Clip lễ giải hạn độc đáo của dân tộc Mường ở ven sông Đà tỉnh Sơn La
Clip: Mùng 1 Tết ra vùng lòng hồ sông Đà xem người Mường làm lễ giải hạn độc đáo
Hà Hoàng
Thứ ba, ngày 01/02/2022 14:52 PM (GMT+7)
Để cầu may, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an cho gia đình và con cháu năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý; cứ vào 30 Tết, đồng bào dân tộc Mường sinh sống ven lòng hồ sông Đà ở bản Mường (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã mổ lợn, mổ gà tổ chức lễ giải hạn cho gia đình.
Clip: Người Mường lòng hồ sông Đà (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) tổ chức giải hạn cầu sức khoẻ, may mắn dịp Tết.
Người Mường tổ chức giải hạn dịp Tết, để cầu lộc may
Hàng năm vào dịp 30 Tết âm lịch, người Mường ở vùng lòng hồ sông Đà lại chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn và mổ lợn, mổ gà, rồi mời ông thầy mo đến khấn giải hạn và thắp hương cúng ông bà tổ tiên.
Mục đích của việc tổ chức nghi lễ giải hạn là vừa đón giao thừa, vừa xua đuổi tà ma đón năm mới phúc lộc, sức khoẻ và may mắn đầy nhà, con cháu trong gia đình ai ai cũng bình an.
Chia sẻ với PV, ông Hà Văn Cuộc, 101 tuổi ở bản Mường (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn) là 1 trong những già làng có tiếng am hiểu về phong tục tập quán và tục giải hạn đón năm mới của người Mường.
Ông Cuộc cho biết: Đối với người Mường thì có nhiều loại cúng, nhưng lễ cúng giải hạn đón năm mới thường được các gia chủ tổ chức vào ngày 30 Tết.
Sau khi thực hiện các nghi lễ xong thì mời anh em trong dòng họ, cùng hàng xóm láng giềng đến ăn cơm và động viên gia đình. Lễ cúng giải hạn này còn nhằm xua đuổi tà mà, giúp người yếu vía sang năm mới sức khoẻ, ít ốm đau bệnh tật.
Theo ông Cuộc, có thể nhiều người nghĩ tục giải hạn đón Tết năm mới là loại hủ tục mê tín, dị đoan, tuy nhiên việc làm này chỉ mục đích khích lệ đời sống tinh thần, làm tăng niềm tin và nghị lực sống cho mỗi người trước những thử thách của cuộc sống.
Đồng thời, tập tục làm lễ giải hạn giúp con người biết hướng thiện, tránh cái xấu, sống hiếu thuận với cha mẹ, vợ chồng chung thủy, biết đối nhân xử thế và làm theo những điều ông bà dạy và luật tục của bản mường, pháp luật của Nhà nước.
Lễ giải hạn đón Tết năm mới là một trong những phong tục mang ý nghĩa nhân văn, hướng con người tới cái may mắn, an yên trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất.
Theo người Mường quan niệm thế giới có ba tầng thông tỏ và giao cảm, quyết định sự sống trên trái đất là do thế giới hư vô mà người thường không thể nhìn thấy được. Hồn - phi đều trực tiếp hoặc gián tiếp đem lại điều tốt lành hay xấu cho con người. Bởi vậy, việc cầu cúng thông qua vai trò của thầy mo là vô cùng quan trọng.
Trong cuộc đời mỗi con người, từ lúc sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời, với người người Mường có rất nhiều lễ cúng theo chu trình của đời người: Sinh - bệnh - lão - tử, nhằm mục đích giúp con người có thêm nghị lực, niềm tin, để có sức khỏe; có đạo đức, có một cuộc sống dài lâu, ấm no, hạnh phúc, hiểu biết về đạo lý và sống có trách nhiệm với cộng đồng và thiên nhiên.
Trong lễ giải hạn, thầy mo không chỉ cầu khẩn các đấng siêu nhiên ban cho sự bình yên trong năm mới an khang, mà còn răn dạy con cháu và mọi người phải biết tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt phải có hiếu với cha mẹ, độ lượng với nhau, nhường cơm sẻ áo, biết sống nhân ái vì gia đình và cộng đồng. Trong lễ cúng, ngoài các nghi thức cầu khẩn các đấng siêu nhiên, thì thầy mo còn khuyên bảo con người phải biết sống cho phải đạo làm người.
Ngay trong bữa cơm thân mật với gia chủ sau lễ cúng, những người tham dự lại đang (tức hát), nội dung phù hợp với hoàn cảnh và may mắn trong năm mới. Từ nhận thức về tự nhiên và xã hội như vậy, người Mường từ bao đời vẫn khuyên bảo nhau sống có trách nhiệm và chan hòa với cộng đồng, sống hòa thuận với thiên nhiên.
Cầu sức khoẻ, may mắn… trong lễ giải hạn đón năm mới
Theo già làng Hà Văn Cuộc, bản Mường (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơ La), từ xa xưa, người Mường có tập quán sinh sống theo các chòm núi hoặc ven các bìa rừng nơi có các con sông, con suối.
Bà con sống gần gũi với thiên nhiên nên cũng sớm hình thành cho mình các hình thái sinh hoạt văn hóa khác nhau. Người Mường ven lòng hồ sông Đà sớm ý thức được nguồn gốc của mình, đặc biệt là phong tục, tập quán.
Mặc dù bà con đã bỏ nhiều phong tục vì không hợp với thuần phong mỹ tục, nhưng có 1 số phong tục quan trọng vẫn được dân tộc Mường gìn giữ như: Tục cúng vía, khấn người đã khuất, tục thôi nôi trẻ em, tục giải hạn giản đen, tục giải hạn đón năm mới, tục cúng nhận con nuôi và bố mẹ nuôi...
Trong vô số các phong tục của đồng bào dân tộc Mường, tục giải hạn đón Tết âm lịch là một trong những phong tục mang ý nghĩa nhân văn.
Lễ giải hạn xuất phát từ mong muốn của một gia đình, cá nhân, do năm vừa qua trong nhà gặp chuyện không may, tai nạn, ốm đau, đồng thời muốn cầu lộc, cầu tài trong dịp năm mới làm ăn phát đạt. Từ đó, người Mường sẽ tổ chức lễ giải hạn và mời thầy mo về cúng.
Đến ngày giải hạn, anh em ruột thịt trong gia đình sẽ chuẩn bị thịt lợn, gà, rượu, gạo... cùng nhau chuẩn bị cỗ cúng từ sáng sớm. Trong ngày giải hạn sẽ có 1 người được giao trọng trách đi đón thầy cúng về.
Là 1 trong những thầy mo có tiếng tại bản Mường (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), ông Hà Văn Hướng cho biết: Để lễ giải hạn đón năm mới diễn ra tốt đẹp, trong mâm cúng bắt buộc phải có bát nhang, vải thổ cẩm, 2 con gà trống luộc, đầu lợn (nếu có), chén rượu, sôi nếp, tiền; đĩa bánh kẹo, mứt…
Tất cả những nhu yếu phẩm trên này, đều phụ thuộc vào tiềm lực tài chính của mỗi gia chủ, nếu gia chủ nào có điều kiện khá giả thì có thể bày biện mâm cỗ thịnh soạn hơn, tuy nhiên vẫn phải phụ thuộc vào ông thầy mo. Mâm có cao cỗ đầy đến bao nhiêu mà thầy mo không tốt, không am hiểu thì cũng không thiêng.
Thông thường lễ giải hạn đón Tết âm lịch sẽ kéo dài gần 2h đồng hồ. Sau khi thầy mo cúng xong, người nhà dọn mâm cỗ cho thầy cúng và người cao tuổi. Còn tất cả anh em họ hàng, ngõ xóm được gia chủ mời đến động viên gia đình thì ngồi mâm riêng. Ngồi trong mâm, họ nâng chén rượu chúc gia chủ năm mới sức khoẻ, phát lộc, phát tài, mọi việc đều suôn sẻ và thông hanh.
"Người Mường chúng tôi quan niệm rằng, việc đặt mâm cỗ lên bàn thờ và cúng để ông bà tổ tiên ở thế giới bên kia sẽ phù hộ và dõi theo những sinh hoạt của con cháu. Lời khấn của thầy mo chính là những lời báo cáo và cầu xin của con cháu với tổ tiên phù hộ cho có sức khoẻ dồi dào, làm ăn kinh tế phát đạt, luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống" – Chị Hà Thị Hoài, bản Mường (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn) bộc bạch.
Sau khi mọi thủ tục cúng bái hoàn thành, thắp hương xin lộc và cầu bình an xong, cả nhà gia chủ tổ chức ăn cơm, uống rượu và chuyện trò vui vẻ với người thân và bạn bè, hàng xóm.
Họ kể cho nhau những lời hay ý đẹp và chúc nhau năm mới phúc lộc đầy nhà. Người Mường quan niệm rằng, sau lễ giải hạn đón Tết năm mới những niềm vui, sức khoẻ, niềm may mắn trong cuộc sống sẽ đến với họ.
Tục giải hạn đón Tết âm lịch là một nghĩa cử cao đẹp, được đồng người Mường ven lòng hồ sông Đà tổ chức vào ngày 30 Tết hàng năm, đây là 1 bản sắc văn hoá độc đáo cần được gìn giữ và phát huy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.