Chỉ vì 100.000 đồng, cô giáo tiếng Anh và học viên lập tức biến lớp học thành cái chợ. Câu hỏi đặt ra: Đạo nghĩa thầy – trò liệu có tồn tại trong tâm trí của họ?
Với những gì chúng ta được chứng kiến trong đoạn clip được đăng tải vào tối 5.5 trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận, chẳng cần phải tranh luận quá nhiều về việc ai đúng, ai sai. Điều có thể khẳng định ngay: Cả cô lẫn trò đều đã sai, trong một môi trường mà lẽ ra họ phải có những cách hành xử đúng mực hơn.
Khoản "chăm chỉ phí" giá 100.000 đồng đã khiến cả cô và trò tranh cãi kịch liệt. Ảnh cắt từ clip.
Cô Nguyễn Kim Tuyến liệu có coi người viên là học trò thực sự hay tự coi mình là “người bán chữ” khi chỉ vì 100.000 đồng mà sẵn sàng xưng hô “tao – mày”? Chưa dừng lại ở đó, cô còn liên tục sử dụng từ ngữ kiểu “hàng tôm, hàng cá” để đấu khẩu.
Thậm chí, cô Tuyến còn nhắc đến khái niệm “chăm chỉ phí” để buộc học viên không hoàn thành các yêu cầu đặt ra phải nộp phạt. Có lẽ, trong lịch sử ngành giáo dục, đây là lần đầu tiên chúng ta được nghe tới loại phí này. Đây chắc chắn là cách hành xử có một không hai của cô giáo nọ, khiến những giáo viên yêu nghề, yêu thương học trò cảm thấy buồn xen lẫn tức giận và xấu hổ.
Về phía học viên, chẳng ai có thể chấp nhận nổi khi anh này thay đổi cách gọi người giáo viên, thậm chí còn sẵn sàng đôi co và gọi cô là “lừa đảo”. Dù không phải là người sai đầu tiên, nhưng hành vi của học viên này khi mất bình tĩnh thực sự đáng trách.
Vì sao cô giáo chẳng hề “ngại” khi thoá mạ học viên và người học cũng lập tức “bật” lại với những câu nói không được phép xuất hiện trên giảng đường?
Có thể thấy, mối liên hệ giáo viên – học trò không hề tồn tại ở trường hợp này. Thay vào đó, cả hai bên đều coi việc dạy và học như một cuộc giao dịch, một cuộc mua bán, trao đổi và sẵn sàng mặc cả, cãi vã khi “nóng đầu”.
Cô giáo nào có quan tâm đến hoàn cảnh của học trò mà chỉ biết tới hình phạt không giống ai. Kiểu dạy học như vậy đúng nghĩa là “buôn chữ” mà chẳng quan tâm tới bất kỳ điều gì khác.
Còn học viên cũng coi việc bỏ tiền ra học là phải được phục vụ, coi giáo viên của mình chỉ như một người cung cấp dịch vụ và nếu có vấn đề không như ý, anh ta “mạnh dạn” xúc phạm người dạy mình.
Không có tôn ti, trật tự, khoảng cách giáo viên – học trò bị xoá nhoà theo nghĩa tiêu cực chỉ bởi đồng tiền, môi trường giáo dục sẽ bị vẩn đục. Trong lớp học, chỉ vì 100.000 đồng mà cô giáo gọi học viên là “con lợn”, còn học viên coi cô là “lừa đảo”.
Vậy thì họ dạy và học để làm gì, khi đạo nghĩa thầy – trò đã trở thành món hàng đúng nghĩa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.