Có một dòng tranh “nhà quê” đang trở lại

Thứ ba, ngày 30/10/2012 09:00 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vài năm trở lại đây, tranh Bờ Hồ lại xuất hiện với một dạng thức mới. Thay vì dùng phẩm màu vẽ trên bìa là những bức sơn dầu vẽ khá kỹ lưỡng theo cách thủ công làm hàng.
Bình luận 0

Chốn nghỉ ngơi tâm hồn

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, ở ven hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, trước cửa đền Ngọc Sơn có rất nhiều những quầy hàng nho nhỏ bán sáo trúc, bưu ảnh, bì thư, kính bút và những tấm tranh phong cảnh, ngũ quả vẽ bằng phẩm màu trên bìa (thứ bìa đóng sách màu xanh rất thông dụng ngày đó) được chăng lên bày chừng 10 bức một.

img
Dòng tranh “Bờ Hồ” tái xuất với dạng thức mới.

Người ta quen gọi loại tranh này là tranh “Bờ Hồ” (chắc cũng vì nơi bày bán nó). Nào ai biết được xuất xứ của tranh “Bờ Hồ” là từ đâu. Có người bảo những bức đầu tiên là của số viên chức nhỏ nhoi người Pháp vẽ sơn dầu theo lối nghiệp dư, mà lại muốn bắt chước tranh thủy mạc Á Đông và thường là để bán cho những gia đình có bà chủ nguyên là người bản xứ.

Lại có ý kiến rằng nó là tác phẩm trên giấy bồi của những nghệ nhân cấp tiến chứng tỏ một thái độ tân thời. Nhưng thực ra tất cả những điều đó không quan trọng. Quan trọng là nó đã hình thành và tồn tại ít nhất là trong 2 thập kỷ, phải mãi đến đầu những năm 80 nó mới lụi tàn để nhường chỗ cho những tấm ảnh hoa quả, cô gái phóng to... bóng loáng nhập từ Thái Lan về.

Và điều quan trọng hơn nữa là công chúng của nó, những người thưởng ngoạn, đa phần là người “nhà quê”, thuần nông... Nguyên điều đó cũng đủ để giải thích yếu tố ngây thơ, đơn giản của dòng tranh này.

Những bức phong cảnh không rõ thời gian, không rõ bình minh hay hoàng hôn, có con đường đỏ, mặt hồ xanh, những nếp nhà núp dưới vòm cây xa xa là bóng dừa rồi chim bay. Tất cả tưởng là thực đấy mà lại phi lý, lại không thực. Nhưng hình như cộng tất cả lại là một niềm an ủi lớn lao, là chốn nghỉ ngơi cho tâm hồn không cần giải thích.

Người “nhà quê” ra Hà Nội mua sắm, ngoài xà phòng, kẹo cứng, chai nước mắm, đôi dép nhựa, bao giờ cũng dành tiền mua một tấm tranh, như mua sự bình yên cho ấm áp căn nhà. Tâm lý thưởng ngoạn cũng như tâm lý sáng tác được hình thành giản đơn như thế. Tất nhiên những bức “Bờ Hồ” không hề là tác phẩm của các họa sĩ chuyên nghiệp. Có thể nó là của những nghệ nhân ven đô. Và chỉ có họ mới thuộc được nhu cầu tinh thần ngây thơ này.

Nỗi buồn hồi sinh

Những năm cuối 70 đầu 80, cùng với rổ, rá nhựa, búp bê nhựa, ảnh lịch ồ ạt từ phía Nam ra, tranh Bờ Hồ chẳng còn bán được cho ai trước những biến động lớn lao của đời sống.

Còn đâu cái hồn nhiên vụng về của tranh Bờ Hồ xưa, cũng chẳng còn sự nâng niu rất riêng tư vỗ về. Thế mới biết có một thế hệ rời bỏ làng quê, bon chen đô thị, vội vã chặt đứt ngay với quá khứ, chỉ còn mang máng chút gọi là, rơi rớt như một thói quen trên mặt tranh Bờ Hồ thuở nào.

Vậy mà vài năm trở lại đây, tranh Bờ Hồ lại xuất hiện với một dạng thức mới. Thay vì dùng phẩm màu vẽ trên bìa là những bức sơn dầu vẽ khá kỹ lưỡng theo cách thủ công làm hàng. Cũng dòng sông xanh mướt, lúa chín vàng phẳng lỳ, thêm vào đó là những bức phố cũ, cây bàng, nắng quái chiều hôm được bày bán tràn lan ở những cửa hàng tranh chép, những galery nhỏ.

Điều đó chắc cũng chẳng sao, vì ai mà chẳng có một người “nhà quê” ẩn náu trong thẳm sâu tâm khảm mình. Nhưng khác với tinh thần của người nông dân xưa mua tranh để ru lòng mình, khách mua loại tranh “Bờ Hồ tân thời” hôm nay như mua một “chứng chỉ văn hóa” bày cùng bộ xa lông mới, xe máy mới. Tranh pháo cùng đồ đạc dường như không hề có một sợi dây liên lạc nào với chủ nhân của nó. Cả hai đều vô cảm. Người mua là vậy, ắt tranh cũng là vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem