Cổ phiếu VHM lập kỷ lục giao dịch tỷ USD và cơn "địa chấn" từ cổ phiếu "họ Vin"

Nguyên Phương Thứ sáu, ngày 18/05/2018 17:15 PM (GMT+7)
Cổ phiếu VHM của Công ty CP Vinhomes đã tạo ra một phiên giao dịch lịch sử trên TTCK Việt Nam với gần 268 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, đạt giá trị 1,35 tỷ USD. Trong khi đó, bộ đôi cổ phiếu VIC, VRE cũng có phiên giao dịch khá tốt và không cổ phiếu nào giảm điểm giúp tài sản của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng giữ vững mức 89.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Những cơn “địa chấn” từ cổ phiếu “họ Vin”

Càng về cuối phiên giao dịch ngày 18.5, TTCK Việt Nam càng trở nên tích cực hơn với sự dẫn dắt của những cổ phiếu Bluechips đầu tàu như BVH, FPT, HPG, MSN, VJC, VNM, SAB, BHN, PLX, VRE…Trong đó, VJC gây chú ý khi đảo chiều từ giá sàn lên tăng 2.000 đồng/cổ phiếu so với tham chiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch, VnIndex tăng 9,9 điểm (0,96%) lên 1.040,54 điểm, trong khi Hnx-Index và Upcom-Index vẫn giảm điểm. Số mã tăng điểm trên toàn thị trường chỉ là 242, trong khi số mã giảm điểm lên tới 296 cho thấy đà tăng trường chưa thực sự được lan tỏa và chỉ tập trung ở một vài mã. Khối lượng khớp lệnh trên 2 sàn niêm yết cũng không cải thiện quá nhiều, chỉ đạt 4.400 tỷ đồng.

img

Cổ phiếu VHM của Vinhomes đã tạo nên kỷ lục giá trị giao dịch trong lịch sử 20 năm hoạt động của TTCK Việt Nam (Ảnh: I.T)

Tuy nhiên, ngày 18.5.2018 đã trở thành một ngày lịch sử của TTCK Việt Nam khi các nhà đầu tư nước ngoài đã chi gần 30.740 tỷ đồng, tương đương 1,35 tỷ USD để mua 268 triệu cổ phiếu VHM theo hình thức chuyển nhượng ngay sau khi 2,68 tỷ cổ phiếu VHM chào sàn hôm 17.5.

Song song với hoạt động chuyển nhượng, không một cổ phiếu VHM nào được khớp lệnh, bất chấp dư mua ở giá trần lên tới gần 1 triệu cổ phiếu.

Trong khi đó, bộ đôi cổ phiếu VIC, VRE cũng có phiên giao dịch khá tốt và không cổ phiếu nào giảm điểm giúp tài sản của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng giữ vững mức 89.000 tỷ đồng.

img

Bộ đôi cổ phiếu VIC, VRE không giảm giá trị giao dịch giúp tài sản của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng giữ vững mức 89.000 tỷ đồng (Ảnh: I.T)

Được biết, các nhà đầu tư tham gia giao dịch đều là các tổ chức uy tín trong nước và thế giới như Capital Group, Avanda Investment Management Pte, Wadded & Reed, JPMorgan Asset Management, Dragon Capital, và KIMC. Trong đó, các tổ chức nước ngoài mua vào gần 249 triệu cổ phiếu, chiếm 93% tổng khối lượng giao dịch, tương ứng giá trị 28.550 tỷ đồng.

Thương vụ trị giá 1,35 tỷ USD của Vinhomes đã xác lập kỷ lục mới ở thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch tỷ đô đầu tiên trong suốt gần 20 năm phát triển.

Với kỷ lục giao dịch của cổ phiếu VHM, các nhà đầu tư quốc tế nhận định, thị trường Việt Nam có thể nâng từ cấp Frontier (cận biên) lên Emerging (mới nổi).

Trước đó, ngày 7.11.2017, cổ phiếu VRE của Công ty Cổ phần Vincom Retail, một công ty con của Tập đoàn Vingroup cũng đã tạo nên "địa chấn" trên TTCK Việt Nam khi có giao dịch thỏa thuận tới 415 triệu cổ phiếu, giá giao dịch đạt 16.861,3 tỷ đồng.

Phiên hôm đó, thị trường chứng khoán Việt Nam xác lập kỷ lục với 625 triệu cổ phiếu, trị giá 20.931 tỷ đồng được giao dịch bao gồm cả giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận.

Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, Vingroup đã tạo nên hai thương vụ kỷ lục, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trở thành cổ đôn như WP Investments III, Credit Suisse Singapore Branch, Government of Singapore…

Gã khổng lồ trong ngành bất động sản

Theo đánh giá của công ty chứng khoán ACBS, Vinhomes là một công ty lớn trên thị trường BĐS Việt Nam với nhiều lợi thế cạnh tranh như thương hiệu mạnh, quỹ đất lớn, sản phẩm đa dạng trên tất cả các phân khúc BĐS, khả năng mua đất/dự án với chi phí thấp.

Đối với mảng phát triển BĐS nhà ở, Vinhomes đã hoặc đang trong quá trình nhận chuyển nhượng hầu hết các dự án nhà ở từ VIC và các bên liên quan trong Tập đoàn. VHM hiện có 36 dự án, bao gồm 2 dự án đã hoàn thành, 8 dự án đang triển khai và 26 dự án sẽ phát triển.

img

Vinhomes sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh như thương hiệu mạnh, quỹ đất lớn khả năng mua đất/dự án với chi phí thấp (Ảnh minh họa)

Trước năm 2018, Công ty tập trung vào phân khúc cao cấp với thương hiệu Vinhomes và đã mở bán 10 dự án Vinhomes. Song do thị trường đang hướng tới phân khúc trung cấp và vừa túi tiền, phân khúc có triển vọng bền vững hơn và phần lớn quỹ đất tại trung tâm Hà Nội và TP.HCM đã gần lấp đầy nên cuối năm 2016 Vinhomes giới thiệu dòng sản phẩm mới là VinCity - thương hiệu cho dự án nhà ở trung cấp và vừa túi tiền. Theo đó, Vinhomes sẽ triển khai dự án VinCity đầu tiên vào giữa năm 2018.

Đối với mảng kinh doanh văn phòng, VHM đang quản lý VinOffice Đồng Khởi tại TP.HCM và VinOffice Times City tại Hà Nội. Các tòa nhà văn phòng khác đang được phát triển nằm bên trong hoặc bên cạnh các dự án nhà ở Vinhomes và VinCity.

Trước khi tái cấu trúc (phát hành riêng lẻ 12.000 tỷ đồng và sát nhập với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Liên Phát và Công ty CP Kinh doanh và Quản lý BĐS Vinhomes vào tháng 2.2018), phần lớn doanh thu của Vinhomes đến từ dự án Vinhomes Times City.

Trong quý I.2018, doanh thu thuần của Vinhomes tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 10.535 tỷ đồng chủ yếu nhờ bàn giao dự án Vinhomes Central Park và các dự án khác. Nhờ lợi nhuận đầu tư 1.033 tỷ và thu nhập khác 1.815 tỷ đồng từ hợp đồng hợp tác kinh doanh liên quan đến 4 dự án: Harmony, Imperia, Dragon Bay và Golden River) nên LNST tăng gấp 5 lần cùng kỳ năm trước, lên gần 4.000 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem