Vụ trả gấp đôi tiền nợ vẫn bị siết nhà: Có dấu hiệu vi phạm hình sự

Trí Viễn Thứ tư, ngày 03/07/2024 11:29 AM (GMT+7)
Luật sư cho biết, bà Hà không có quyền sở hữu hợp pháp đối với căn nhà, ép ông Tiến ra khỏi nhà được xem là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
Bình luận 0

Liên quan vụ ông Lại Ngọc Tiến (SN 1969, ngụ quận Bình Thạnh) vay của bà Phùng Thị Mỹ Hà (ngụ phường 13, quận Bình Thạnh) 1,4 tỷ đồng vào tháng 1/2022.

Sau khi nhận tiền, bà Hà yêu cầu vợ chồng ông Tiến viết giấy tay bán căn nhà đang ở tại số 379/52 Quang Trung, quận Gò Vấp với giá 2 tỷ đồng. Đồng thời, ông Tiến phải trả đủ tiền cho bà Hà trong thời hạn 4 tháng (1,4 tỷ tiền gốc và 600 triệu tiền lãi).

Sau nhiều lần, đến nay ông Tiến đã trả cho bà Hà 2,7 tỷ đồng nhưng vẫn bị bà này siết nhà. Luật sư Trương Văn Tuấn (Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TP.HCM) đã có những chia sẻ pháp lý về vụ việc này.

Có dấu hiệu cho vay nặng lãi

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Luật sư Trương Văn Tuấn cho biết, vay mượn giữa các cá nhân, tổ chức với nhau theo Bộ luật Dân sự là việc hình thành quan hệ hợp đồng vay tài sản và bản chất của việc giao kết hợp đồng là sự thỏa thuận.

Có dấu hiệu vi phạm hình sự vụ trả gấp đôi tiền nợ vẫn bị xiết nhà ở TP.HCM- Ảnh 1.

Ông Tiến trình bày khoản nợ của mình có dấu hiệu bị cho vay nặng lãi. Ảnh: Trí Viễn

Tuy nhiên, thỏa thuận này phải đáp ứng các điều kiện theo Luật định. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS 2015, mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được quá 20%/năm, tức 1,666%/tháng. 

Trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất kể trên thì sẽ bị xem là "Cho vay nặng lãi" theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP.

Bà Hà cho ông Tiến vay 1,4 tỷ đồng trong thời hạn 4 tháng với số tiền lãi 600 triệu đồng. Như vậy, ông Tiến phải đóng 150 triệu đồng/tháng, tương đương với mức lãi suất 10,7%/tháng hay 128,5%/năm.

Do đó, bà Hà đang có dấu hiệu "Cho vay lãi nặng". Tuy nhiên, việc có đặt ra quan hệ hình sự trong trường hợp này hay không còn cần phải phụ thuộc vào khoản thu bất chính mà bà Hà có được.

Đối với giao dịch mua bán nhà, tuy các bên đã ký giấy tay, nhưng bản chất đây chỉ là hợp đồng giả cách, nhằm đảm bảo cho giao dịch cho vay giữa các bên. Từ đó, không được xem là một giao dịch dân sự đảm bảo tính hợp pháp theo luật định.

Mặt khác, việc các bên chỉ mới ký giấy tay với nhau cũng không được xem là thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu đất theo Luật Nhà ở và Luật Đất đai hiện hành. Do đó, quyền sở hữu hợp pháp của căn nhà vẫn thuộc về ông Tiến.

Như vậy, việc bà Hà – người không có quyền sở hữu hợp pháp đối với căn nhà kể trên, đuổi ông Tiến ra khỏi nhà được xem là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013.

Xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự

Theo Luật sư Trương Văn Tuấn, quy định của pháp luật hiện hành, hành vi cho vay lãi nặng lẫn hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác đều sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Có dấu hiệu vi phạm hình sự vụ trả gấp đôi tiền nợ vẫn bị xiết nhà ở TP.HCM- Ảnh 3.

Ông Tiến nói trong quá trình đòi lại căn nhà ông nhiều lần bị chủ nợ đe dọa, dọa giết. Ảnh: Trí Viễn

Cụ thể, đối với hành vi cho vay lãi nặng, người có hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại điểm d, đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, người vi phạm còn buộc phải nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính có được thông qua hành vi này.

Về chế tài hình sự, Người phạm tội có thể bị xử lý về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" theo quy định tại Điều 201 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, trường hợp cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ Luật Dân sự, tùy giá trị tài sản thu lợi bất chính hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích thì có thể bị phạt tiền thấp nhất là 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt đến 3 năm tù giam.

Đối với hành vi xâm phạm nhà ở trái phép, trường hợp người vi phạm thực hiện với mục đích để đòi nợ thì có thể bị phạt tiền 20 - 40 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Theo Luật sư Tuấn, để có thể chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật của bà Hà, ông Tiến cần trình báo đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Cụ thể, đối với hành vi xâm phạm chỗ ở, ông Tiến cần liên hệ ngay với cơ quan công an khu vực để được xem xét, giải quyết một cách nhanh chóng, dứt điểm.

Song song đó, ông cũng có quyền khởi kiện ra cơ quan tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm bất hợp pháp kể trên.

Đối với hành vi cho vay lãi nặng, ông Tiến cũng có quyền nộp đơn khởi kiện tại cơ quan tòa án có thẩm quyền để được tính mức lãi suất tối đa theo quy định của pháp luật, phần tiền lãi vượt quá mức quy định sẽ được khấu trừ vào khoản nợ gốc mà ông đã vay. Ngoài ra, ông Tiến còn có quyền nộp đơn tố giác tội phạm tại cơ quan công an để được xem xét, giải quyết về hành vi cho vay lãi nặng của bà Hà.

Liên quan vụ việc trên, ngày 19/6, DV đã có bài "Vay tiền với lãi suất cao, trả gấp đôi tiền nợ, người đàn ông vẫn phải cầu cứu vì bị siết nhà", https://danviet.vn/nguoi-dan-ong-o-tphcm-cau-cuu-vi-bi-chu-no-doa-giet-xiet-nha-20240619093108157.htm

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem