Cổ phần hóa 96% DNNN, nhưng chỉ bán được 8% vốn cho tư nhân

Nguyên Phương Thứ sáu, ngày 12/01/2018 07:00 AM (GMT+7)
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hiện chỉ lớn về mặt số lượng khi 96,5% số DNNN được cổ phần hóa nhưng trên thực tế chỉ khoảng 8% số vốn trong các DNNN được cổ phần hóa, chuyển giao cho khu vực tư nhân.
Bình luận 0

img

Hiệu quả cổ phần hóa DNNN hiện khá thấp, 96,5% số DNNN được cổ phần hóa nhưng chỉ khoảng 8% vốn được bán cho khu vực tư nhân (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, năm 2017 là năm hiếm hoi mà 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế đều đạt và vượt mức kế hoạch mà Quốc hội đã đề ra.

Trong đó, hai chỉ tiêu kinh tế quan trọng nhất và được quan tâm nhiều nhất là tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát đều đạt kết quả ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%, cao nhất trong suốt 10 năm qua. Tỷ lệ lạm phát ở mức thấp 3,53%. Trong những năm gần đây, tỷ lệ lạm phát thấp đã góp phần quan trọng vào tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta.

img

GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn chỉ ra 4 điểm chưa được của kinh tế Việt Nam năm 2017

Tuy nhiên, ông Thuấn cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn yếu trong nền kinh tế Việt Nam năm qua.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn phân tích: “Thứ nhất, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực cho dù tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia và 36,5% của Thái Lan. Mỗi lao động của Việt Nam chỉ có năng suất bằng 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philippines và đặc biệt là chỉ bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. Điều đáng lo hơn cả là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

Thứ hai, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước lớn về mặt số lượng (96,5% số doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa) nhưng trên thực tế chỉ khoảng 8% số vốn trong các doanh nghiệp Nhà nước là được cổ phần hóa, chuyển giao cho khu vực tư nhân. Điều này cũng có nghĩa khu vực tư nhân tham gia vào bộ máy quản trị của doanh nghiệp Nhà nước, tham gia vào thiết kế chiến lược sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước đã được cổ phần hóa còn hạn chế; vì thế hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước chậm cải thiện, dẫn đến môi trường sản xuất – kinh doanh còn chịu tác động gây méo mó”.

Một vấn đề khác cũng được ông Thuấn đề cập là việc xây dựng năng lực để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn chậm. Cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội còn nhiều hạn chế khi đứng trước làn sóng của các công nghệ mới, của các doanh nghiệp mới và các loại hình kinh doanh mới.

Quản trị Nhà nước ở các cấp dựa trên nền tảng công nghệ số còn chưa tương xứng với tiềm năng và đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hệ thống quy định và luật pháp cũng còn nhiều vướng mắc khi phải xử lý xung đột giữa các phương thức kinh doanh truyền thống và các phương thức mới dựa trên nền tảng công nghệ trong kỷ nguyên số.

Ngoài ra, là sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước thiếu chặt chẽ dẫn đến việc thu hút các doanh nghiệp FDI khổng lồ như Samsung vào nền kinh tế nhưng chưa tạo nên hiệu ứng lan tỏa tích cực về công nghệ và tạo ra năng lực sản xuất cho nền kinh tế trong tương lai.

Hơn nữa, lợi ích mà các doanh nghiệp FDI mang lại chưa tương xứng với những ưu đãi mà Nhà nước ta dành cho khu vực này và hiệu ứng ngoại lai tiêu cực mà một số doanh nghiệp FDI gây ra thậm chí cònrất lớn (nhất là về mặt bảo vệ môi trường).

Hay nói cách khác, chi phí mà các doanh nghiệp FDI tạo ra nhưng không phải gánh chịu mà do xã hội gánh chịu là rất lớn, làm giảm đi những lợi ích mà các doanh nghiệp FDI mang lại cho nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế bền vững.

Từ đây, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn đã đề ra một số giải pháp cho kinh tế Việt Nam trong năm 2018 và giai đoạn sau này.

“Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cần thực hiện triệt để hơn và thay vì chỉ tập trung vào cổ phần hóa về mặt số lượng mà không có sự thay đổi lớn về chất, Chính phủ cần đẩy mạnh cổ phần hóa về chất, nghĩa là tập trung vào cổ phần hóa về vốn và cho phép sự tham gia của khu vực tư nhân sâu rộng hơn nữa vào bộ máy quản trị trong các doanh nghiệp đã cổ phần hóa.

Đồng thời, Chính phủ cần chủ động thiết kế cơ chế mời gọi các nhà đầu tư chiến

lược có khả năng nâng cao năng lực và hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hóa thay vì chỉ hướng đến mục tiêu bán vốn hay cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước về mặt số lượng”, ông Thuấn nói.

Với các doanh nghiệp FDI, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn cho rằng Chính phủ cần chủ động lựa chọn các doanh nghiệp FDI chất lượng cao thay vì các doanh nghiệp FDI đầu tư vào nền kinh tế để tận dụng sự lỏng lẻo trong quản lý môi trường và những chính sách ưu đãi.

Bên cạnh đó, cần có chiến lược để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nội địa nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài; tăng cường khả năng chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp trong nước vì các doanh nghiệp FDI – trong hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mở cửa – là nhân tố đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện nâng cao năng suất và chuyển giao các công nghệ tiên tiến đến các doanh nghiệp nội địa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem