Có nên xử lý hình sự với trẻ em: Bao dung trong lòng người chưa đủ

Hoàng Linh Thứ ba, ngày 08/11/2016 06:30 AM (GMT+7)
Trong buổi thảo luận sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự mới đây, nhiều đại biểu đã đề nghị vẫn giữ nguyên việc xử lý trẻ em từ 14 đến 16 tuổi bằng biện pháp hình sự như là một biện pháp để ngăn ngừa việc gia tăng tội phạm trong giới trẻ. Dự thảo thì cho rằng nên bỏ biện pháp xử lý hình sự đối với người phạm tội từ 14 đến dưới 16 tuổi đối với một số tội.
Bình luận 0

img

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kể cả người dân bình thường và luật sư đều băn khoăn trước đề nghị này.

Về phía ủng hộ, một luật sư nói: “Đây là những đối tượng đang trong giai đoạn phát triển, dễ manh động, sự hiểu biết về pháp luật, cuộc sống chưa cao. Nếu không có biện pháp chế tài mang tính răn đe hiệu quả về mặt pháp luật thì có thể sẽ gây ra những hậu quả khó lường về mặt an ninh, trật tự xã hội. Trong những năm tới, tùy vào những diễn biến xã hội, nếu có sự tiến triển tích cực hơn thì hãy tính đến việc bỏ quy định này”.

Những ý kiến còn lại đều mang tính nghi ngại, cho rằng biện pháp điều chỉnh pháp luật bằng hình sự, tù tội không phù hợp với lứa tuổi này, việc trừng phạt những người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng bằng các chế tài hình sự là không nhân văn và không tạo ra được những điều kiện về vật chất, tinh thần để người đó hối lỗi, sửa sai và làm lại cuộc đời mình.

Tôi tán thành ý kiến thứ hai với tư cách là người có nhiều trải nghiệm, tiếp xúc với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người phạm tội dưới 16 tuổi trong các trường hợp nghiêm trọng.

Xin nhắc lại một chuyện đã nói, một clip mới được đưa lên tài khoản cá nhân mạng xã hội về việc một học sinh nữ bị chúng bạn vây đánh, bắt liếm chân rồi châm thuốc vào tay chỉ vì tranh giành một tình yêu dị tính.

Vấn đề là thông qua một bạn trẻ tham gia các nhóm kín nêu trên, chúng tôi còn thấy một clip tương tự khác, nhưng đáng quan tâm hơn là lẫn trong những dòng chia sẻ bất cần đời, nổi loạn đầy các trang cá nhân này là những mảnh đời bị bỏ mặc. Phụ huynh các em vì cơm áo,  vì bận kiếm tiền bằng những việc làm mờ ám nên không quan tâm gì đến các em, việc các em bỏ học hay đi bụi cả tháng rồi quay về nhà là bình thường. Các em thấy xa lạ ngay chính ngôi nhà của mình và bước ra đường… Nhưng có con đường nào, ngoài gia đình,  không chông gai và đầy cạm bẫy, các em sai lầm, hư đốn cũng là lẽ đương nhiên từ sự bỏ mặc đó.

Nhà tù hoàn toàn không phù hợp với nhân cách còn chưa hoàn chỉnh của các em, bước ra ngoài cánh cổng đó sau khi mãn án, các em lại sẽ quay về với một tội trạng nghiêm trọng hơn.

Tôi đã tiếp xúc với nhiều trẻ em đang thi hành án phạt tù trong trại giam, có vẻ như các em thích nghi rất nhanh với môi trường nhà tù, học hỏi các đàn anh những mánh khóe, chiêu thức trộm, cướp, tấn công… và háo hức muốn mau ra khỏi tù để trải nghiệm cảm giác khi thực hiện những hành vi đó.

Căn cứ hành vi phạm pháp của một con người cụ thể, cho dù đó là trẻ em, chúng ta rất dễ hài lòng với một mức án nghiêm khắc, nói cách nào đó những cú đấm, cái đá trực tiếp dành cho người trộm chó làm dân làng hài lòng hơn là một bản án sau đó, dù nặng hay nhẹ.

Đối với cá nhân, điều đó bình thường và phù hợp với quy luật tâm lý, nhưng đối với người làm luật điều đó cực kỳ nguy hiểm, một cái bẫy ham muốn “công lý ngay tức khắc” dễ làm cho việc xây dựng luật trở nên cực đoan, duy ý chí.

Trong nghiên cứu về Tình trạng gia tăng tội phạm ở người chưa thành niên, PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc (Viện Nghiên cứu con người) chỉ ra kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc giải quyết vấn đề người chưa thành niên phạm tội. "Khi trẻ chưa thành niên phạm tội, cho dù chỉ do một hành động bồng bột, nhất thời nào đó trong giai đoạn tâm sinh lý đặc biệt nhạy cảm của các em, thì những cơ hội phát triển và tỏa sáng của chúng dường như sẽ bị thui chột. Các em sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn ai hết. Đặc biệt, trong trường hợp đó, nếu chúng ta - những bậc cha mẹ, các nhà giáo dục hay giới xây dựng pháp luật không có cách ứng xử thông minh, có thể sẽ phải chứng kiến những thảm họa gia đình và xã hội khó lường".

Sự bao dung trong lòng người chưa đủ, sự bao dung phải nằm trong chính những điều luật và những chính sách từ Chính phủ về hỗ trợ trẻ em lầm đường lạc lối.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem