Có vốn tín dụng chính sách đầu tư nuôi dê, nông dân Quảng Bình nhanh thoát nghèo
Có vốn tín dụng chính sách đầu tư nuôi dê, nông dân Quảng Bình nhanh thoát nghèo
Đức Thịnh – Lan Chi
Thứ ba, ngày 24/10/2023 14:18 PM (GMT+7)
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng nghìn hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được “tiếp sức” phát triển các mô hình kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Là một trong những hộ nông dân sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH, anh Hồ Xuân (bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa) cho biết, gia đình anh từng là hộ nghèo nhiều năm liền. Từ khi tham gia sinh hoạt tổ vay vốn của Hội Nông dân xã, anh học hỏi được kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt và được tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế. Với số tiền này, anh Xuân đã đầu tư mua trâu giống về nuôi, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa phát triển kinh tế.
9 tháng năm 2023, doanh số cho vay các chương trình ủy thác đạt hơn 1.145 tỷ đồng, trong đó, doanh số cho vay Hội Nông dân 427,5 tỷ đồng, chiếm 37,3%; Hội Phụ nữ 417,3 tỷ đồng, chiếm 36,4%; Hội Cựu chiến binh 157,1 tỷ đồng, chiếm 13,7%; Đoàn Thanh niên 143,5 tỷ đồng, chiếm 12,6%.
(Báo cáo Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Bình)
Nguồn vốn chính sách cũng trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế đối với gia ông Nguyễn Xuân Lễ (thôn Lý Nguyên, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch). Ông Lễ cho biết, từ Ngân hàng CSXH, ông đã vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư chăn nuôi. Từ vài ba con gà, dê ban đầu, đến nay gia đình ông đã mở rộng quy mô chuồng trại nuôi 30 con dê, 400 con gà, 3 con bò, 50 chim bồ câu. Bên cạnh chăn nuôi, ông Lễ còn trồng hơn 7ha keo tràm, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu về gần 100 triệu đồng.
Ông Phan Ngọc Anh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hóa - cho biết, tính đến ngày 31/8/2023, Hội Nông dân xã đang quản lý dư nợ ủy thác hơn 43,9 tỷ đồng với 573 khách hàng vay vốn và hiện là đơn vị có dư nợ ủy thác lớn nhất trong 76 đơn vị ủy thác trong toàn huyện. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã phát triển các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuyên Hóa - Trương Tư Thoan cho biết: Thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã phối hợp chặt chẽ với phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng, kịp thời các chính sách mới về vốn vay đến các hội viên; hướng dẫn nghiệp vụ tín dụng mới cho các cán bộ hội và hội viên có nhu cầu vay vốn tại các điểm giao dịch xã.
Ủy thác vốn vay Ngân hàng CSXH hiệu quả
Theo Phó Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tuyên Hóa - Phan Hùng Cường, hoạt động ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị-xã hội, trong đó có Hội Nông dân đã góp sức cùng với ngân hàng chuyển tải vốn ưu đãi một cách nhanh chóng, bảo đảm 100% đối tượng thụ hưởng khi đủ điều kiện và có nhu cầu đều được tiếp cận vốn vay.
Qua đánh giá rà soát, hầu hết các hộ vay vốn của Ngân hàng CSXH đều sử dụng vốn đúng mục đích. Việc phối hợp giữa cán bộ ngân hàng và các tổ vay vốn rất chặt chẽ, các hộ dân có nhu cầu đăng ký vay đều được thẩm định nhu cầu, mục đích và quá trình triển khai thực hiện nguồn vốn. Chính vì vậy, hiệu quả của đồng vốn được phát huy, tạo hiệu ứng tích cực, ngày càng xây dựng được uy tín của ngân hàng đối với người dân.
Theo báo cáo Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Bình, 9 tháng năm 2023, doanh số cho vay các chương trình ủy thác đạt hơn 1.145 tỷ đồng, trong đó, doanh số cho vay Hội Nông dân 427,5 tỷ đồng, chiếm 37,3%; Hội Phụ nữ 417,3 tỷ đồng, chiếm 36,4%; Hội Cựu chiến binh 157,1 tỷ đồng, chiếm 13,7%; Đoàn Thanh niên 143,5 tỷ đồng, chiếm 12,6%.
Tổng dư nợ đến 30/9 đạt 4.926,3 tỷ đồng, tăng 546,1 tỷ đồng so với đầu năm, với trên 84.638 hộ nghèo và các đối tượng chính khác còn dư nợ, bình quân dư nợ 58,2 triệu đồng/hộ.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn, thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Bình tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến với người dân.
Cùng với đó, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Bình tiếp tục tập trung huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách; tạo mọi điều kiện thuận lợi để tạo lập nguồn vốn, mở rộng đối tượng chính sách, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững và mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.