Đổi đời nhờ vốn ưu đãi
Chị Triệu Thị Nga (dân tộc Dao ở thôn Nà Quang, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới) là một trong những hộ sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH. Từ năm 2007 đến nay, chị Nga đã mạnh dạn vay tới 187 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để chăn nuôi, trồng rừng và nuôi 3 con học đại học.
Từ vốn vay Ngân hàng CSXH, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn huyện Chợ Mới, Bắc Kạn đã đầu tư nuôi trâu hiệu quả. Ảnh: Thu Hà
Chị Nga tâm sự: Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo trong thôn, bởi nhà đông con, hai vợ chồng không có công ăn việc làm ổn định và gia đình cũng không có đất ruộng để canh tác. Từ năm 2007 đến nay, gia đình chị được Ngân hàng CSXH huyện Chợ Mới cho vay 3 lần chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số vốn hơn 80 triệu để đầu tư nuôi trâu, trồng rừng. Hiện, gia đình chị Nga đang có 6ha rừng keo phát triển tốt và 8 con trâu cái sinh sản, trừ các khoản chi phí, đạt thu nhập bình quân 70 - 80 triệu đồng/năm. Từ năm 2016, gia đình chị đã thoát nghèo bền vững.
Cùng với cho vay vốn ưu đãi chương trình hộ nghèo, chị Nga còn được Ngân hàng CSXH cho vay vốn ưu đãi chương trình học sinh sinh viên để nuôi các con ăn học đại học.
Hiện nay, với cương vị là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV) thôn Nà Quang, xã Nông Hạ, chị Nga luôn vận động gia đình và hội viên thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Dư nợ hiện nay của tổ là hơn 2,2 tỷ đồng, với 59 hộ vay, 100% hộ vay là đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng tháng, các hộ vay đều trả lãi và trả gốc đúng thời hạn; trong tổ không có lãi tồn, không có nợ quá hạn. Hàng tháng, tổ TKVV do chị làm tổ trưởng đều được tổ chức hội và hgân hàng đánh giá, chấm điểm xếp loại tốt.
Tương tự chị Nga, nhiều năm trước, gia đình ông Lường Văn Đoan (ở thôn Bản Áng, xã Thanh Bình) thuộc diện khó khăn, nguyên nhân do thiếu vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Thông qua tổ chức Hội Phụ nữ, Hội ND, gia đình ông được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng CSXH để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, bò, thả cá và trồng rừng. Sau khi đã có thu nhập từ chăn nuôi, ông lại tiếp tục vay thêm vốn để mở rộng quy mô.
Hiện nay, gia đình ông Đoan có mô hình kinh tế quy mô lớn với 9 con bò nuôi nhốt, hơn 1.000 con gà, 2.000m2 ao thả cá trắm, trôi, chép, rô phi đơn tính và 2ha rừng keo, mỡ 3 năm tuổi.
Hơn 1.700 hộ nghèo được vay vốn
Hàng năm vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH huyện Chợ Mới đã góp phần cho
1.786 hộ nghèo, 1.015 hộ cận nghèo, 187 hộ mới thoát nghèo, 403 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, 2.356 hộ gia đình tại vùng khó khăn có vốn đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
|
9 tháng đầu năm nay, doanh số cho vay của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chợ Mới là hơn 77 tỷ đồng, tăng hơn 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Từ nguồn tín dụng ưu đãi đã giúp cho 1.786 hộ nghèo, 1.015 hộ cận nghèo, 187 hộ mới thoát nghèo, 403 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, 2.356 hộ gia đình tại vùng khó khăn có vốn đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; 55 học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; 2.404 hộ vay vốn để xây dựng cải tạo công trình nước sạch, công trình vệ sinh…
Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay, Ngân hàng CSXH huyện chỉ đạo các tổ chức Hội cấp xã, tổ TKVV thực hiện đúng hợp đồng ủy nhiệm thu lãi, thu tiết kiệm theo quy định, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay của các hộ gia đình. Đồng thời, tổ chức giao ban hàng tháng tại các điểm giao dịch để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã đánh giá được kết quả, hiệu quả của chương trình tín dụng chính sách, phát hiện những sai sót, tồn tại trong quản lý, sử dụng nguồn vốn vay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.