Cô giáo dạy Văn chỉ ra những điều cần nhớ trong bài thi lớp 10 để đạt điểm cao chót vót

Tào Nga Thứ bảy, ngày 01/06/2024 13:00 PM (GMT+7)
Dưới đây là một số chia sẻ của giáo viên dạy môn Văn dành cho học sinh lớp 9 trong giai đoạn nước rút ôn thi vào lớp 10 THPT.
Bình luận 0

Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Đỗ Thị Linh, giáo viên Văn, tổ trưởng chuyên môn Trường THCS Bế Văn Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội, đã có những chia sẻ và lưu ý với học sinh trong giai đoạn nước rút trước kỳ thi vào lớp 10 quan trọng sắp tới. Cô Linh có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ văn khối 9 và ôn cho học sinh thi vào THPT đạt kết quả cao.

Theo cô Linh: "Kỳ thi vào THPT vẫn có sức nóng rất lớn, học sinh có nhiều áp lực khi bước vào kỳ thi này. Tuy nhiên, đây là năm cuối cùng các con học và thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 nên học sinh cũng khá quen thuộc với cấu trúc đề thi. Đề thi minh họa trước đó do Sở GDĐT Hà Nội công bố cũng bám sát chương trình, câu hỏi sáng rõ, không đánh đố và có tính chất phân loại".

Cô giáo dạy Văn chỉ ra những điều cần nhớ trong bài thi lớp 10 để đạt điểm cao chót vót- Ảnh 1.

Cô Linh có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ văn khối 9 và ôn cho học sinh thi vào THPT đạt kết quả cao. Ảnh: NVCC

Những nội dung cần nhớ khi ôn thi vào lớp 10

Cô Linh cho biết, học sinh cần nhớ những nội dung sau đây:

- Cần nắm vững chủ đề tư tưởng, giá trị nội dung và nghệ thuật của các văn bản là cốt lõi. Đồng thời học sinh cũng cần nhớ các thông tin về tác phẩm, bao gồm: Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, chủ đề, mạch cảm xúc, tình huống truyện, ý nghĩa nhan đề, ngôi kể và tác dụng của ngôi kể…

- Câu hỏi mở rộng, liên hệ tác phẩm cùng chủ đề, cùng thời kỳ, cùng thể loại, cùng hình ảnh…

- Kỹ năng đọc hiểu và trả lời các câu hỏi đọc hiểu từ các văn bản.

- Kỹ năng tạo lập văn bản (viết đoạn nghị luận văn học, đoạn văn nghị luận xã hội).

Những lỗi học sinh hay mắc phải cần tránh khi làm bài thi lớp 10

Kỹ năng đọc đề, phân tích đề chưa tốt: Các em hay đọc đề ẩu, cẩu thả dẫn đến những sai sót, nhầm lẫn và mất điểm đáng tiếc.

Kỹ năng viết đoạn:

- Đoạn nghị luận văn học:

+ Xác định sai phạm vi yêu cầu của đề.

+ Quên không lồng ghép nghệ thuật, chỉ thiên về cảm nhận nội dung.

+ Sai hình thức đoạn văn

+ Bỏ yêu cầu Tiếng Việt hoặc có làm nhưng quên không chú thích theo yêu cầu.

- Đoạn nghị luận xã hội:

+ Chưa xác định được đúng, trúng trọng tâm của đề nên các bước làm lan man, không giải quyết đúng, trúng yêu cầu của đề.

+ Chưa đảm bảo các bước của dạng bài nghị luận về vấn đề tư tưởng đạo lý hoặc nghị luận về sự việc, hiện tượng đời sống.

+ Chưa phân bố thời gian hợp lý trong quá trình làm bài.

+ Không đọc và kiểm tra lại bài trước khi nộp bài.

Cô giáo dạy Văn chỉ ra những điều cần nhớ trong bài thi lớp 10 để đạt điểm cao chót vót- Ảnh 2.

Cô Đỗ Thị Linh, hiện là giáo viên Văn, tổ trưởng chuyên môn Trường THCS Bế Văn Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Những điều cần chuẩn bị trong giai đoạn ôn luyện nước rút, khi bước vào phòng thi và ngày thi

Giai đoạn ôn luyện nước rút

- Nên nhớ nguyên tắc của môn Văn là "mưa dầm thấm lâu". Các em hãy dùng tốt quỹ thời gian còn lại đề ôn kỹ, nắm chắc bài giảng của các thầy cô dạy, tránh tình trạng học bài sơ sơ, biết qua loa, đại khái…

- Làm mới quá trình ôn tập bằng nhiều cách khác nhau: học nhẩm, học viết ra giấy, học bằng cách vẽ sơ đồ tư duy, luyện tập các dạng đề…

- Chia nhỏ nội dung bài học thành các nhiệm vụ và ôn trong các khoảng thời gian trong ngày…

Vào phòng thi các em cần nhớ:

Trước khi làm bài:

- Lúc nhận đề:

+ Chuẩn bị một tâm thế thật bình tĩnh, không lo lắng hồi hộp quá, cũng không chủ quan.

+ Đọc lướt đề để nắm được tổng quát đề và chuẩn bị tâm thế.

+ Đọc kĩ đề, gạch chân những từ ngữ quan trọng.

+ Phân tích đề để:

Định lượng kiến thức (bao nhiêu ý) Xác định phạm vi của đề ở đâu? Xác định trọng tâm của đề hỏi cái gì?

- Sử dụng nháp để ghi nhanh các ý cơ bản (nhất là các bài viết đoạn).

Khi làm bài thi Văn vào lớp 10:

- Trình bày sạch đẹp, rõ ràng, bài viết thoáng, dễ nhìn.

- Cân đối thời gian làm bài hợp lý.

- Lần lượt làm tuần tự các câu; hoặc chọn câu dễ, câu cơ bản làm trước đều được.

- Với các câu hỏi đọc hiểu cần bám sát ngữ liệu, huy động sự phân tích tổng hợp để trả lời.

- Với câu nghị luận văn học cần đảm bảo:

+ Triển khai đúng nội dung yêu cầu của đề.

+ Đúng hình thức đoạn văn.

+ Xác định đúng yêu cầu Tiếng Việt.

+ Diễn đạt mạch lạc, trôi chảy, có chất văn; biết liên hệ mở rộng một cách phù hợp thì càng tốt.

- Với nghị luận xã hội biết mở và kết đúng định hướng của đề; Phần triểu khai đảm bảo đúng các bước của dạng bài nghị luận về vấn đề tư tưởng đạo lý hay về sự việc, hiện tượng đời sống; biết lập luận thuyết phục…

Khi làm bài xong, các em phải dành thời gian để đọc lại và kiểm tra, đối chiếu với đề; thậm chí đọc lại cả nháp để tránh trường hợp bỏ sót câu, ý.

Chúc các em ôn và làm bài thi vào lớp 10 thật tốt!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem