Giúp nữ nông dân thoát nghèo
Nhiều năm qua, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Kạn còn phối hợp với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho học viên. Tính đến nay, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 6.000 lượt phụ nữ, trong đó nhiều chị đã vươn lên, học hỏi thêm và trở thành những người có tay nghề khá, giỏi ở địa phương. Nhiều người thuộc diện hộ nghèo nay cũng đã thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế giỏi.
Lao động nữ ở Bắc Kạn được hỗ trợ học nghề làm miến rong. Ảnh: Minh Nguyệt
Theo báo cáo của các địa phương, bộ ngành, qua 10 năm (tính đến hết tháng 9/2019) đã có trên 9,2 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ; trong đó có 5,3 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956. Thực hiện đến hết năm 2019, có khoảng 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ, đạt 87,2% mục tiêu (11 triệu người) của đề án. Trong đó, có 5,59 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956, đạt 85,5% mục tiêu (6,54 triệu người) của đề án trong 11 năm 2010-2020.
(Theo Bộ Lao động,
Thương binh và Xã hội)
|
Bà Hà Thị Thuý Chiều - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Bắc Kạn cho biết, thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục nắm bắt, bám sát nhu cầu của phụ nữ để phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thực hiện có hiệu quả hơn nữa việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ vùng nông thôn và dân tộc thiểu số. "Với những lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trung tâm sẽ kết nối giúp họ vay vốn hoặc hỗ trợ để lao động có thể khởi nghiệp" - bà Chiều nói.
Tại Bắc Ninh, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh trong 5 năm qua (2014-2019) cũng đã mở 647 lớp với 18.253 phụ nữ được học nghề, trong đó có 12.770 phụ nữ có việc làm với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Kết quả, góp phần không nhỏ trong việc chuyển đổi cơ cấu lao động nữ nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ, cung cấp lao động cho các khu công nghiệp.
Ngoài việc tổ chức các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh còn tập trung khai thác các nguồn vốn trong nước và quốc tế cho chị em vay đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, bình quân mỗi năm trên 100 tỷ đồng. Qua đó, chị em có vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, tạo việc làm cho chị em lúc nông nhàn...
Theo số liệu của Hội LHPN Việt Nam, giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm các cấp hội đào tạo nghề cho 75.000 lao động nữ. Ngoài ra các cấp hội phụ nữ cũng tích cực tuyên truyền, phối hợp với các doanh nghiệp tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho khoảng hơn 300.000 lao động nữ. Trong đó, nhiều cơ sở trực tiếp đào tạo nghề cho 5.000 lao động nữ (tỷ lệ lao động có việc làm đạt 80%).
70% lao động nữ chưa được học nghề
Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy có hơn 70% phụ nữ ở Việt Nam trong độ tuổi lao động. Phần đa họ sống ở nông thôn, làm nông nghiệp, nhưng đa phần họ làm công việc giản đơn, thu nhập thấp (bình quân chỉ đạt 5,2 triệu đồng/người/tháng) hơn nam giới (nam là 5,92 triệu đồng/người/tháng).
Theo khảo sát từ Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) hiện nay có hơn 70% lao động nữ nông thôn không có khả năng tiếp cận đào tạo nghề. Đây là cản trở lớn tới việc tìm kiếm việc làm tốt của chị em.
Theo bà Đinh Thị Tuyết Nhung - Phó Ban hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam, nguyên nhân chính trong việc chị em “làm nhiều hưởng ít” là rào cản trong sự phân biệt, bất bình đẳng giới. Thêm vào đó, một nguyên nhân khác chính là do địa phương chưa dành ưu tiên, sự quan tâm trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ.
"Hiện nay cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội hiện nay còn quá ít (chỉ có 25 đơn vị, trong số đó có 6 đơn vị trực thuộc Trung ương hội). Thêm vào đó cơ sở hạ tầng của các trung tâm cũng xuống cấp, máy móc thiếu không đáp ứng đủ nhu cầu dạy nghề..." - bà Nhung nói.
Trước thực tế đó, Hội LHPN Việt Nam kiến nghị trung ương và địa phương quan tâm hơn nữa tới hoạt động dạy nghề cho nữ lao động nông thôn.
"Cụ thể như thực hiện đa dạng hóa công tác dạy nghề, dựa trên sự phân loại lao động. Với nữ lao động già, có thể dạy chị em làm công việc cũ như làm nông nghiệp để cho năng suất, giá trị sản phẩm cao hơn. Với nữ lao động trẻ, có thể dạy họ các nghề phi nông nghiệp để họ có thể tìm kiếm công việc mới tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp nhằm gia tăng thu nhập"- bà Nhung cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.