VinFast đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Sản xuất xe máy điện thông minh và ra mắt dòng sản phẩm đầu tiên – VinFast Klara. (Ảnh: Vingroup)
Những bước chuyển mình đầu tiên của Vingroup?
Sáng 3.11, VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã khai trương nhà máy xe điện thông minh trong tổ hợp nhà máy đặt tại Hải Phòng, đồng thời ra mắt 2 phiên bản của sản phẩm đầu tiên Klara.
VinFast Klara sẽ có 2 phiên bản, dự kiến mở bán chính thức vào ngày 17.11 tới đây. Hãng xe Việt định vị khách hàng ở độ tuổi trẻ, sống ở thành thị, có nhu cầu đi lại thường xuyên trong phố và thích bắt kịp những xu hướng công nghệ mới. VinFast đặt tham vọng sản xuất 250.000 xe máy điện/năm trong giai đoạn 1, tăng lên 500.000 xe trong giai đoạn 2 và có thể mở rộng tới 1 triệu xe máy điện/năm.
Bên cạnh đó, đến hết 2019, VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn cho ra mắt thêm 4 mẫu xe máy điện thông minh, phủ khắp các phân khúc từ trung cấp, cao cấp đến siêu cao cấp nhằm đa dạng hóa sự lựa chọn cho người tiêu dùng, bên cạnh 3 mẫu xe điện tập trung cho nhóm khách hàng học sinh sinh viên. Dự kiến, chỉ hơn 1 năm tới, dải sản phẩm xe máy điện của VinFast đã lên con số 8.
Mẫu xe máy điện đầu tiên của VinFast sắp ra thị trường với 2 phiên bản. (Ảnh: An Nhi)
Đây có lẽ là một phần công việc mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng và các cộng sự đang chuẩn bị cho sự chuyển hướng kinh doanh của tập đoàn Vingroup trong 10 năm tới.
Bởi như ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách dự án VinFast, từng chia sẻ tại một hội thảo vào tháng 8.2018 về kế hoạch chuyển đổi của Vingroup trong 10 năm tới.
Theo đó, mảng kinh doanh dịch vụ sẽ chỉ còn chiếm tỷ lệ cao thứ ba của tập đoàn, không còn là phần quan trọng nhất. Tập đoàn sẽ tập trung vào công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, di động và nhiều loại khác mà bản thân ông Huệ chưa được quyền thông báo. Mảng quan trọng tiếp theo là công nghệ, nổi bật trong đó là việc xây dựng nguồn nhân sự thông qua động thái kết nối với 50 trường đại học trên cả nước.
Cùng với đó, ông Võ Quang Huệ cũng đã có không ít lần chia sẻ trước công chúng về tổ hợp 5 nhà máy sản xuất ô tô VinFast được xây dựng tương thích với công nghệ 4.0 và thành lập Trung tâm đào tạo VinFast với 2 ngành học chính là Cơ khí Công nghiệp và Cơ-điện tử.
“Trung tâm đào tạo không chỉ là cái nôi khởi đầu cho các kỹ thuật viên có tay nghề cao, mà sẽ hướng tới trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực cho sản xuất theo công nghiệp 4.0 lớn nhất Đông Nam Á”, ông Võ Quang Huệ chia sẻ.
Xây dựng mạng lưới trạm sạc và bài toán tối ưu hóa từ Tesla
Khi giới thiệu tới công chúng chiếc xe máy điện Klara Escooter, một bài khó được đặt ra với VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là việc xe máy điện thường hết pin giữa đường.
Cụ thể là vấn đề xây dựng hạ tầng cung cấp nhiên liệu, bởi trong khi các cây xăng xuất hiện với tần suất dày đặc và ở khắp mọi nơi, thời gian đổ đầy bình nhiên liệu cũng nhanh hơn. Song điều này hoàn toàn trái ngược với việc xây dựng hệ thống hạ tầng, trạm sạc cho xe điện.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài từng lên kế hoạch đầu tư sản xuất xe điện tại Việt Nam. Song đến nay, hạ tầng để phát triển xe điện vẫn chưa có gì. Hệ thống trạm điện chưa có, xe điện khó chạy nổi ra đường.
Lãnh đạo Tập đoàn Vingroup, Công ty TNHH Dịch vụ và Kinh doanh VinFast và Lãnh đạo Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) tham gia Lễ ký kết hợp tác được tổ chức tại Hà Nội sáng 25.10.2018 (Ảnh: Vingroup).
Để giải quyết bài toán khó này, cuối tháng 10 vừa qua, Công ty TNHH Dịch vụ và Kinh doanh VinFast (Tập đoàn Vingroup) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai hệ thống trạm sạc và thuê pin cho xe máy điện thông minh, ô tô điện. Sự kiện khởi đầu cho kế hoạch thiết lập 30.000 – 50.000 trạm sạc và thuê pin của VinFast trên toàn quốc.
Theo biên bản ghi nhớ, giai đoạn đầu, PV Oil sẽ cung cấp 600 điểm kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc để VinFast tiến hành lắp đặt hệ thống trạm, và tăng lên 20.000 điểm vào năm 2020. Dựa trên các địa điểm này, VinFast sẽ linh hoạt triển khai các mô hình, đáp ứng toàn diện nhu cầu khách hàng về năng lượng điện, bao gồm: Hệ thống trạm sạc nhanh, Hệ thống trạm thuê pin và Hệ thống trạm sạc qua đêm.
Không chỉ dựa vào hệ thống địa điểm do đối tác PV Oil cung cấp, bản thân VinFast cũng tự xây dựng các điểm sạc và thuê pin của riêng mình thông qua mạng lưới các bãi đỗ xe, các hầm chung cư cao tầng, cổng trường học, các cửa hàng tiện ích VinMart+….
Việc đặt điểm sạc tại các cửa hàng VinMart+ cũng mang lại thêm tiện ích cho người dùng, khi 15 phút cũng vừa đủ để người mua tạt vào là mua sắm, đặc biệt là các bà nội trợ trên đường đi làm về, khi cần có thêm đồ để chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Chiếc cốp xe rộng rãi của Klara Escooter sẽ càng làm các bà nội trợ thêm thoải mái mỗi khi đi mua đồ.
Còn với những người không có nhiều thời gian chờ đợi đến khi pin trên xe được sạc đẩy, giải pháp cho thuê pin lại trở thành biện pháp khả thi hơn cả. Trong màn giới thiệu chiếc Klara Escooter, khối pin trong chiếc xe máy điện này có thể tháo lắp một cách dễ dàng và thay thế một cách nhanh chóng.
Xe chuẩn bị được lắp ráp hoàn thiện. (Ảnh: An Nhi)
Trước đó, trong năm 2017, hãng xe hơi điện Mỹ Tesla từng đưa ra phương án về việc lắp đặt các trạm sạc pin ở các cửa hàng tiện lợi. Giúp người chủ xe có thể sinh hoạt và giải trí trong lúc chờ đợi pin của họ được sạc đầy.
Cụ thể, việc sạc xe điện không giống như việc tiếp nhiên liệu bằng xăng hay dầu. Toàn bộ quá trình đôi khi có thể mất 30 phút hoặc lâu hơn. Việc này có thể khiến người điều khiển chiếc xe cảm thấy phiền toái và bực mình.
Vậy nên, Giám đốc công nghệ Tesla khi đó là J.B. Straubel đã chia sẻ với tờ GrubStreet về việc đặt các Supercharger (trạm sạc pin) tại các cửa hàng tiện ích: "Mọi người có thể tận dụng thời gian chờ đợi trong khi pin được sạc. Mua sắm, sử dụng phòng tắm, ăn một ổ bánh mì và ngồi chờ trong phòng máy lạnh. Đó là khoảng thời gian tốt cho nghỉ ngơi và thư giãn".
Ông nói: “Chúng tôi đã và đang làm việc với các nhà hàng. Thật vậy, vào năm 2016, Tesla đã hợp tác với chuỗi cửa hàng Mỹ để chế tạo bộ sạc xe điện tại các bãi đậu xe".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.