Tháng 7 đến, trong khi hàng trăm sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam cùng nhau tham gia chiến dịch mùa hè xanh, cống hiến sức trẻ tại những vùng quê khó khăn trên dải đất hình chữ S thì có một cô gái, không bạn đồng hành, một mình vượt nửa vòng trái đất trở về Việt Nam thực hiện chiến dịch Mùa hè xanh.
Cô gái ấy là Phan Quỳnh Như (đang định cư ở Mỹ), hiện là sinh viên năm 2 trường The College of William and Mary, một trong 6 trường ĐH công lập hàng đầu nước Mỹ.
22 triệu đồng cho chiến dịch Mùa hè xanh tại quê hương
Kết thúc năm hai tại trường ĐH The College of William and Mary, Phan Quỳnh Như viết đơn xin tài trợ cho dự án "Mùa hè xanh" của mình từ quỹ "Vì Cộng Đồng" với mong muốn thực hiện một kế hoạch hè thật ý nghĩa ở tuổi 24.
Phan Quỳnh Như, cô gái trẻ vượt nửa vòng trái đất làm tình nguyện
Như chia sẻ: "Quỹ "Vì Cộng Đồng” của trường mình cũng tương tự như chương trình Mùa hè xanh ở Việt Nam, ra đời mục đích khuyến khích sinh viên tham gia vào các hoạt động giúp địa phương phát triển. Những chương trình tình nguyện ở Mỹ thường do cá nhân hoặc một nhóm sinh viên đề xuất triển khai, không phải do nhà trường đứng ra tổ chức vì thế, để có thể hoạt động các sinh viên phải tự đi xin tài trợ. Mà muốn làm được việc đó, sinh viên phải chứng tỏ mình có sự chuẩn bị vững vàng, đủ kiến thức và kỹ năng để hoàn tất dự án mình đặt ra".
Theo đuổi lĩnh vực giáo dục, ngay từ khi vào trường, Như không ngừng tham gia các hoạt động cộng đồng hướng đến giáo dục như: thực tập tại trung tâm Headstart - trường mẫu giáo công lập dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trợ giảng lớp Khảo Cổ học dành cho các em thiếu nhi có thành tích học tập xuất sắc...
“Chính đam mê và những hoạt động ngoài giờ của mình đã thuyết phục thành công phòng Công tác Cộng đồng, để họ tin tưởng và trích quỹ cho mình 22 triệu đồng làm tình nguyện mùa hè", Hương chia sẻ.
Dự án "Mùa hè xanh" mà Phan Quỳnh Như trình lên nhà trường là một dự án liên quan đến đất nước Việt Nam. Phan Quỳnh Như chia sẻ: "Ngay khi có ý định nộp đơn xin tiền tài trợ về Việt Nam làm tình nguyện, mình đã đăng tin tìm hoạt động phù hợp. Một người bạn đã giới thiệu mình đến làng Tả Phìn (Lào Cai) dạy ngoại ngữ. Người dân ở đây muốn được làm du lịch để cuộc sống khấm khá hơn, mà muốn phát triển mảng đó thì cần có ngoại ngữ, ít nhất là có thể nói vài câu đơn giản chào hàng khách. Vì thế, mình đã quyết định về đó dạy tiếng Anh và đặt tên cho dự án là “Dạy Tiếng Anh và Kỹ năng Giao tiếp Liên Văn hóa tại làng Tả Phìn", Quỳnh Như chia sẻ.
Từ chối lời mời của Bộ giáo dục Hoa Kỳ để làm tình nguyện
Khi biết tin dự án của mình được đài thọ, Phan Quỳnh Như đang thực tập tại Bộ giáo dục Hoa Kỳ - nơi cô gái trẻ đã rất khó khăn để xin vào. Như phải vượt ba vòng tuyển chọn khắt khe mới được chọn làm việc trong bộ phận Hỗ trợ Tài Chính tại Bộ Giáo dục Hoa Kỳ.
Quỳnh Như đọc lời thề khi bắt đầu vào làm việc tại Bộ Giáo dục Hoa Kỳ
Trong suốt sáu tuần thực tập tại đây, Quỳnh Như đã có cơ hội thể hiện bản thân, chứng minh năng lực và các kỹ năng của mình trong việc hoàn thành các dự án được giao. Thậm chí cô bạn còn "đẩy" sếp mình vào tình thế liên tục phải nghĩ việc cho nhân viên làm.
Vì dự án dạy học tại Việt Nam nên Như phải kết thúc sớm đợt thực tập. Cuối tuần làm việc thứ 5, Như được giám đốc bộ phận trực tiếp ngỏ lời mời làm việc từ xa trong năm học hoặc quay trở lại thực tập tiếp mùa hè năm sau.
Như chia sẻ: "Cô Katharine Leavitt (Giám đốc bộ phận Hỗ trợ tài chính) muốn chuyển mình thành nhân viên bán thời gian, làm việc lâu dài cho đến khi mình ra trường".
Có cơ hội làm việc tại cơ quan uy tín trên đất Mỹ ngay khi còn đi học nhưng Như đã từ chối để có thời gian làm tình nguyện. "Mình muốn được khám phá và trải nghiệm thật nhiều môi trường và hoạt động khác liên quan đến giáo dục, ngoài việc cố gắng học tập thật tốt như nghiên cứu khoa học, thực tập tại Sở Giáo dục Bang Virginia, làm việc tại Trung tâm Hướng nghiệp Cohen của trường, giúp đỡ tân sinh viên làm quen với môi trường mới và trên hết là tiếp tục dạy kèm, dạy học… Hơn bao giờ hết, lúc đó mình sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có thể toàn tâm toàn ý về nước làm tình nguyện”, Như chia sẻ.
Ngay khi kết thúc thực tập, Quỳnh Như lên máy bay về Việt Nam thực hiện dự án nhỏ của mình tại quê hương.
Ươm mầm xanh cho đất nước
Đầu tháng 7, Như một mình về Việt Nam để thực hiện dự án. Những ngày đầu, cô phải đối mặt với không ít khó khăn như: phòng học không bàn, không quạt, không máy chiếu, học trò không sách, không vở, không bút viết... Trước gần 150 người đăng ký, Như không biết xoay sở thế nào, nhưng tinh thần ham học của người miền núi khiến Như có thêm động lực.
Những học sinh nhí của Quỳnh Như đang tập phát âm tiếng Anh
Một ngày Như dạy 3 lớp, mỗi lớp kéo dài hơn 1 tiếng rưỡi, liên tục từ 4h chiều đến 9h tối. Như tự nghiên cứu và xây dựng giáo án phù hợp với từng lớp được sắp xếp theo độ tuổi: một lớp dành cho các em thiếu nhi, một lớp dành cho các em trong độ tuổi từ 12 đến 18, và một lớp dành cho người đã trưởng thành. Cả ba lớp đều rất đông, lớp ít nhất có 35 học sinh, lớp đông nhất lên đến 70.
Quỳnh Như chia sẻ: "Dạy tiếng Anh ở đây mình cũng học được nhiều lắm. Công việc giảng dạy tưởng chừng đơn giản nhưng hóa ra đầy gian truân. Mình chưa từng được đào tạo về cách quản lý lớp và kỷ luật học sinh đúng đắn, khó tránh khỏi nhiều giây phút bối rối. Chính mong muốn được mang đến cho học sinh những bài học thú vị đã giúp mình không nản lòng”.
"Phần lớn thời gian ở lớp, mình giúp học trò mở rộng vốn từ ngữ về thức ăn, thời tiết, cảm xúc, thời gian, công việc hằng ngày, các bộ phận cơ thể và hướng dẫn đường xá… Tất nhiên, mình cũng dạy học trò học những mẫu câu thông dụng nữa. Để giúp học trò thêm nhớ bài, mình tổ chức nhiều trò chơi vui nhộn, các em hưởng ứng rất nhiệt tình”, Như hồ hởi kể lại.
Với Như, thành quả lớn nhất trong chuyến tình nguyện này không phải là việc các em nhỏ nói thông thạo tiếng Anh mà là các em ấy nhận ra sức mạnh trí tuệ của mình. Chỉ cần các em nhỏ không bỏ cuộc thì chắc chắn có thể sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.