Có thể "xử lý hình sự" nếu vi phạm đấu giá, cấm "vợ, chồng, anh em ruột" cùng tham gia

An Linh Thứ năm, ngày 27/06/2024 16:41 PM (GMT+7)
Luật quy định cấm vợ, chồng, anh chị em ruột cùng tham gia đấu giá một tài sản tại một phiên đấu giá. Đồng thời xem xét chế tài xử lý hình sự trường hợp lũng đoạn, ngăn chặn "bỏ cọc", "thổi phồng" để trục lợi đấu giá tài sản.
Bình luận 0

Việc quy định đối tượng cấm tham gia đấu giá tại Luật Đấu giá tài sản được cho là nhằm tránh hành vi câu kết, đấu giá đấu thầu theo nhóm lợi ích.

Chiều 27/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường cho ý kiến, biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Với 463 đại biểu tán thành (chiếm 95,27%), Quốc hội thông qua dự luật nói trên. Thời hạn hiệu lực thi hành của Luật Đấu giá tài sản bắt đầu từ ngày 01/01/2025.

Có thể "xử lý hình sự" nếu vi phạm đấu giá, cấm "vợ, chồng, anh em ruột" cùng tham gia- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Quochoi.vn).

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Về hành vi bị nghiêm cấm, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường Vụ Quốc hội đã tiếp thu và chuyển quy định tại Điều 39 về tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác vào điểm d2 khoản 2 Điều 9 như tại dự thảo luật.

Về phạm vi đối tượng bị cấm tham gia đấu giá thu hẹp theo hướng chỉ cấm đối với vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột tham gia phiên đấu giá đối với cùng một tài sản để bảo đảm phù hợp với thực tiễn xảy ra trong thời gian qua.

Trước đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc quy định tại Khoản 4 Điều 38 về việc hạn chế cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đăng ký tham gia đấu giá; cần có cơ chế để thực hiện bảo đảm tính khả thi trong thực tế, cũng như bảo đảm quyền của cá nhân khi tham gia đấu giá.

Trước đó, trong dự thảo Luật đưa ra lấy ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo đưa danh sách đối tượng bị cấm trước đó, cha mẹ, con của đấu giá viên, người định giá tài sản. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi và thu hẹp đối tượng cấm, điều này đồng nghĩa: cha mẹ, con của đấu giá viên, người định giá tài sản không bị cấm tham gia đấu giá.

Về xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá (Điều 70), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh: Dự thảo luật chỉ quy định chế tài xử lý đối với trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá vì đây là 2 loại tài sản đặc thù, có giá trị lớn, ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, chứng khoán, giá cả vật liệu xây dựng…

Do đó, việc bổ sung quy định cấm người trúng đấu giá đối với những tài sản này tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản.

Luật Đấu giá tài sản cũng thông qua có nhiều quy định mới về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan.

Cụ thể, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem