Có vốn Quỹ HTND, nông dân Yên Bái đầu tư trồng dưa Hàn Quốc trong nhà lưới

Thanh Tiến - Đức Thịnh Thứ bảy, ngày 07/01/2023 18:55 PM (GMT+7)
Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), hàng nghìn lượt hộ nông dân tỉnh Yên Bái đã có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. Đặc biệt từ nguồn vốn vay này, nông dân nơi đây đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

Bội thu từ mô hình trồng dưa Hàn Quốc trong nhà lưới

Với mô hình trồng dưa trong nhà lưới, anh Nguyễn Cao Thường (ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên) là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. 

Anh Thường chia sẻ: Nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, anh đã triển khai thực hiện mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc, dưa lê Cẩm Ngọc trong nhà lưới ở thôn Ngòi Hóp. Thực hiện mô hình này, anh Thường đã được vay 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND để đầu tư hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới nước tự động. 

 Hiện tại, mô hình trồng dưa trong nhà lưới có tổng diện tích gần 3.000m2 với hơn 5.000 gốc dưa theo cách gối vụ, sản lượng thu hoạch đạt bình quân 5 - 6 tấn/vụ, giá bán từ 40.000 - 50.000 đồng/kg.

Bội thu từ mô hình dưa trong nhà màng - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn vay Quỹ HTND, anh Nguyễn Cao Thường (ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) đã đầu tư hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới nước tự động trồng dưa trong nhà lưới. Ảnh: Thanh Tiến

"Thời gian tới, chúng tôi đang hướng tới việc mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời xây dựng sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm".

Anh Nguyễn Cao Thường -

Hộ vay vốn Quỹ HTND

Không riêng gì gia đình anh Thường mà nhiều hộ hội viên nông dân ở xã Báo Đáp đã được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND để đầu tư, xây dựng nhà xưởng, mô hình phát triển sản xuất. Điển hình như trong dự án trồng dâu nuôi tằm, trên địa bàn xã đã có 10 hộ dân được vay vốn từ nguồn vốn Quỹ HTND với tổng số tiền 500 triệu đồng để thuê đất trồng dâu, mua phân bón, xây dựng nhà tằm và đầu tư các dụng cụ nuôi tằm.

Chị Ngô Thị Thúy Vân - Chủ tịch Hội ND xã Báo Đáp cho biết: "Từ vốn vay của Quỹ HTND với mức vay 50 triệu đồng/hộ đã giúp cho nhiều hội viên nông dân trong xã phát triển sản xuất kinh doanh. Các hộ đã mở rộng được diện tích trồng dâu, nhà nuôi tằm, tăng sản lượng kén tằm, từ đó đem lại thu nhập ổn định mỗi lao động đạt 5-6 triệu đồng/tháng".

Nhân rộng mô hình hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND

Ông Hoàng Xuân Long - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Yên Bái cho biết: "Cùng với các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho hội viên, năm 2022, tổng nguồn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 31 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ HTND T.Ư Hội ủy thác trên 7 tỷ đồng; Quỹ tỉnh trên 13,5 tỷ đồng; quỹ cấp huyện, thị xã, thành phố là 10,5 tỷ đồng.

Từ nguồn Quỹ HTND, Hội ND tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện với mục tiêu ưu tiên cho vay để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh; có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; sản phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới đạt chuẩn OCOP. Hội ND tỉnh Yên Bái cũng khuyến khích sử dụng vốn theo nhóm hợp tác xã, tổ hợp tác…

Bên cạnh đó, để kiểm tra, giám sát hoạt động Quỹ HTND và chương trình phối hợp với các ngân hàng, năm 2022, Hội ND tỉnh Yên Bái đã tổ chức 9 cuộc kiểm tra tại 9 huyện, thị, thành phố, đã tiến hành kiểm tra 10 xã, 19 tổ tiết kiệm và vay vốn và 95 hộ vay; cấp huyện, tổ chức 75 cuộc kiểm tra tại 158 đơn vị xã, thị trấn, 219 tổ vay vốn và 1.024 hộ vay; cấp xã, phường, thị trấn, tổ chức 203 cuộc tại 458 tổ vay vốn và 4.881 hộ vay.

Qua kiểm tra cho thấy hội viên vay vốn đúng mục đích theo hướng dẫn của Hội cấp trên; việc đôn đốc thu hồi nợ đến hạn đảm bảo theo quy định… Việc triển khai tốt các dự án vay vốn Quỹ HTND và các ngân hàng đã tạo điều kiện cho hội viên mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế hộ, xây dựng nhiều mô hình kinh doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Điển hình như Dự án trồng dâu nuôi tằm tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên; Dự án trồng lúa nếp tại xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên; chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Xuân Lai, nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà tại các xã Hán Đà, Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình. Nhiều hộ, sau khi dự án kết thúc, đã nâng mức thu nhập bình quân từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Đặc biệt, một số mô hình đạt mức thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm. Các dự án đã đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem