Có cả Gia Cát Lượng và Bàng Thống, tại sao Lưu Bị vẫn không thể thống nhất Tam Quốc?
Có cả Gia Cát Lượng và Bàng Thống, tại sao Lưu Bị vẫn không thể thống nhất Tam Quốc?
Thứ sáu, ngày 27/11/2020 06:30 AM (GMT+7)
Lưu Bị ra đi khi mộng thống nhất Tam Quốc còn dang dở. Vì sao khi đã có trong tay 2 mưu sĩ xuất chúng là Ngọa Long và Phượng Sồ, Lưu Bị vẫn không thể thực hiện lý tưởng của mình?
Những người thích đọc Tam Quốc hẳn đều biết đến một câu nói: "Ngọa Long - Phượng Sồ, được một trong hai có thể dẹp yên thiên hạ."
Nhưng điều khiến người ta cảm thấy kỳ lạ là, hai anh tài hiếm có này đều về dưới trướng Lưu Bị, tại sao cuối cùng ông ta vẫn chỉ cát cứ được vùng Tây Nam?
Nếu nói Bàng Thống chết sớm, không đóng góp được gì nhiều còn có thể hiểu được, nhưng Khổng Minh cũng là người túc trí đa mưu, ông bày mưu tính kế đánh thắng được vô số trận chiến, hơn nữa ông còn tinh thông nguyên lý Kỳ Môn Độn giáp, có thể hô mưa gọi gió, tại sao cuối cùng vẫn không thể giúp Lưu Bị thống nhất Tam Quốc?
Thật ra điều này đều không thể trách Khổng Minh, chỉ vì bản thân Lưu Bị đã mắc phải hai sai lầm lớn.
Thiếu đề phong Lã Bố
Thời niên thiếu, cha mất sớm nên gia cảnh của Lưu Bị không được tốt, nhưng địa vị xã hội của nhà họ Lưu ở quận Trác lại khá cao.
Ông nội của Lưu Bị từng được đề cử làm Hiếu liêm, mà khi ấy chỉ có nhân tài của những thế gia đại tộc mới có cơ hội được đề cử làm quan, cho nên tuổi thơ của Lưu Bị tuy bần hàn, nhưng cũng có thể qua lại với những nhân vật thượng lưu.
Cũng nhờ đó nên vào năm 14 tuổi, Lưu Bị đã bái đại danh sĩ Lư Thực làm thầy, cũng coi như có học vấn.
Vậy mà Lưu Bị không thích đọc sách mà thích đi ăn, kết bạn với một đám hiệp sĩ thiếu niên. Vào thời buổi loạn lạc, việc thành lập được một quân đội cho mình quan trọng hơn việc đọc sách nhiều.
Năm 184, khởi nghĩa Khăn Vàng nổ ra, khi ấy Lưu Bị nhờ vào nhóm thuộc hạ thiếu niên này để gây dựng sự nghiệp. Tuy sau trận chiến chỉ có được một chức Huyện uý nho nhỏ, nhưng cũng coi như bước vào hoạn lộ.
Vậy nhưng con đường làm quan của ông lại không hề thuận lợi, sau vài phen lận đận, nhờ sự giúp đỡ của người bạn đồng môn là Công Tôn Toản mới có được một địa bàn nhỏ tại huyện Bình Nguyên. Từ khi đến Bình Nguyên, sự nghiệp của Lưu Bị bắt đầu có bước nhảy vọt đầu tiên.
Đầu tiên, danh tiếng của Lưu Bị lên nhanh nhờ cứu giúp Khổng Dung.
Về sau ông lại cứu Đào Khiêm, từ đó đổi lấy được sự báo đáp cực hậu. Trước khi qua đời, Đào Khiêm hạ lệnh cho mời Lưu Bị tới, phó thác toàn bộ Từ Châu cho ông. Sau vài phen giả vờ khước từ, Lưu Bị vẫn vui vẻ tiếp quản Từ Châu.
Cần biết rằng, Từ Châu khi ấy là một địa bàn vô cùng rộng lớn, Từ Châu ngày nay không thể nào sánh bằng, hơn nữa vùng này lại rất giàu có, dân cư đông đúc.
Nếu như Lưu Bị có thể giữ chặt được Từ châu, vậy thì bá nghiệp có thể thành công trước 30 năm. Đáng tiếc, lúc này ông đã mắc phải một sai lầm.
Năm 195, Lã Bố bại trận ở Duyện Châu, đã đến quy phục Lưu Bị.
Lưu Bị biết rõ kẻ này có tính tráo trở ăn vào trong máu, nhưng để thể hiện sự đại nghĩa của mình, ông vẫn thu nhận Lã Bố, không những để ông ta đóng quân tại huyện Bái, còn cung cấp tiền và lương thực cho ông ta.
Kết quả là khi Lưu Bị rời Từ Châu xuống phía Nam chống lại Viên Thuật, Lã Bố lại lợi dụng sơ hở, không chỉ cướp lấy Từ Châu mà còn bắt vợ của Lưu Bị làm tù binh.
Lưu Bị lại rơi vào cảnh không chốn nương thân thêm lần nữa, có một thời gian quân đội thiếu lương thực. Từ đó Lưu Bị bắt đầu kiếp sống lang bạt dài tới mười năm.
Ông lần lượt phải nương nhờ Tào Tháo, Viên Thiệu và Lưu Biểu, mãi chưa thể ổn định lại được.
Dùng Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu
Sai lầm thứ hai Lưu Bị mắc phải là dùng sai Quan Vũ vào việc trấn thủ Kinh Châu. Là bạn chiến đấu và huynh đệ mấy chục năm, theo lý mà nói thì Lưu Bị phải hiểu rõ tính tình của Quan Vũ.
Tuy Quan Vũ dũng mãnh vô địch nhưng lại có tính ngạo mạn, đối xử với cấp dưới không nể nang, lại không biết đoàn kết đồng minh.
Cuối cùng, Quan Vũ và Tôn Quyền trở mặt, Quan Vũ tự ý xuất binh tấn công Phàn Thành, cuối cùng bại trận bỏ mạng.
Mất đi Kinh Châu, chiến lược trong Long Trung đối sách cũng không thể thiết lập được, điều này cũng đã định trước việc cả đời Lưu Bị không thể mở mang thêm bờ cõi.
Nếu khi ấy Lưu Bị cử Triệu Vân đi trấn thủ Kinh Châu, với sự điềm tĩnh của Triệu Vân, hoàn toàn có thể gánh vác được nhiệm vụ. Cho dù không đánh bại được Tào Nguỵ, nhưng cũng không đến mức mất đi toàn bộ Kinh Châu. Nếu được như vậy, Thục Hán vẫn còn cơ hội để xuất binh theo hai đường. Nhưng Lưu Bị có phần dùng người theo cảm tính, ông coi Quan Vũ là thân tín, còn những tướng lĩnh khác đều không yên tâm.
Lời kết
Sức hấp dẫn của Lưu Bị quả thật rất mạnh, cũng nhờ đó mà ông thu hút được không ít nhân tài phò tá cho mình.
Nhưng do thời niên thiếu không chịu học hành nên khả năng mưu lược và khả năng nhìn người, dùng người của ông kém xa đối thủ lâu năm của mình là Tào Tháo.
Cho dù có một người phi phàm như Khổng Minh phò tá, nhưng hai sai lầm quá lớn mà Lưu Bị mắc phải chính là những cú đánh chí mạng đối với nhà Thục Hán.
Sau khi Lưu Bị chết, việc Gia Cát Lượng giữ được chính quyền Thục Hán đã vô cùng vất vả chứ đừng nói đến chuyện thống nhất Trung Nguyên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.