Năm 1985, cô Thu Thủy về Trường THPT Lý Thường Kiệt làm giáo viên bộ môn địa lý khi vừa tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP HCM. Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, hòa đồng với đồng nghiệp, cô được ban giám hiệu tin tưởng và hội đồng sư phạm yêu mến.
Khi là giáo viên bộ môn, cô Thu Thủy thu hút học sinh trong từng bài học. Cô chẳng bao giờ phải nhắc: "Các em trật tự nghe giảng" nhưng cả lớp vẫn im phăng phắc mỗi khi cô vào bài. Đó là nét duyên, là nghệ thuật mà không phải giáo viên nào cũng có. Cô định hướng cách học tốt bộ môn và hướng dẫn cách đọc Atlat để học sinh giảm thiểu thời gian học tại nhà. Nhờ vậy, việc học rất hiệu quả.
Song song đó, là giáo viên chủ nhiệm, cô tạo tâm lý thoải mái trong giờ sinh hoạt, để các bạn trẻ không ngại tiếp xúc và mạnh dạn chia sẻ nỗi niềm khi gặp khó khăn. Cô thẳng thắn, tình cảm và tận tâm với học sinh nên rất được các em quý trọng, tin yêu.
Cô Thu Thủy (thứ 4 từ trái sang) luôn thân thiện, hòa đồng cùng đồng nghiệp. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Năm học 1993 - 1994, tập thể học sinh lớp 11B1 được cô Thu Thủy chủ nhiệm 2 năm liên tiếp đã đề xuất xin ban giám hiệu để cô tiếp tục làm chủ nhiệm lớp 12. Kết quả, lần đầu tiên nhà trường thực hiện phương án: Một giáo viên chủ nhiệm lớp 3 năm liền, cô trở thành giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1.
Ba mươi năm qua đi, mỗi học sinh lớp 12A1 năm ấy vẫn không khỏi bồi hồi nhớ về kỷ niệm cũ. Một học trò cũ của cô Thu Thủy - chị Trần Kim Loan, hiện là kế toán Trường THPT Lý Thường Kiệt, xúc động kể lại vào những dịp đặc biệt trong năm, cô thường dẫn các bạn trong lớp đến nhà nhau để thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh nhằm kịp thời động viên, gắn kết chúng tôi hơn.
Thời điểm những năm 1990, khi cuộc sống còn thiếu thốn đủ thứ, cô tổ chức rất nhiều chuyến dã ngoại cho học sinh, như đi vườn trái cây Cầu Ngang - Lái Thiêu, núi Bửu Long, Đầm Sen, Vũng Tàu, Hồ Cốc… Gần thì chúng tôi cùng đi bằng xe đạp, xa thì cả lớp vào nhà cô ngủ lại để mai xuất phát sớm. Không những thế, cô còn tự tay nấu ăn đãi khi chúng tôi đến nhà.
"Dẫu biết áp lực trong việc quản lý và bảo đảm an toàn cho hơn 40 học sinh đi đến nơi về đến chốn là rất lớn nhưng cô vẫn không chùn bước. Đó là cái tài mà không phải giáo viên chủ nhiệm nào cũng mạnh dạn làm được cho học sinh của mình" - chị Kim Loan cảm phục.
Chị Trần Trúc Phương, nguyên Bí thư Đoàn trường năm học 2003 - 2004, là học sinh trực tiếp gắn bó cùng cô Thu Thủy năm học ấy. Chị tâm sự: "Cô luôn quan tâm, tham gia tất cả các phong trào do Huyện đoàn hay Đoàn cấp trên tổ chức. Năm đó, Đoàn trường đạt danh hiệu xuất sắc trong công tác Đoàn cấp huyện. Sự ủng hộ và tâm huyết của cô là bước đệm lớn cho các cá nhân đoạt Giải thưởng Lý Tự Trọng - phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng cán bộ Đoàn cấp cơ sở thời đó".
Hình mẫu cho giáo viên trẻ
Có giai đoạn, cô Thu Thủy được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng một trường cấp III khác. Dù trường này cùng huyện nhưng cô phải đi làm xa hơn.
Năm 2012, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM quyết định bổ nhiệm cô Đào Thị Thu Thủy làm Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt. Cô quay trở về trường cũ, để chúng tôi có dịp làm việc với nhau lần nữa.
Vẫn là cô Thu Thủy của ngày nào, vẫn là sự bình dị và dễ gần, cô chào chúng tôi bằng nụ cười thật tươi. Vẫn là phong cách làm việc đầy nhiệt huyết, khoa học, nhạy bén, tâm lý và hiểu thấu lòng người, cô tạo niềm tin và truyền lửa cho các giáo viên thêm nguồn năng lượng tích cực.
Cuối năm 2015, trong chuyến tham quan học tập của học sinh khối 12 tại Madagui, khi thấy các lớp chuẩn bị văn nghệ, cô Thu Thủy gợi ý thầy cô nên có một tiết mục để hòa mình cùng các em. Nói là làm, cô hiệu trưởng và chúng tôi ráo riết tập múa, tập hát, thuê trang phục...
Và rồi, cả hội trường cháy lên ngọn lửa cách mạng với tiết mục "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" của các thầy cô giáo. Tiếng hò reo phấn khích của học sinh càng mang lại thành công rực rỡ cho đêm trại, tạo dấu ấn khó phai mờ. Kể từ đó, đến hẹn lại lên, thầy cô luôn có tiết mục trình diễn, tạo sự gần gũi, thân thiết, hòa mình cùng các em.
Trong các chuyến tham quan học tập của trường, cô Thu Thủy chủ động đề xuất Công đoàn cơ sở tổ chức trò chơi cho thầy cô, nhân viên, giúp chuyến đi thú vị hơn. Cô cũng không ngại đảm nhận vai trò đầu bếp của tổ, tham gia cuộc thi nấu ăn do Công đoàn cơ sở tổ chức. Hơn nữa, cô còn đại diện trường tham dự cuộc thi ẩm thực do Công đoàn ngành giáo dục TP HCM tổ chức tại Đầm Sen, kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Cô tỉ mỉ chuẩn bị phần quà nhỏ là những chiếc khăn do chính tay giáo viên trong trường đan tặng các anh chiến sĩ ngoài đảo Trường Sa thân yêu.
Cô luôn lắng nghe, chia sẻ và động viên khi chúng tôi gặp khó khăn trong công tác giáo dục, chuyên môn, kể cả việc gia đình và đưa ra lời khuyên chân thành, hợp đạo nghĩa. Trong hội đồng sư phạm, mỗi khi có người hoặc thân nhân đau ốm, bệnh tật, cô luôn chủ động hỏi thăm và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thầy cô đó được nghỉ dưỡng nhưng vẫn trong khuôn khổ cho phép của quy định về tiết dạy…
Tháng 3/2018, cô Thu Thủy về hưu, khép lại hành trình đầy kỷ niệm tại Trường THPT Lý Thường Kiệt. Chúng tôi ai cũng rưng rưng chia tay cô hiệu trưởng đáng kính và biết rằng tình cảm dành cho cô mãi còn đó, chia xa chứ không chia cắt bao giờ.
Cô Thu Thủy là hình mẫu mà những giáo viên trẻ như tôi hướng đến. Không chỉ riêng tôi, cả tập thể luôn yêu quý cô Thu Thủy và quyết tâm đoàn kết, nỗ lực làm việc tốt để đáp lại tấm lòng của cô dành cho đồng nghiệp, cho học trò, cho ngành giáo dục bao năm qua.
*Bài đã có sự biên tập ở title
Vui lòng nhập nội dung bình luận.