Còn 1080 thùng sữa Abbott nghi nhiễm khuẩn chưa được thu hồi

Thứ tư, ngày 07/08/2013 12:21 PM (GMT+7)
Tính đến 22h30 ngày 6.8, Abbott tại Việt Nam đã thu được 12.083 thùng trong tổng số 13.163 thùng nghi nhiễm khuẩn. Trong khi ở các báo cáo trước, Abbott Việt Nam cho biết, họ chỉ bán ra thị trường 12.927 thùng loại này.
Bình luận 0
Ngày 7.8, theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Văn phòng đại diện Abbott Laboratories S.A tại Việt Nam cho biết, họ đã thu thêm được 430 thùng sữa Similac GainPlus Eye-Q loại hộp 400g và 900g dành cho trẻ 1-3 tuổi, có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum.
img

Sữa Similac GainPlus Eye-Q của Abbott bị thu hồi. Ảnh: Vne

Cũng theo tin từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP), tại Singapore, Công ty Công ty Danone Dumex đã thu hồi tự nguyện 02 lô sản phẩm sản phẩm công thức Mamil Gold PreciNutri bước 2 dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi (Mamil Gold PreciNutri Step 2 After 6 Months Follow-up Formula) đóng gói tại Malaysia, vì có khả năng bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum từ nguồn nguyên liệu. Sản phẩm nêu trên được bán tại Singapore.

Số lô sữa bị thu hồi ghi dưới đáy hộp là FGMG2RG0900TNSG29 06043R1 (900 g, hạn sửa dụng 4.6.2015) và FGMG2RG1600TNSG29 06053R1 (1,6kg, hạn sử dụng 5.6.2015)

Tại Hồng Kông-Trung Quốc, Trung tâm An toàn thực phẩm (CFS) đã cảnh báo người tiêu dùng về việc 02 lô sản phẩm công thức Cow & Gate Happy Kid 3 dùng cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum. Sản phẩm có nguồn gốc từ New Zealand, do Công ty Danone Baby Nutrition (HK) Limited nhập khẩu và phân phối tại Hồng Kông. Số lô là 3178 (900g, hạn sử dụng 27.6.2015) và 3179 (900g, hạn dùng 28.6.2015)

Trong khi đó, Nga đã tạm thời cấm tất cả các sản phẩm sữa từ New Zealand.

Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm bột whey và bột có chứa sữa do Công ty Fonterra sản xuất và tăng cường kiểm tra, giám sát các sản phẩm sữa của New Zealand tại biên giới. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa hoàn toàn đóng cửa đối với các sản phẩm sữa của New Zealand.

Ngoài ra, người tiêu dùng không sử dụng 2 sản phẩm nhãn hiệu Karicare do Công ty Nutricia New Zealand sản xuất, không phân biệt số lô sản xuất, đối với các sản phẩm Karicare Formula số 1 (Karicare Infant Formula Stage 1) cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi và Karicare Gold+Follow on Formula số 2 (Karicare Gold+ Stage 2 Follow on Formula) cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi.

Cục ATTP cũng cho biết, Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand đã rút lại thông tin cảnh báo đối với sản phẩm nước uống dinh dưỡng thể thao Aussie Bodies vì trong quá trình sản xuất, sản phẩm này đã được tiệt trùng ở nhiệt độ cao - có khả năng tiêu diệt vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Tại Việt Nam, mới chỉ có hai loại sữa Similac và Dumex Gold có lô nghi nhiễm khuẩn phải thu hồi. Tuy nhiên, trên thị trường trôi nổi rất nhiều sữa xách tay không rõ nguồn gốc trùng với các nhãn hiệu sữa bị cảnh báo nói trên.

Vì vậy, ông Trần Quang Trung – Cục trưởng Cục ATTP cho biết, đối với số loại sữa “xách tay”, sữa nhập lậu, chưa được cơ quan nhà nước cấp phép, các bậc phụ huynh không nên sử dụng vì không thể khẳng định được chất lượng.
Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem