Có dễ sống chung với nhãn hàng riêng?

Thứ bảy, ngày 19/09/2020 09:24 AM (GMT+7)
Với nhãn hàng riêng (NHR) của các nhà bán lẻ thật dễ thấy người tiêu dùng được lợi. Tuy nhiên, với các nhà sản xuất, tùy vị thế của mình phải có đối sách để tồn tại.
Bình luận 0

"Hơn 10 năm nay tôi sử dụng các sản phẩm NHR của Sài Gòn Co.op như gạo, dầu ăn, giấy vệ sinh, bột giặt, thực phẩm tươi sống, đông lạnh... Gần đây, những NHR của Co.op rẻ hơn, bao bì đẹp hơn… Đặc biệt, những NHR luôn có chương trình khuyến mãi", bà Hằng đang mua sắm tại Co.op mart Phú Lâm (Q.6) nói như vậy.

Có nhiều ưu thế

NHR là các mặt hàng được bán dưới thương hiệu của các nhà bán lẻ lớn như Co.op, Vinmart, BigC, Bách Hóa Xanh... Số lượng HNR tại các siêu thị ngày càng nhiều hơn, từ bình dân đến cao cấp.

Hiện hệ thống Sài Gòn Co.op có hàng trăm NHR ở ba phân khúc chính: Tiết kiệm - Happy, Phổ thông - Select và Cao cấp - Finest. Vimart cũng không kém cạnh khi có gần chục nhóm NHR: VinEco (rau, củ, quả công nghệ cao), VinMart Home (bông vải sợi và hóa mỹ phẩm), VinMart Care (mỹ phẩm chăm sóc cơ thể), VinMart Cook, VinMart Good…

Nói về lợi thế, NHR chẳng khác gì đứa "con riêng" được cưng chiều của nhà bán lẻ vì được "ưu tiên" đủ thứ. Có thể dễ dàng nhận thấy, nhà bán lẻ luôn dành những nơi tốt nhất, dễ nhìn nhất như đầu quầy, đầu kệ, không gian… cho NHR của mình. 

Dạo một vòng trong Co.op, hàng loạt sản phẩm NHR như gạo, thực phẩm đóng gói, dầu ăn, bột giặt, nước lau sàn, nước rửa chén… mang tên Happy, Select được trưng bày ở lối vào và đầu các quầy kệ với những logo, bảng giá nổi bật. 

"Trước đây tôi không để ý lắm đến HNR vì cứ tìm mua hàng của nhà sản xuất chuyên biệt. Nhưng bây giờ, hầu hết trên các kệ hàng đều có 3-4 loại NHR được trưng bày bắt mắt và thu hút nên mua sử dụng", bà Lan (Q.12) vừa chỉ các sản phẩm NHR tại Co.op Phan Văn Trị vừa cho biết.

Không chỉ có vị trí "hot", NHR còn được hưởng lợi từ việc có đầy đủ thông tin về thị hiếu, nhu cầu, xu hướng mua sắm của khách hàng nên HNR cải tiến liên tục về chất lượng, giá cả... Khảo sát tại nhiều hệ thống bán lẻ, NHR luôn có giá thấp hơn sản phẩm cùng loại từ 5% - 30% vì không tốn chi phí quảng cáo, phân phối, tiếp thị, hoa hồng…

Vừa hướng dẫn khách mua các sản phẩm NHR tại Co.op Phan Văn Trị, bà Hằng vừa giải thích: "Đường tinh luyện Select 1kg có giá 18.500đ, trong khi sản phẩm tương đương có giá 23.000đ. Nước xả hương thảo mộc Coop Select túi 1.8L có giá 59.500đ, sản phẩm tương tự giá 79.000đ. Bột ngũ cốc nguyên cám Coop Select 400g có giá 51.500đ trong khi hãng khác là 75.000đ…".

Có dễ sống chung với nhãn hàng riêng - Ảnh 1.

Khách chọn nhãn hàng riêng vì giá rẻ hơn. Ảnh: Ban Nguyễn.

Nhiều khách hàng nói rằng, trước còn e dè khi mua HNR vì nghĩ hàng hóa của những nhà sản xuất riêng biệt vẫn hơn. "Nhưng xem kỹ mới biết, nhà bán lẻ không trực tiếp sản xuất mà đặt hàng gia công tại các doanh nghiệp có tên tuổi. Khi dùng mới biết chất lượng chẳng thua kém gì sản phẩm cùng loại", bà Lan trả lời.

Bà Phụng (Q.Phú Nhuận) tin dùng sản phẩm rau củ và thực phẩm tươi sống trong Vinmart. Đồng thời, bà sử dụng các loại giấy, khăn ướt và túi tự hủy Vinmart Home. "Không bàn về giá cả vì NHR luôn có giá tốt, mà chất lượng sản phẩm chấp nhận được", bà Phụng tỏ vẻ hài lòng.

Chấp nhận sống chung!

Nhà bán lẻ càng bình ổn giá, càng được khách hàng ủng hộ, nhất là khách hàng phổ thông. Vì vậy, việc phát triển NHR là nhu cầu tất yếu của nhiều nhà bán lẻ, khi đã có thương hiệu, có mạng lưới, có khách hàng đủ lớn và có vị thế trên thị trường. Một nhân viên bán hàng của Sài Gòn Co.op cho biết, việc gia tăng các NHR là thêm sự lựa chọn và đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của khách.

Theo tìm hiểu của Thế giới Tiếp thị, hầu hết các nhà sản xuất gia công sản phẩm NHR cho các siêu thị là những thương hiệu có uy tín và năng lực sản xuất. Làm hàng cho HNR Sài Gòn Co.op là các công ty: Thực vật Cái Lân, Vinamit, Lix, Thủy sản An Giang… Đối với hàng thực phẩm tươi sống, các nhà bán lẻ chọn các HTX có trang trại được quy hoạch chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản, đóng gói, vận chuyển đạt tiêu chuẩn chất lượng cao… 

Có dễ sống chung với nhãn hàng riêng - Ảnh 2.

Việc phát triển NHR của nhà bán lẻ liệu có làm ảnh hưởng đến sản phẩm của các doanh nghiệp khác.

Theo ông Nông Văn Dũng, Giám đốc bán lẻ và phát triển thị trường của Bách Hóa Xanh, hiện nhà bán lẻ này đang thử nghiệm mô hình sản xuất rau sạch riêng để bán cho khách hàng. 

Tuy nhiên, việc phát triển NHR của nhà bán lẻ với rất nhiều lợi thế như trên sẽ làm sản phẩm của các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng. Ông N.H, giám đốc một doanh nghiệp chế biến thực phẩm có nhà xưởng tại Q.12 (TP.HCM) nói: "Sợ nhất là bán những mặt hàng mà siêu thị có NHR vì dễ bị ép giá, làm khó đủ điều". 

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc The Pathfinder chuyên về tiếp thị và tư vấn thương hiệu nhận xét: "NHR là mối đe dọa đối với các nhà sản xuất, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, chưa khẳng định được thương hiệu". Theo ông Tuấn, có rất nhiều cách để vượt qua mối đe dọa này vì chỉ có nhà sản xuất mới vẫn nắm nhiều lợi thế trong lĩnh vực. 

"Nhà sản xuất phải hiểu rõ về NHR, chấp nhận như một xu hướng tất yếu và chủ động đối phó. Muốn vào được các kênh bán lẻ hiện nay, nhà sản xuất phải chấp nhận lời ít. Cách khôn ngoan hơn, tìm những nhà bán lẻ khác chưa có NHR".

Bà M.H, quản lý nhãn hàng hóa mỹ phẩm của một thương hiệu lớn tại Việt Nam chia sẻ: "Dù phải cạnh tranh với NHR nhưng không đáng lo ngại vì mỗi ngành hàng có khách hàng riêng. Cũng từ hiện tượng NHR, nhà sản xuất hàng hóa phải liên tục cải tiến, chất lượng, bổ sung tính năng mới cho sản phẩm để hấp dẫn người tiêu dùng. Càng cạnh tranh, thị trường càng phát triển và tạo ra sản phẩm ưu việt, tiên tiến hơn".

Nhiều nhà sản xuất cho biết, chấp nhận sống chung với NHR. Còn nhà bán lẻ vẫn hồn nhiên với những mặt hàng NHR. Trước mắt là hòa bình…

 

Thế giới tiếp thị ( )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem