Có tránh được thảm họa môi trường sau vụ 8 tàu chìm, 11 người chết?

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 08/11/2017 12:06 PM (GMT+7)
Vụ việc hàng loạt tàu hàng bị chìm trên vùng biển Quy Nhơn (Bình Định) đang nảy sinh nhiều vấn đề đáng lo ngại. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà., nếu sự cố xảy ra, không chỉ Bình Định, mà các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đều bị ảnh hưởng.
Bình luận 0

“30 tàu xin vào nhưng đành chịu”

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa có cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bình Định, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn và cơ quan Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn về phương án cứu hộ, trục vớt, xử lý môi trường sau vụ 8 tàu hàng bị chìm tại vùng biển Quy Nhơn do trận bão số 12 gây ra (ngày 7.11).

Theo ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã có 8 tàu chở hàng neo đậu ở phao số 0, cảng Quy Nhơn bị chìm, 1 tàu mắc cạn với 84 thuyền viên bị nạn, đã cứu được 71 thuyền viên còn sống, vớt được 11 thi thể (trong đó đã nhận dạng được 5 thi thể là thủy thủ của tàu gặp nạn). Vẫn còn nhiều người mất tích đang được tìm kiếm. Nguy cơ các tàu hàng bị chìm sẽ gây ra tình trạng tràn dầu, ô nhiễm môi trường trên vùng biển Quy Nhơn là rất lớn.

img

Tàu hàng bị chìm trên vùng biển Quy Nhơn. Ảnh: D.T

“Tại thời điểm xảy ra bão, có 104 tàu hàng (10 tàu nước ngoài) vào neo đậu trú bão tại cảng Quy Nhơn. Theo quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt, cảng này tối đa chỉ chứa khoảng 30 tàu hàng. Nếu đậu sát thì gây thiệt hại lớn nên đã ưu tiên sắp xếp vị trí tàu đánh cá trước và 53 tàu hàng, còn lại 51 tàu buộc phải neo ở phao số 0. Mặc dù 30 tàu đã phát tín hiệu xin vào cảng Quy Nhơn nhưng không còn chỗ nên đành chịu vì cho vào thì thiệt hại vô cùng lớn”, ông Dũng thông tin.

Ông Dũng lo ngại sự cố chìm tàu sẽ gây ách tắc trong việc lưu thông ra vào của tàu thuyền tại cảng Quy Nhơn và khi vớt tàu lên có khả năng xảy ra sự cố tràn dầu. Vì vậy, tỉnh Bình Định đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn xử lý môi trường sau lũ và hỗ trợ xử lý sự cố tràn dầu. Hỗ trợ kinh phí cho các nội dung này là 20 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định lo lắng: “Đây là vụ chìm tàu chưa từng có ở địa phương, nếu xảy ra sự cố tràn dầu ở ngay vịnh Quy Nhơn thì chắc chắn sẽ là thảm họa. Cả môi trường sống, hoạt động đánh bắt hải sản, kinh doanh du lịch đều bị đe dọa. Tỉnh Bình Định mong Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan trung ương giúp địa phương trục vớt tàu lên bờ an toàn”.

Gặp sự cố, nhiều tỉnh sẽ bị ảnh hưởng

Ông Bùi Văn Vương - Giám đốc Cảng vụ Hàng Hải Quy Nhơn đưa ra thông tin: “Rất nhiều hàng hóa mắc kẹt trong tàu hàng, chủ yếu là gạo, apatit, bã sắn... Đáng lo ngại là nguồn gây nguy cơ tràn dầu, chỉ riêng 8 tấn dầu FO trên tàu FEI YUE 9, nếu tràn ra ngoài đã đủ “nhộm đen” mặt biển Quy Nhơn. FEI YUE 9 hiện chênh vênh trên bãi đá, trong điều kiện sóng to gió lớn mà két dầu lại nằm ngay trên một tảng đá”.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, có 2 nhóm công việc phải giải quyết đồng thời cả trên đất liền và trên biển. Nguy cơ, sự đe dọa về môi trường trên biển nghiêm trọng, cấp bách hơn. Trong khi tiếp tục duy trì nỗ lực tìm kiếm số thuyền viên mất tích còn lại, cần tập trung phương tiện, nhân lực tiến hành trục vớt, xử lý nguy cơ tràn dầu.

“Nếu sự cố xảy ra, không chỉ Bình Định, mà các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đều bị ảnh hưởng. Cho nên phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, an toàn 100% cả con người và môi trường”, ông Hà yêu cầu.

img

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thị sát hiện trường chìm tàu. Ảnh: D.T

Đánh giá cao sự vào cuộc khá sớm của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực 3, Bộ trưởng Hà đã “trấn an” lo ngại từ Bí thư Tỉnh ủy Bình Định về việc dầu có thể thoát ra trong quá trình trục vớt.

“Dứt khoát phải hút hết dầu, chuyển ra ngoài kết hợp hệ thống phao vây. Phần rơi rớt lại phải sử dụng hóa chất trung hòa để vô hiệu hóa. Bộ Tài nguyên và Môi trường phân công đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường làm đầu mối phối hợp với các bên”, ông Hà khẳng định.

img

8 tàu hàng bị chìm gây mất an toàn lưu thông hàng hải. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ với mất mát của các chủ tàu. Ông đề nghị tỉnh Bình Định làm việc với doanh nghiệp bảo hiểm liên quan và tác động để các đơn vị hợp đồng trục vớt xem xét “chia sẻ chi phí cần thiết ”. Với trách nhiệm pháp lý từng bên, điểm nào còn “mập mờ” phải được làm sáng tỏ.   

Ngay sau chuyến thị sát hiện trường tại khu vực chìm tàu, ông Hà yêu cầu: “Việc trục vớt cần tiến hành ngay vì trên luồng tàu ra vào có tàu chìm gây mất an toàn trên biển. Thực tế, cảng chưa thể hoạt động được đối với tàu lớn nên việc này cần làm khẩn trương nhưng phải đảm bảo an toàn, đúng quy trình”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem