Cơ sở làm giả số lượng "khủng" thực phẩm chức năng để bán ra thị trường với giá cao

Vũ Khoa Thứ năm, ngày 01/06/2023 14:27 PM (GMT+7)
Lưu hành trên thị trường với giá đắt đỏ, thế nhưng những sản phẩm làm giả vừa bị cơ quan chức năng phát hiện lại được sản xuất tại một cơ sở ẩm thấp, chật chội.
Bình luận 0


Clip lực lượng quản lý thị trường Hà Nội bắt quả tang cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng giả

Quy trình làm giả tinh vi

Ngày 31/5, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Công an huyện Chương Mỹ phát hiện và bắt quả tang nhóm đối tượng đang sản xuất thực phẩm chức năng giả. Cơ sở này nằm trong một căn nhà cấp 4 sâu trong khu dân cư ở thôn Cao sơn, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Trên diện tích khoảng 50m2, ẩm thấp, chật chội, có bốn công nhân đều là người ở địa phương khác được giao thực hiện gia công, đóng gói các loại viên sủi, viên nén từ trong các bao nilon khác nhau vào các vỏ hộp nhựa không nhãn mác với số lượng viên được định lượng trước.

Cơ sở làm giả số lượng "khủng" thực phẩm chức năng để bán ra thị trường với giá cao - Ảnh 2.

Tiếp theo đó, các công nhân sử dụng máy khò nhiệt và máy ép nhiệt dán các nhãn mác được in sẵn của các nhãn hiệu như Lady, V3, Xtraman, HYPOLY, HeBora Collggen Enrich; Collagen Top Queen New, Glucosamine, BORA... lên phía ngoài vỏ hộp. Bước cuối cùng, một tem chống hàng giả sẽ được dán sau cùng.

Tại thời điểm lực lượng chức năng ập vào kiểm tra, chủ cơ sở không có mặt tại hiện trường. Bất ngờ khi lực lượng chức năng xuất hiện, ông Đoàn Văn Điểm, đại diện cho nhóm công nhân đang làm việc trong cơ sở này cho biết mới được thuê để thực hiện công việc làm giả viên thực phẩm chức năng. Nhóm công nhân này cũng một mực khẳng định chưa được trả lương nên không biết ai là chủ.

Cơ sở làm giả số lượng "khủng" thực phẩm chức năng để bán ra thị trường với giá cao - Ảnh 3.

Không gian chật chội, ẩm thấp là nơi các đối tượng sản xuất hàng giả. Ảnh: Quyên Lưu

Cơ sở làm giả số lượng "khủng" thực phẩm chức năng để bán ra thị trường với giá cao - Ảnh 4.

Từ túi ni-lông, các viên nén được san vào hộp có nhãn mác để bán cho người tiêu dùng. Ảnh: Quyên Lưu

Chẳng những làm giả xuất xứ của những loại thực phẩm chức năng dán nhãn ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu…, một số doanh nghiệp trong nước cũng trở thành nạn nhân của cơ sở này. Nhìn bên ngoài thật khó có thể phân biệt được đâu là hàng thật, còn đâu là hàng giả khi tem mác gần như y hệt nhau.

Theo nhận định của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 Hoàng Đại Nghĩa, nhóm này chủ yếu lợi dụng hình thức kinh doanh qua mạng qua xã hội, giao trực tiếp cho người nhận. Mặc khác, cơ quan chức năng cũng đánh giá sản phẩm làm giả là hết sức tinh vi, nhóm này trước khi thực hiện hành vi đã nghiên cứu khá kỹ để chuẩn bị đầy đủ các loại tem, nhãn mác để cho ra đời sản phẩm giống hàng thật nhất có thể.

Ngoài ra, nhằm tìm cách đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng cũng chủ động chọn một căn nhà dân nằm ở địa điểm ngoại thành, xa trung tâm để thực hiện hoạt động sản xuất hàng giả.

Cố tình giả mạo mã số đăng ký lưu hành

Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng ghi nhận tại cơ sở có gần 12.000 lọ/hộp thực phẩm chức năng đã được đóng gói thành phẩm với bao bì nhãn mác bắt mắt. Bên ngoài các vỏ hộp, phần lớn được thể hiện có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, một lượng lớn sản phẩm thành phẩm tại đây còn thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là các doanh nghiệp trong nước như: Công ty TNHH Supharmco; Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhận khẩu Lady cara; Công ty TNHH Thương mại GENIX, Công ty Cổ phần Thịnh Tâm Đường, Công ty TNHH thương mại Tavuco Việt Nam....

Ngoài số hàng hóa thành phẩm trên, lực lượng chức năng còn ghi nhận tại cơ sở kinh doanh chứa 4.070 lọ nhựa đựng 20 viên sủi/lọ không có nhãn mác; 67 kg viên thuốc các loại không có nhãn mác; 44.656 chiếc tem nhãn giấy các loại có chữ Lady, Xtraman, Toca, V3, tem chống hàng giả; 15.478 chiếc vỏ hộp giấy các loại cùng 01 chiếc máy khò nhiệt và 1 chiếc máy ép nhiệt đã qua sử dụng nhãn có chữ nước ngoài.

img
img
img
img

Bao bì chứa hàng giả là rất khó phân biệt. Ảnh: Quyên Lưu 

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh hoạt động dính hàng loạt vi phạm bao gồm: Không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kinh doanh hàng hóa không niêm yết giá theo quy định; không xác định được có kinh doanh trên thương mại điện tử; có dấu hiệu sản xuất hàng giả là thực phẩm có nhãn hàng hóa và bao bì hàng hóa bị làm giả với tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm.

Giả mạo mã số đăng ký lưu hành sản phẩm được quy định tại Điểm đ Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tổng trị giá hàng giả theo giá trị của hàng thật trên 278 triệu đồng.

Ngày 1/6, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đến công an huyện Chương Mỹ, để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại hiện trường, đại diện các doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Supharmco và Công ty Cổ phần Thịnh Tâm Đường đều khẳng định các sản phẩm tại cơ sở không phải do doanh nghiệp sản xuất. Đây là sản phẩm bị làm giả tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm; Giả mạo mã số đăng ký lưu hành sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem