Clip: Trồng bần phục hồi rừng ngập mặn ở Thái Bình
\
Hơn 8.000 cây bần được trồng trên diện tích 6 ha rừng ngập mặn thôn Quang Thịnh thuộc xã Nam Thịnh, Tiền Hải, Thái Bình.
Đây là chương trình trồng rừng ngập mặn do Thanh niên Phật tử kết hợp với lực lượng Đồn Biên phòng Cửa Lân và Đoàn thanh niên huyện Tiền Hải thực hiện.
Trước khi bắt đầu "nhập cuộc" mọi người tham gia trồng cây được Ban tổ chức hướng dẫn về cách thức, quy trình trồng cây rừng ngập mặn. Theo đó, mỗi cây được trồng với khoảng cách 3m, hố sâu 20x20 cm.
Cây trồng ở đây là cây bần chua, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương.
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm thanh niên đã tập trung để ra quân trồng rừng.
Buổi trồng cây không chỉ có sự tham gia của thành viên trong đoàn mà còn có sự tham gia của nhiều người dân địa phương.
Được biết, Thái Bình có bờ biển dài trên 50km với 5 cửa sông lớn đổ ra biển, tạo nên vùng bãi triều rộng trên 16 nghìn ha. Hiện nay rừng ngập mặn tại đia phương do bị phá để làm khu công nghiệp, nuôi trồng thủy sản khá lớn nên phá vỡ hệ sinh thái. Hiện nay đã có nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang tham gia trồng lại rừng ngập mặn tại Thái Bình.
Ông Bùi Duy Thanh (Phó Bí thư Chi đoàn Đồn Cửa Lân, Tiền Hải, Thái Bình) cho biết: "Rừng ngập mặn rất quan trọng cho an ninh quốc phòng, vì đây là nơi cản tàu thuyền của địch tiến sát bờ biển. Không chỉ vậy, rừng ngập mặn còn là đê tự nhiên chắn sóng biển, tạo môi trường sống cho nhiều loài động vật."
Ông Nguyễn Thanh Tuấn (Trường nhóm Thanh niên Phật tử Thái Bình) chia sẻ: "Hiện nay trái đất ngày càng nóng lên, liên tiếp những tháng quá đều có cháy rừng. Chúng tôi là những thanh niên phật tử muốn làm một việc gì đó thiết thực để bảo vệ môi trường, thêm được nhiều là phổi xanh cho quê hương nên đã kêu gọi và kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức buổi trồng rừng ngày hôm nay."
"Qua đây chúng tôi cũng mong muốn nhiều bạn trẻ cùng chung tay góp sức vào việc bảo vệ môi trường sống. Bảo vệ rừng ngập mặn cũng đồng nghĩa với bảo vệ sinh kế cho con người, chống lại thiên tai, giảm xói lở và bảo vệ đất, giảm ô nhiễm, hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu", anh Tuấn chia sẻ thêm.
Song song với việc trồng rừng thì đoàn thanh niên Phật tử còn tham gia nhặt rác nhựa bên bờ biển, trả lại môi trường không rác thải nhựa cho bãi bồi.
Việc trồng tái sinh rừng phòng hộ ở các khu vực bãi bồi ven đê biển được xem là “giải pháp mềm” bền vững để ứng phó lâu dài và hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.