Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh như vậy trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 18.9.
“Tham nhũng nghìn tỷ đồng, thu hồi trăm tỷ” Ngày 18.9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh PCTN năm 2013. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong những tháng đầu năm 2013 ngành thanh tra phát hiện 73 vụ, với 80 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng, với số tiền 117 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 115 tỷ, tuy nhiên mới chỉ thu hồi được 59 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội về tham nhũng, khởi tố 233 vụ, với 568 bị can (tăng 11 vụ và 97 bị can). Những vụ tham nhũng này gây thiệt hại 9.260 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 20 nghìn tỷ đồng) và 155.000m2 đất. Hiện mới chỉ thu hồi nộp ngân sách nhà nước 900 tỷ đồng, kê biên 1 thiết bị lặn Tinro2.
Việc xử lý nhiều vụ án tham nhũng còn kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân (ảnh minh hoạ).
Viện KSND các cấp đã truy tố 335 vụ, 803 bị can về tội tham nhũng, tăng 91 vụ so với cùng kỳ năm 2012. TAND các cấp đã xét xử 278 vụ, với 584 bị cáo về tội danh tham nhũng. Trong số này tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng chiếm hơn 40%, số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm hơn 30%.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Báo cáo chưa nói tới vai trò của Ban chỉ đạo PCTN, đánh giá của quốc tế, dư luận nhân dân... trong việc PCTN. Theo Chủ tịch QH, báo cáo cần nói rõ trách nhiệm, không chỉ là những cơ quan chủ lực như Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an mà còn có cả Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, các địa phương, bộ, ngành.
Phải làm rõ việc vì sao các vụ án tiêu cực, tham nhũng kéo dài, bị hoãn nhiều lần hoặc đình chỉ gây bức xúc và mất niềm tin với người dân. “Dân trộm cắp từ 2 triệu đồng là đi tù nhưng cán bộ nhà nước tham nhũng hàng tỷ đồng, vụ án lại bị đình chỉ thì dư luận đặt ra vấn đề có tiêu cực hay không là điều dễ hiểu” – ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp bày tỏ.
Còn xử lý... âm thầmChủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu ý kiến: “Trong 98.000 thông tin liên quan đến tố giác tội phạm của quần chúng, có bao nhiêu tin về tham nhũng và đã được xử lý như thế nào? Báo cáo phải làm rõ vấn đề này để thể hiện được ý chí trong công tác PCTN”.
Ông Ksor Phước đặt vấn đề thêm, có những thông tin về tiêu cực đã đưa ra, thậm chí có kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng sau đó không hiểu sao lại rơi vào im lặng, dẫn đến sự băn khoăn, nghi vấn của người dân.
“Vụ án Dương Chí Dũng đã xử lý nhiều cán bộ nhưng hiện giờ tới đâu không ai biết? Việc xử lý âm thầm lặng lẽ, chưa rõ ràng dẫn tới sự hoài nghi của người dân.”- ông Ksor Phước nói.
Chủ tịch Hồng đồng Dân tộc QH Ksor Phước: Báo cáo PCTN cần nêu rõ tỉnh nào, bộ, ngành nào làm kém nhất, phải có địa chỉ rõ ràng. Ban chỉ đạo PCTN T.Ư cần tập trung làm có trọng điểm, còn lại để địa phương làm. Nơi nào nhiều tiền và nhiều quyền lực, nơi đó có nguy cơ về tham nhũng nhiều nhất.
|
Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết: Có địa phương thực hiện 804 cuộc thanh tra nhưng chỉ chuyển xử lý hình sự 1 -2 vụ.
“Hiện có 3 đơn vị chuyên trách, từ Thanh tra Chính phủ, Vụ trong Viện KSND Tối cao, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng của Bộ Công an nhưng không rõ ai phải chịu trách nhiệm chính trước nhân dân về PCTN. Phải có quan độc lập giám sát việc này, hoạt động mới đạt hiệu quả” – ông Phong đề nghị.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Việc phát hiện xử lý tham nhũng như báo cáo chưa tương xứng với tình hình thực trạng hiện nay, cần phân tích sâu và rõ nguyên nhân của thực trạng này, yếu kém là gì. Cần có đánh giá của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, dư luận nhân dân, quốc tế, báo chí để có bức tranh toàn diện về tình hình tham nhũng”.
Lương Kết (Lương Kết)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.