Kinh tế tập thể Đại Lộc ở Quảng Nam đang phát triển theo chuỗi giá trị

Trương Hồng - Tuyết Nhung Thứ tư, ngày 04/12/2024 05:29 AM (GMT+7)
Xác định kinh tế tập thể, Hợp tác xã (HTX) là cầu nối quan trọng giữa nông dân và doanh nghiệp, nông dân với Nhà nước, tạo thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, thời gian qua, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đã chú trọng phát triển các mô hình HTX trong nông nghiệp.
Bình luận 0

Hợp tác xã là "bà đỡ" của nông dân

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: "Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp Đảng ủy, chính quyền địa phương, kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn huyện Đại Lộc đã có những chuyển biến hết sức tích cực về phương thức hoạt động, đầu tư, liên kết sản xuất, gắn chuỗi giá trị của HTX với các thành phần kinh tế khác. 

HTX ngày càng phát huy được vai trò trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho người dân và nhiều vấn đề khác trong cộng đồng, xã hội".

Quảng Nam: Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện Đại Lộc phát triển kinh tế tập thể bền vững - Ảnh 1.

Làng rau Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc) có diện tích 20ha với hơn 200 hộ chuyên canh các loại rau ăn lá phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; góp phần quan trọng trong việc khai thác các nguồn lực; tham gia tạo ra các sản phẩm mới cho thị trường; giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho thành viên và phát triển kinh tế, xã hội.

Quảng Nam: Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện Đại Lộc phát triển kinh tế tập thể bền vững - Ảnh 6.

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc. Ảnh: T.H.

Nhiều HTX đã mạnh dạn đổi mới tổ chức bộ máy, tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực đổi mới mẫu mã sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Năm 2021-2023, giá trị sản xuất khu vực kinh tế tập thể huyện Đại Lộc đã đóng góp khoảng 6-7% tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản và công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, các HTX Nông nghiệp đóng góp trên 8% tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản.

Quảng Nam: Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện Đại Lộc phát triển kinh tế tập thể bền vững - Ảnh 9.

Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa hoạt động chủ lực là sản xuất hạt giống lúa lai F1 và sản xuất chế biến gạo an toàn Ái Nghĩa, bánh tráng Đại Lộc. Ảnh: T.H.

Ông Trần Việt Phương – Trưởng phòng NNPTNT huyện Đại Lộc cho hay: "Các HTX Nông nghiệp trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt vai trò là "bà đỡ" của người nông dân, giúp các địa phương tổ chức sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao. 

Hiện nay, toàn huyện có 13 HTX tham gia liên kết sản xuất 1.700-1.800ha, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như giống lúa thuần và giống lúa lai ổn định, lâu dài với 17 Công ty sản xuất giống (Giống cây trồng Trung ương, Mahyco, Miền Nam, Thái Bình, Quảng Bình, Hải Phòng, Quảng Nam...)".

Từ đó, các HTX đạt doanh thu cao, nâng cao mức lãi qua mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 500 lao động, thu nhập bình quân của thành viên cao hơn nhiều lần so với năm 2011. Điển hình như HTX Nông nghiệp Đại Hiệp, Ái Nghĩa, Đại Quang, Đại Minh....

Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Hiện nay, các HTX Nông nghiệp trên địa bàn huyện đang hoạt động hiệu quả theo Luật HTX kiểu mới năm 2012. Có 8 HTX là chủ thể thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). 

Trong đó có 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (Bánh tráng Đại Lộc của HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa) và nhiều sản phẩm 3 sao, các sản phẩm đều có lượng hàng hóa ổn định, có mặt trên các sàn thương mại điện tử, được tiêu thụ rộng rãi.

Quảng Nam: Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện Đại Lộc phát triển kinh tế tập thể bền vững - Ảnh 10.

Toàn huyện có 13 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương với 17 Công ty sản xuất giống. Ảnh: T.H.

Là ngọn cờ đầu trong phong trào kinh tế hợp tác của tỉnh Quảng Nam, ông Trương Cảm – Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) chia sẻ: "Hoạt động chủ lực của HTX là sản xuất hạt giống lúa lai F1 và sản xuất chế biến gạo an toàn Ái Nghĩa, bánh tráng Đại Lộc. 

Hiện đơn vị đang quản lý và tổ chức sản xuất gần 500ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 300ha đất trồng lúa, liên kết với 6 doanh nghiệp bao tiêu khoảng 1.000 tấn lúa giống cho thành viên, với giá bán cao gấp 2,5-3 lần so với sản xuất lúa thương phẩm.

Nhờ mạnh dạn, năng động trong đầu tư, sản xuất kinh doanh và nỗ lực liên kết, tìm kiếm thị trường mà HTX luôn đạt doanh thu cao, khoảng 30 tỷ đồng/năm, lợi nhuận chiếm 40%. Từ đó, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, HTX phát triển vững mạnh, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn tại địa phương".

Quảng Nam: Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện Đại Lộc phát triển kinh tế tập thể bền vững - Ảnh 11.

Huyện Đại Lộc có 8 HTX là chủ thể thực hiện Chương trình OCOP, các sản phẩm đều có lượng hàng hóa ổn định, có mặt trên các sàn thương mại điện tử, được tiêu thụ rộng rãi. Ảnh: T.H.

Từ năm 2015 đến nay, từ các nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương đã hỗ trợ trên 12 tỷ đồng để các HTX đầu tư cơ sở hạ tầng; trên 1,5 tỷ đồng hỗ trợ thu hút cán bộ về làm việc tại HTX; trên 12 tỷ đồng hỗ trợ các HTX Nông nghiệp tổ chức triển khai các loại hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.... Hầu hết, các HTX đều phát huy được hết hiệu quả của các nguồn kinh phí hỗ trợ.

Quảng Nam: Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện Đại Lộc phát triển kinh tế tập thể bền vững - Ảnh 12.

Các HTX trên địa bàn huyện Đại Lộc tạo việc làm thường xuyên cho gần 500 lao động, thu nhập bình quân của thành viên cao hơn nhiều lần so với năm 2011. Ảnh: T.H.

"Để đẩy mạnh hơn việc phát triển kinh tế tập thể, HTX của huyện trong những năm tới, Đại Lộc tiếp tục hỗ trợ thành lập mới, củng cố các HTX, tăng cường năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả phương thức sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề mới; nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX gắn với phát huy vai trò chủ thể của các thành viên tham gia; thực hiện tốt chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các HTX.

Ngoài ra, tranh thủ các nguồn vốn của tỉnh qua các chương trình như: Nghị quyết 17/2019/NQ-HĐND, Nghị quyết 25/2021/NQ-HĐND, Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND để hỗ trợ các HTX đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng cơ sở sản xuất, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân", ông cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem