Đó là mong mỏi của Nguyễn Vũ Hoàng Yên (24 tuổi) - Phó Chủ tịch xã Kon Gang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai...
Hụt hẫng một ước mơ
Nguyễn Vũ Hoàng Yên tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia (TP. Hồ Chí Minh) năm 2010 với tấm bằng khá. Háo hức vì Đề án 03 (tăng cường sinh viên tốt nghiệp đại học về cơ sở), muốn đóng góp một chút gì đó cho nơi mình sinh ra và lớn lên, nào ngờ sự lãng mạn của cô sinh viên đã vỡ mộng. Xã Kon Gang quá nghèo nàn, lạc hậu không thể so sánh với bất kỳ điều gì cô đã tưởng tượng.
|
Nguyễn Vũ Hoàng Yên trước làng Klót mới. |
Cô bắt đầu thấy ghét cơ sở. Tư tưởng sau 3 năm hoàn thành Đề án 03 sẽ bỏ đi tìm kiếm một cơ hội khác bắt đầu len lỏi trong cô. Mỗi ngày qua đi đều chậm chạp khiến cô thấy bực bội. Mọi lời động viên của các anh chị trong văn phòng Huyện ủy Đăk Đoa khiến cô rất cảm động, nhưng không thể làm lung lay ý nghĩ bỏ cơ sở của một cô gái tuổi Đinh Mão bướng bỉnh.
Cái gì đến đã đến, sau 3 tháng gọi là được dìu dắt, làm quen với cơ sở, cô được đưa thẳng về xã Kon Gang. Lần đầu một mình một xe vào “xã của mình”, nhìn con đường lầy lội, bùn đùn lên bì bõm, cô chỉ muốn khóc…và thực tế cô đã khóc thật nhiều.
Yên vào với Kon Gang đúng dịp đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử HĐND các cấp. Cô làm công tác nhân sự. Dù trong tư tưởng không mặn mà gì mấy với cơ sở, nhưng cô là người có trách nhiệm và luôn hoàn thành tốt công việc. Cô phải tự mình khắc phục và sống chung với muôn vàn khó khăn. Giữa cán bộ có khoảng cách, cuộc sống của người địa phương khó hòa nhập, cô luôn giữ tâm thế “làm cho qua ngày”, “mình phải cố gắng, chỉ 3 năm thôi…”.
Cơ duyên “trời định”
Ngày bầu cử HĐND các cấp, cái tên Nguyễn Vũ Hoàng Yên được xướng lên trong danh sách đề cử vào chức Phó Chủ tịch UBND xã. Đầu tiên nghe tên mình, Yên bất ngờ vì cô không nằm trong danh sách đại biểu. Nhưng sau đó cô nghĩ có lẽ Hội đồng bầu cử đưa ra nhiều tên để làm “quân đỏ, quân xanh”…
Chỉ đến khi cái tên Nguyễn Vũ Hoàng Yên được gắn thêm 4 từ “Phó Chủ tịch xã”, cô mới bắt đầu thấy lo sợ. Chức “Phó Chủ tịch xã” với cô quá xa vời. Không chỉ bản thân cô, mà cả bố mẹ cũng lo cho con gái vì phải gánh vác một trách nhiệm quá nặng nề…
Không thể lý giải nổi vì sao các cô, các chú từ huyện cho đến xã đều tin tưởng giao cho mình một trọng trách nặng nề như vậy, Yên bắt đầu cảm thấy áp lực và buộc mình lao vào công việc. Cái tư tưởng chỉ sau 3 năm sẽ rời cơ sở bay biến tự bao giờ.
Mỗi sáng thức dậy, điều Yên nghĩ đến trước hết là việc xã. Hôm nay phải làm được việc gì thiết thực cho bà con đây... Chuyện lên huyện, lên tỉnh năm nào còn cháy bỏng trong tâm trí nhưng nay thì gặp ai, cô cũng: “Mời mọi người vào xã Yên chơi!”.
Ngoài công việc của một phó chủ tịch UBND xã, Yên luôn tranh thủ thời gian tiếp xúc, gần gũi hơn với dân làng. Cô tâm sự: “Xã của mình có tới hơn 50% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó có tới 8 thôn là người Bar Nah, một thôn người Jrai. Đồng bào mình khi chưa hiểu thì khó chứ khi đã hiểu ra thì làm gì cũng dễ”.
Để làm cho đồng bào hiểu, cô dành nhiều thời gian tìm hiểu phong tục tập quán, học tiếng đồng bào. Giờ Yên đã nói được tiếng Bar Nah nên khi làm việc với dân làng trở nên dễ dàng hơn. Các chương trình được đầu tư vào xã như 135, 167, nhà dân sinh, hệ thống đường giao thông, kênh mương…đã ghi nhận một vai trò không nhỏ của Yên – dù cô chỉ khiêm tốn nhận mình như một chất xúc tác làm cho bộ máy hoạt động nhịp nhàng, trôi chảy hơn…
Nhắc đến cô phó chủ tịch xã trẻ măng, ai ai cũng nở nụ cười. Già Bi Yanh ở làng Klót, xã Kon Gang thổ lộ: “Cô Yên nói phải đoàn kết không được cãi nhau, chăm chỉ làm ăn. Làng mình thương cô Yên lắm, còn trẻ tuổi nhưng hiểu dân mình”.
Mộc Lan
Vui lòng nhập nội dung bình luận.