ngôi đền trăm tuổi nằm trong ngách nhỏ trên phố cổ Hà Nội - Ảnh 5.

Ban thờ trong đền luôn được sắp xếp gọn gàng, chỉn chu. Ảnh: Kim Thư.

Chính vì thế mà không gian điện thờ Mẫu tại Đền Hàng Bạc luôn được ông Kim Hùng và các thanh đồng sắp xếp gọn gàng, chỉn chu. 

"Quang cảnh điện thờ, nơi diễn ra nghi lễ hầu đồng phải trang trọng. Tranh, tượng, các bức hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng, ban thờ luôn rực rỡ hoa tươi, lễ vật trang nghiêm…tạo nên một không gian nghi lẽ đầy hiệu ứng tác động vào cảm giác người hành lễ", vị thủ nhang đền thông tin.

Ngoài ra, hàng ngày, đền Nguyên Khiết Linh Từ thường xuyên đón tiếp khách thập phương và nhân dân địa phương đến lễ Thánh, Mẫu. 

Nhiều năm buôn, bán trên phố Hàng Bạc, ông Nguyễn Ngọc Quang cho biết: "Nhiều năm nay, mùng 1, mười Rằm hay vào các ngày lễ gia đình lại sắm đồ lên đền thắp hương. Đặc biệt, vào những ngày trong đền tổ chức lễ, xe to, xe bé, người dân từ khắp nơi về lễ. Ngôi đền dù nhỏ nhưng có kiến trúc khá độc đáo và linh thiêng".

Chuyện về ngôi đền trăm tuổi nằm trong ngách nhỏ trên phố cổ Hà Nội - Ảnh 6.

Ngày lễ lớn của đền là ngày 12/2 Âm lịch hằng năm. Ảnh: Kim Thư

Không chỉ tổ chức các khóa lễ theo đúng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ tại đền, ông Kim Hùng – đồng đền Hàng Bạc còn thường xuyên tổ chức cho người dân, "đệ tử" đi lễ tại một số đền, chùa phía Bắc.

"Hầu đồng là di sản văn hóa. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh, phát huy và bảo tồn các giá trị của Di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt", ông Kim Hùng chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem