Có khuyến nông chỉ dẫn, thực hiện hơn 9.000 mô hình, nhà nông Nam Định làm ăn hiệu quả

Thu Hằng Thứ tư, ngày 18/10/2023 06:19 AM (GMT+7)
Trải qua 4 lần sáp nhập, đổi tên, kiện toàn, đến nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nam Định có 25 biên chế và 3 phòng chức năng cùng gần 400 khuyến nông, khuyến ngư viên.
Bình luận 0

Trong 30 năm qua, lực lượng này đã tập trung đổi mới, sáng tạo, các mô hình khuyến nông ngày càng bám sát thực tế, tăng cường mối liên kết "4 nhà" trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Sở NNPTNT tỉnh Nam Định vừa tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông nhằm ghi nhận những kết quả, thành tựu hoạt động khuyến nông giai đoạn 1993-2023, đề ra phương hướng, nhiệm trong thời gian tới.

Khuyến nông góp phần đẩy mạnh cơ giới hoá, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Giai đoạn 1994 - 2004 khi mới thành lập, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nam Định đã thực hiện tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế lai tốt, năng suất cao, hướng dẫn thay đổi tập quán sản xuất để thực hiện mục tiêu ổn định nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh.

Nổi bật nhất trong giai đoạn này, Nam Định là tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng sản xuất thành công hạt giống lúa lai F1; áp dụng vào sản xuất đại trà các giống lúa lai, các giống lúa thuần nhập nội từ Trung Quốc có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, thích ứng rộng. Đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh mới, đặc biệt chuyển phương thức mạ dược sang mạ nền; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, trà lúa xuân muộn tăng lên 99% vào năm 2000, trong khi trước năm 1993 chỉ là 10-15%. Vì vậy năng suất lúa đã tăng gấp 2 lần so với năm 1993.

Có khuyến nông chỉ dẫn, nhà nông Nam Định làm ăn hiệu quả  - Ảnh 1.

Tỷ lệ lúa chất lượng cao tại Nam Định hiện đạt trên 72%; hiệu quả sản xuất lúa tăng 7 - 10% so với giai đoạn 2004-2024. Ảnh: TTKNNĐ

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đề nghị thời gian tới, khuyến nông Nam Định cần đổi mới nội dung, phương pháp triển khai hoạt động, bám sát các mục tiêu của kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, hiện đại và bền vững. Đồng thời, xây dựng các chương trình, dự án, mô hình khuyến nông tích hợp đa giá trị theo tư duy kinh tế nông nghiệp, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Giai đoạn 2004 - 2014, hoạt động khuyến nông Nam Định tập trung vào mục tiêu chuyển đổi cơ cấu sản xuất để nâng cao giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất sử dụng, thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thay đổi mùa vụ kết hợp với ứng dụng kỹ thuật thâm canh tiến bộ. Những cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha từ đó xuất hiện.

Từ năm 2014 đến nay, các chương trình khuyến nông được triển khai theo định hướng Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững". Theo đó, tỉnh Nam Định đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa, từ làm đất, gieo cấy, thu hoạch, đến bảo quản, chế biến. Đến nay, tỉnh đã chuyển trọng tâm sản xuất từ số lượng sang chất lượng, tỷ lệ lúa chất lượng cao đạt trên 72%; hiệu quả sản xuất lúa tăng 7 - 10%.

Trong chăn nuôi, các địa phương đẩy mạnh áp dụng các mô hình sản xuất theo hướng VietGAHP, an toàn sinh học, liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa tại các trang trại, gia trại. Xóa dần các điểm chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, chuyển dần sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn…

Trong lĩnh vực thủy sản, khuyến nông Nam Định tập trung xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản mặn lợ, tiềm năng xuất khẩu như mô hình nuôi cá song, nuôi tôm thẻ chân trắng, sò huyết, cá bống bớp. Kết quả các mô hình đều cho hiệu quả kinh tế cao từ 200-300 triệu đồng/ha trở lên, một số mô hình đạt trên 500 triệu đồng/ha, như nuôi tôm thẻ chân trắng, cá bống bớp…

Triển khai hơn 9.000 mô hình khuyến nông

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Nam Định, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Nhiều mô hình đã mang lại giá trị kinh tế cao, cải thiện đời sống người dân, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới. 

Trong chặng đường 30 năm hoạt động, Khuyến nông Nam Định đã triển khai được khoảng hơn 9.000 mô hình, dự án; hơn 3.000 lớp tập huấn cho bà con nông dân, HTX địa phương…

Từ kết quả thực hiện các mô hình, dự án khuyến nông đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành những trang trại, gia trại sản xuất hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đáng chú ý, công tác thông tin, tuyên truyền trong thời gian qua đã truyền tải một lượng thông tin đáng kể với nhiều hình thức như: Tờ rơi, áp phích, bản tin, chuyên mục truyền hình, trang web khuyến nông. Trong công tác đào tạo, tập huấn, hiện nay các nhóm nòng cốt khuyến nông cấp tỉnh, huyện đã có năng lực để tập huấn và áp dụng các nội dung đã học vào thực tiễn công tác, sử dụng phương pháp tập huấn lấy người học làm trung tâm, tiếp cận có sự tham gia của người dân, tập huấn tại hiện trường… Lực lượng khuyến nông tỉnh, huyện, khuyến nông viên qua đào tạo đã góp phần rất lớn trong nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông.

Trong 30 năm qua, hệ thống khuyến nông Nam Định đã góp phần cùng toàn ngành nông nghiệp đạt được một số kết quả nổi bật đáng ghi nhận. Đến nay, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 3,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 3,6%/năm; giá trị gia tăng hàng năm của các mặt hàng nông sản chủ lực đạt từ 10 - 15%. Dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99,9%. 

Toàn tỉnh có trên 85% HTX hoạt động có hiệu quả theo luật HTX. Trong xây dựng NTM, Nam Định là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước về đích NTM, sớm hơn 1,5 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra; toàn tỉnh hiện có 92,6% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; có 330 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem