Cô giáo kể chuyện trưởng thành từ bài tập làm văn đầu tiên: "Một điều nhịn, chín điều lành"
Cô giáo kể chuyện trưởng thành từ bài tập làm văn đầu tiên: "Một điều nhịn, chín điều lành"
Tào Nga
Thứ tư, ngày 16/11/2022 09:16 AM (GMT+7)
"Bài văn đó, lần đầu tiên tôi viết 8 mặt giấy vở kẻ ngang. Tôi không còn nhớ rõ mình đã viết những gì, chỉ nhớ mang máng, tôi đã kể cho thầy nghe câu chuyện của gia đình tôi...", cô Liên kể lại.
Cô Nguyễn Thi Liên, hiện là giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị. Cô tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP.HCM và hiện cô đã có 20 năm thâm niên trong nghề với nhiều thành tích nổi bật.
Thế nhưng, ký ức về thầy Hoàng Đức Vinh - người thầy bình dị, gần gũi, ấm áp và chân thành không bao giờ quên trong tâm trí cô. Từ một bài tập làm văn đầu tiên thầy dạy "Một điều nhịn, chín điều lành", cô học trò năm xưa hay cãi lại lời mẹ đã nhận ra lỗi của mình, đã thay đổi cách ứng xử với mẹ.
Chúng tôi xin chia sẻ lại câu chuyện xúc động của cô:
"Bài tập làm văn đầu tiên thầy đã dạy chúng tôi, "Một điều nhịn, chín điều lành". Đứa học sinh suốt ngày cãi lời mẹ như tôi cảm thấy lúng túng, đỏ mặt khi bị thầy gọi đứng lên hỏi bài: "Liên, con cho thầy biết câu tục ngữ trên có ý nghĩa như thế nào?". Tôi chôn chân đứng một chỗ. Mặc dầu, mấy cô bạn thân bên cạnh làm mọi cách để trợ giúp tôi, chúng nó nháy mắt, mở khẩu hình, dùng tay ra hiệu bằng cách vẽ lên không khí các kiểu dạng câu trả lời… nhưng tôi không thể ú ớ được gì cả. Thầy cho tôi ngồi xuống nhưng tôi vẫn kiên quyết đứng tại chỗ, với suy nghĩ, khi nào trả lời được thì tôi sẽ tự xin thầy. Nhưng tôi không suy nghĩ được gì như tôi mong đợi.
Năm phút nặng nề, lặng lẽ và chậm rãi trôi qua, rồi bảy phút, rồi cả tiết cũng trôi qua… trong đầu tôi lúc đó chỉ còn là những khoảnh khắc tôi trương cổ cãi lại lời mẹ khi bị mẹ mắng. Đó là những lúc trông em, để em bị ngã; là những lúc giữ trâu, để trâu bị lạc; là những lúc nấu cơm, để cơm bị cháy; là những lúc đi học về muộn, do đu theo đám bạn bè vào quán sá ăn vặt… Tiếng trống hết tiết vang lên, tôi lé mắt sang trái, sang phải xem các bạn thế nào, rồi mon men ánh mắt lên chỗ bàn giáo viên. Tôi bắt gặp ánh mắt của thầy, sâu thẳm, nhìn tôi và thấu cảm.
Có một chút gợi buồn trong tôi, mà lúc đó, tôi không tài nào lí giải được. Thầy chậm rãi, bước xuống cạnh tôi, rồi nói: "Liên, con có điều chi khó nói phải không?". Tôi lí nhí trong cổ họng, cố nuốt cục nghẹn xuống để nói nhưng không tài nào hé ra được lời nào. Thầy vỗ tay nhẹ lên vai tôi, rồi quay trở về bục giảng, thu xếp sách vở, bút phấn vào cặp. Từng cử chỉ, từng động tác, tôi còn nhớ như in.
Khi thầy chuẩn bị bước ra khỏi cửa lớp, tôi vội vàng chạy lên, níu tay của thầy, kiểu như van xin: "Thầy ơi, thầy!". Thầy nhìn tôi, ánh mắt tràn ngập yêu thương: "Thôi, con vào chuẩn bị bài cho tiết sau, hôm nay, như vậy là quá sức của con rồi". Tự nhiên lúc ấy, tôi lấy hết can đảm, bật lên thành tiếng, ngân ngấn nước mắt nhưng rõ ràng, rành mạch: "Con xin lỗi thầy, thầy cho con trả lời câu hỏi hôm nay của thầy bằng một bài văn, được không thầy?".
Bài văn đó, lần đầu tiên tôi viết 8 mặt giấy vở kẻ ngang. Tôi không còn nhớ rõ mình đã viết những gì, chỉ nhớ mang máng, tôi đã kể cho thầy nghe câu chuyện của gia đình tôi, đặc biệt là giữa tôi và mẹ. Và sau bài văn đó, tôi đã thay đổi cách ứng xử với mẹ. Tôi không còn cãi lời của mẹ. Tôi biết đủ, biết dừng, biết kìm hãm cảm xúc, biết làm chủ tâm trạng.
Những lúc buồn vui tôi đều tâm sự với mẹ. Nhưng có lẽ, điều bất ngờ nhất và cũng là điều làm nên sự gắn kết những kỉ niệm trong tôi về thầy, đó là… Tôi nộp bài văn cho thầy, hai ngày sau, thầy đã lần ra địa chỉ nhà tôi và tìm đến. "Thầy đọc bài văn của em rồi, đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Và lần nào thầy cũng khóc. Thầy thực sự xúc động và cảm thấy biết ơn vì em đã cho thầy nhiều bài học trong cuộc sống. Hơn bao giờ hết, tuổi trẻ nông nổi của thầy, cũng không biết, đã bao lần thầy làm ba mẹ mình buồn. Và em cũng vậy! Bài văn của em đã giúp thầy nhìn thấy chính mình. Mình của ngày hôm qua và mình của ngày hôm nay.
Thầy cứ nghĩ, gần một đời người, cận kề tuổi nghỉ hưu, thầy sẽ bình yên như thế, không cần suy nghĩ, day dứt và học tập thêm điều gì nữa. Vậy mà em, một cô bé tuổi 15 suy nghĩ đã lạc qua tuổi 45 đã mang đến cho thầy bài học về chữ nhẫn. Em đã biết lắng nghe ý kiến của người khác để điều chỉnh bản thân, biết chịu khó và kiên trì đến cùng trong suy nghĩ và hành động, đã biết dằn lòng mình khi gặp chuyện khó chịu… Liên, hôm nay thầy đến thăm gia đình của em, chỉ để biết em sống như thế nào… và bây giờ thì thầy đã hiểu". Từ đó, cứ mỗi lần đến tiết giảng văn của thầy, tôi đều háo hức mong đợi".
Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ làm nông nghiệp, nữ sinh Nguyễn Thị Liên sớm học xa nhà. Những năm tháng học THPT, cô học trò ấy thường khép mình, ít giao du với bạn bè và cũng không mấy khi dám tâm sự, chia sẻ với thầy giáo. Nhưng khi đỗ vào đại học, thầy biết tin vui đã hỏi thăm, động viên cô rất nhiều. Những lời động viên đầy ân tình đó đã làm cô sinh viên sư phạm tự tin, dần yêu nghề và quyết tâm học tốt. Qua những giờ học của thầy, cô trò nhỏ ấy đã lựa chọn và yêu nghề giáo.
"Thầy tôi nói, chọn nghề giáo là nghề vất vả nhất, nhưng cũng là nghề vinh quang nhất, hạnh phúc nhất trong mọi nghề. Con đã theo thì hãy cố gắng học tốt để sau làm nghề tốt. Những tháng ngày học xa nhà, có những lúc tôi muốn bỏ cuộc vì khó khăn, vì cô đơn giữa đất khách quê người và vì thấy không thể hòa nhập được. Những lúc đó, thầy là ngọn lửa ấm động viên tôi tiếp tục cố gắng nhìn về phía trước…", cô Liên chia sẻ.
Câu chuyện trên là một trong vô vàn câu chuyện giữa cô Liên và thầy Hoàng Đức Vinh. "Ngày...tháng...năm của thầy và tôi" đầy kỷ niệm ấy được chia sẻ và giành giải Nhất tại Cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" năm 2022.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Liên cho biết: "Tôi vô cùng hạnh phúc khi đạt giải cao nhất của cuộc thi. Câu chuyện là kỷ niệm của tôi và giúp tôi thêm yêu nghề, đam mê hơn với con đường đã chọn".
Bộ GDĐT vừa tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" năm 2022. Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, cuộc thi không chỉ là nơi để thể hiện tình cảm tri ân với người thầy, với mái trường mà còn là cơ hội để những người giáo viên chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời.
"Đây là động viên to lớn, tạo động lực cho ngành Giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong công việc nhiều vinh quang, nhưng cũng đầy thử thách", Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.