Ngô Thu Hương (sinh năm 1993, tân cử nhân trường Đại học Wesleyan, Mỹ) có vóc người nhỏ nhắn và nụ cười rạng rỡ như “mùa thu tỏa nắng”. Hương nhanh nhẹn, hoạt bát, trò chuyện về bất cứ chủ đề nào cũng rất hăng hái, say mê. Có lẽ, chính bởi sở hữu nguồn năng lượng dồi dào và sự năng động đó mà Hương rất được bạn bè quốc tế nể phục.
Cô gái của những cái “nhất”
Thu Hương vốn là học sinh chuyên Sinh của trường THPT Amsterdam (Hà Nội). Cô nàng được bố định hướng cho đi du học từ nhỏ nên khi bước sang lớp 12, cô đã bắt đầu chọn trường và chuẩn bị hồ sơ.
Ngô Thu Hương trong lễ tốt nghiệp
Hương chia sẻ: “Mục tiêu ban đầu của mình là đi Úc nhưng sau này, nghe thầy cô và người thân khuyên đi Mỹ, mình lại “rung rinh”. Cuối cùng, mình quyết định đi Mỹ. Vì thay đổi mục tiêu gấp như vậy nên mình chỉ có 4 tháng chuẩn bị hồ sơ. Đó là quãng thời gian căng thẳng bởi mình phải làm tất cả mọi việc từ ôn thi SAT (là một kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số trường đại học tại Mỹ), tìm hiểu môi trường học tập đến việc chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống xa nhà nửa vòng trái đất”.
Hương quyết định chọn trường đại học Wesleyan và nhận được học bổng toàn phần cho cả 4 năm học. Đây được gọi là “trường một giới” vì hơn 700 sinh viên trong trường là nữ và lớp Hương không có bất cứ một nam sinh viên nào.
Với Hương, điều thú vị nhất ở ngôi trường này là sinh viên có hơn 1 năm thử sức với nhiều môn học ở nhiều lĩnh vực khác nhau, sau đó mới chọn ngành nghề phù hợp. Đó là cơ hội cho mọi người tìm thấy niềm đam mê của mình.
“Mình thấy các bạn trẻ ở Việt Nam phải trưởng thành sớm quá, vừa kết thúc cấp ba đã phải chọn ngành, nghề, rồi có khi học mấy năm đại học lại thấy không hợp, nhưng lúc đó cũng khó có thể quay lại. Mình may mắn vì có cơ hội được trải nghiệm qua nhiều môn học, lĩnh vực rồi mới chọn thứ mình yêu thích nhất”, Hương chia sẻ.
Và thật lạ, một học sinh chuyên Sinh như Hương lại quyết định chọn ngành kiểm toán. Hương gọi kiểm toán là “ngôn ngữ” của ngành kinh tế. Cô bạn thích nó bởi, nó luôn rành mạch, tường tận, mọi thứ đều khoa học và logic với nhau.
Với phương châm “mọi thứ đều ở vạch xuất phát”, Hương không ngừng học hỏi. Cái tên Ngô Thu Hương được nhiều giáo sư và bạn bè quốc tế biết đến vì luôn nằm trong danh sách 10% sinh viên có kết quả học tập cao nhất trường.
Hương tốt nghiệp trường Wesleyan với số điểm trung bình tuyệt đối 4.0
Suốt 8 kỳ học liên tiếp, Hương đều được trao chứng nhận President’s Scholar (dành cho 5% sinh viên xuất sắc nhất trường). Cô bạn còn nhận được học bổng Gilbert and Beverly Held 2012 – 2013 dành cho 3 sinh viên có thành tích xuất sắc nhất trong ngành Toán học của Đại học Wesleyan; Giải thưởng Thành tựu năm 2014 trao cho 50 sinh viên có thành tích xuất sắc và cống hiến trong học tập, lãnh đạo toàn nước Mỹ…
Sau 4 năm học tập, rèn luyện, Hương tốt nghiệp trường Đại học Wesleyan với số điểm trung bình tuyệt đối 4.0/4.0 (tức là tất cả các môn học đều đạt điểm A – PV). “Chính mình cũng bất ngờ với kết quả này, bởi, trong quá trình học mình chưa từng đặt nặng chuyện điểm số. Có lẽ, cách chấm điểm của các giáo sư ở đây dựa trên sự nỗ lực, am hiểu của sinh viên thể hiện trong suốt quá trình chứ không chỉ đánh giá qua một bài thi”, Hương cho biết.
Trong quá trình học tại trường, Hương tham giá rất nhiều hoạt động ngoại khóa. Đầu năm 2014, Hương trở thành chủ tịch câu lạc bộ (CLB) Kế toán của trường Wesleyan với vai trò điều hành và lên ý tưởng làm phong phú hoạt động của CLB.
Trong thời gian đó, Hương và nhóm bạn tham dự cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng kinh doanh” của bang Georgia (một bang lớn của nước Mỹ). Sau một tháng đầu tư cho kế hoạch kinh doanh, nhóm của Hương đã giành giải Nhất cuộc thi với trị giá giải thưởng lên đến 10.000 USD.
“Điều khiến mình vui nhất không phải là giá trị giải thưởng mà là kế hoạch kinh doanh chúng mình làm được. Nó hoàn toàn thực tế và có tính khả thi, nếu có tiền đầu tư là có thể triển khai ngay được. Chúng mình còn lên cả kế hoạch phát triển cho nó trong 5 - 10 năm sau đó, cùng các giải pháp xử lý khủng hoảng chu đáo”, Hương hăng say kể về thành công đầu đời.
Bên cạnh đó, cô gái Việt còn tham gia CLB học sinh quốc tế, làm “kỹ sư công nghệ thông tin” cho trường. Bất cứ bạn nào gặp vấn đề rắc rối về máy tính đều gọi cho Hương. “Tất nhiên là mình được nhà trường bồi dưỡng cho việc "chạy sô" đó”, Hương cười.
Cuộc sống xa nhà đến nửa vòng trái đất của một du học sinh chưa bao giờ dễ dàng. Động lực lớn nhất của cô gái trẻ là sự đoàn kết, động viên của các giáo sư và bạn bè quốc tế. Cho đến giờ Hương vẫn nhớ về khoảnh khắc tốt nghiệp, lúc sắp phải rời khỏi trường.
“Trước ngày trao bằng, trường mình có tổ chức một buổi trò chuyện thân mật vào buổi tối. Các giáo sư và cựu sinh viên của trường đến nói chuyện, cho chúng mình lời khuyên về định hướng phát triển trong tương lai. Không gian đó ấm áp như một gia đình chứ không phải là trường đại học quốc tế với đủ các thành phần sinh viên”. - Hương cho biết.
Được 1 trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới mời làm việc
Việc được mời về làm việc cho công ty kiểm toán hàng đầu thế giới với một sinh viên mới ra trường không phải là điều dễ dàng. Để có được “tấm vé” đó, Ngô Thu Hương đã phải có cả quá trình “săn” và “đón” cơ hội.
Thu Hương (bên trái) hạnh phúc khi được nhận vào làm việc tại một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới
Trong suốt 4 năm đại học, Hương từng xin đi thực tập ở rất nhiều nơi, từ phòng kinh doanh của trường, cục Thuế Vụ bang Georgia cho đến công ty kiểm toán Deloitte (1 trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới).
Hương nhớ lại lần xin thực tập tại bộ phận Kinh doanh của trường Weslayan, khi đó trường chỉ chọn 1- 2 sinh viên thực tập, mà Hương thì còn quá trẻ và non kinh nghiệm nên chưa được nhận. Nhưng Hương không từ bỏ, cô bạn bằng mọi cách xin vào đó làm “chân sai vặt”, làm đủ các việc từ xé giấy, photo, đánh máy cho đến quét dọn…
“Lúc đó, mình không quan trọng đâu là việc lớn, việc nhỏ, chỉ cần được ở cạnh các thầy cô, xem cách họ làm việc, rồi khi họ rảnh có thể hỏi và trao đổi một số vấn đề thắc mắc. Quãng thời gian đó đã đem lại cho mình nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá”.
Năm thứ 4 đại học, Hương có ý định xin thực tập lại một công ty nhỏ để học hỏi kinh nghiệm nhưng một người chị thân thiết cùng trường đã gợi ý về công ty kiểm toán Deloitte. Hương giật mình vì “cánh cổng” đó quá cao, sợ bản thân không thể với tới. Nhưng sau đó, Hương nhận ra, công việc càng khó khăn thì cơ hội càng lớn nên quyết định thử sức.
Cô gái trẻ bắt đầu bằng việc gửi CV và viết một bức thư “lâm li”, thể hiện sự chân thành muốn được vào đó thực tập. Vượt qua vòng hồ sơ, Hương phải “chiến đấu” tiếp với hàng loạt vòng phỏng vấn của nhân sự, người quản lý và giám đốc công ty…
“Mình nhớ nhất vòng phỏng vấn cuối cùng. Hôm đó, mình được nhân sự công ty mời đi ăn tại một nhà hàng sang trọng, sau đó cho ngủ tại khách sạn 5 sao, một khách sạn lớn và tiện nghi mình chưa từng thấy. Sáng hôm sau, mình được đi trên một con đường lung linh xuyên từ khách sạn sang công ty, một cảm giác thật tuyệt vời. Mình chưa từng nghĩ trên đời lại có kiểu phỏng vấn lạ kỳ đó. Sau này mới biết đó là cách họ kiểm tra lời ăn, tiếng nói và phong thái của người xin việc”.
Hai ngày sau, Hương được giám đốc công ty trực tiếp gọi điện thông báo trúng tuyển. Kết thúc thời gian thực tập, bằng sự nhanh nhẹn, hoạt bát, Hương chính thức được mời ở lại làm việc cho công ty.
“Lúc nhận được lời mời ở lại làm việc, mình chỉ có duy nhất một suy nghĩ: mình đã lớn rồi. Cuối cùng, sau 4 năm xoay sở, vùng vẫy mình cũng đã lớn, đã có thể làm chủ cuộc sống”, Hương tâm sự.
Tháng 8 tới đây, Hương tiếp tục bay sang Mỹ học 1 năm cao học, thi chứng chỉ CPA (chứng chỉ ngành kiểm toán) rồi chính thức làm việc tại Deloitte vào mùa thu năm 2016.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.