Theo Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, với hơn 520 triệu dân và nhiều nền kinh tế lớn, lại đang đẩy mạnh chính sách hướng Đông, Trung Đông-Bắc Phi không chỉ là điểm đến quan trọng của hàng hóa, lao động và dịch vụ mà còn là thị trường đầy tiềm năng với nhiều quốc gia, trong đó có VN. Với nhận thức đó, VN đã lần đầu tiên tổ chức diễn đàn có quy mô lớn để thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại với khu vực này.
Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều nước khu vực Trung Đông- Bắc Phi.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cũng nhấn mạnh: Chưa một khu vực nào có nhu cầu hàng hóa đa dạng và phù hợp với cơ cấu xuất khẩu của VN như Trung Đông - Bắc Phi. Do điều kiện tự nhiên và khí hậu, tại hầu hết các nước Trung Đông -Bắc Phi sản xuất nông nghiệp đều chưa phát triển. Do vậy, các nước này có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu của VN, điển hình là gạo, chè, thủy sản, lâm sản... Năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước Trung Đông - Bắc Phi đạt 1.140 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu từ VN đạt 4,8 tỷ USD, chiếm 0,4%, cho thấy VN còn rất nhiều cơ hội để mở rộng thị phần. Dự báo từ nay đến 2020, xuất khẩu của VN sang Trung Đông-Bắc Phi sẽ tăng trên 20%/năm, cao hơn mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả nước.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, Trung Đông - Bắc Phi hiện là thị trường nhập khẩu gạo và thủy sản đầy tiềm năng lớn của VN. Mới đây, hơn 25.000 tấn gạo VN, chưa kể một số mặt hàng nông sản khác như tiêu, thủy sản... đã được ký hợp đồng xuất khẩu sang Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)... “Các doanh nghiệp VN nếu chủ động tốt trong việc tìm kiếm thông tin về khách hàng thì Trung Đông và Bắc Phi sẽ là thị trường quan trọng của nông sản VN nói chung và lúa gạo, thủy sản VN nói riêng”- bà Thu nói.
Dự báo từ nay đến 2020, xuất khẩu của VN sang Trung Đông-Bắc Phi sẽ tăng trên 20%/năm, cao hơn mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả nước. Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang
|
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng đánh giá Trung Đông-Bắc Phi là đầu ra lớn cho hàng hóa của Hà Nội. Chỉ 6 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu của Hà Nội sang khu vực này đã đạt 125 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,68% và tăng 4,7% so với cùng kỳ. Nhóm hàng nông sản như gạo, chè, tiêu, thuốc lá, rau quả, hạt điều, thủ công mỹ nghệ... xuất khẩu vào khu vực này là nhóm hàng xuất lớn thứ hai của Hà Nội. “Tới đây, Hà Nội sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu”- ông Thảo cho biết.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: 10 năm qua kim ngạch thương mại hai chiều giữa VN và Trung Đông - Bắc Phi tăng 878%, từ 889 triệu USD (2002) lên 7,4 tỷ USD (2012), trong đó kim ngạch với một số đối tác đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, thương mại giữa VN và khu vực này mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch thương mại của VN năm 2012, lao động VN chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng số lao động nước ngoài tại Trung Đông - Bắc Phi. Thủ tướng mong rằng, VN và các nước Trung Đông-Bắc Phi thông qua diễn đàn này sẽ tìm ra được con đường hợp tác trên các lĩnh vực là thế mạnh của hai bên như thương mại, năng lượng, khai khoáng, cơ sở hạ tầng. VN và các nước Trung Đông - Bắc Phi cần cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, lao động, giáo dục, y tế, du lịch...
Ông AHMED ALI ALMUALLA - ĐẠI SỨ CÁC TIỂU VƯƠNG QUỐC Ả RẬP THỐNG NHẤT (UAE) TẠI VN:Cửa rộng mở cho gạo Việt Nam
UAE là thị trường tạm nhập tái xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (đây là thị trường tái xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với giá trị trên 2 tỷ USD mỗi năm, chiếm 93% lượng tái xuất của thị trường gạo toàn cầu), nên tôi cho rằng đây là cơ hội lớn cho gạo VN. Nếu muốn đưa gạo VN vào thị trường này trong thời gian tới, các doanh nghiệp VN phải đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá các loại gạo cũng như tên tuổi, hình ảnh doanh nghiệp với các nhà nhập khẩu tại đây. Gạo VN phải đảm bảo chất lượng đồng nhất và thời gian giao hàng...
|
Mai Hương (Mai Hương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.